Nguyễn Minh Đức
Cô ca sĩ có vóc dáng xinh đẹp, duyên dáng và nhỏ nhẹ, những tưởng sẽ gắn bó cả cuộc đời với những khúc hát mang âm hưởng dân ca miền quê nơi cô sinh ra và lớn lên, nhưng một bước ngoặt bất ngờ đã đưa cô đến với những tác phẩm âm nhạc cổ điển bất hủ, trong một không gian nghệ thuật mà tiếng hát của cô rồi đây sẽ còn bay xa hơn rất nhiều những gì cô từng tưởng tượng ra cho tương lai của mình – cô gái ấy là ca sĩ Phạm Thuỳ Dung.
Nửa cuối năm 2019, Phạm Thuỳ Dung là cái tên được nhiều người, cả trong giới âm nhạc và khán giả, nhắc đến một cách tò mò. Rằng cô gái ấy là ai mà được diva Thanh Lam rồi divo Tùng Dương mời hát trong chương trình của mình, và dành cho rất nhiều lời ưu ái. Chưa hết, cô ấy bất ngờ ra hẳn một live concert mang tên Trăng Hát vô cùng hoành tráng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, biểu diễn cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (SSO). Và vẫn rất lặng lẽ, chưa cần ồn ào, cô tung ra album đầu tay Moon – Mặt Trăng, một sự ra mắt chính thức đông đảo khán giả, không còn lặng lẽ, không còn là cái gì bất ngờ nữa, từ nay, thị trường ca nhạc chính thức chào đón một nữ ca sĩ theo dòng cổ điển giao thoa (classical crossover), vốn đang rất hiếm hoi ở Việt Nam hiện nay.
Cuộc sống có những mối duyên lạ lùng. Nếu trong cuộc thi hát Sao Mai cách đây hơn 6 năm, Phạm Thuỳ Dung không gặp ca sĩ Tùng Dương, người ngồi trong Ban Giám khảo năm đó, thì có lẽ con đường ca hát của cô đã khác hẳn bây giờ, vì lúc đó cô đã chọn dòng nhạc dân gian để theo đuổi. Nhưng Tùng Dương, bằng con mắt tinh đời, đã nhận ra những tố chất của âm nhạc cổ điển trong Phạm Thuỳ Dung, để đưa ra một lời khuyên, mà đến giờ Dung nhận thấy là vô cùng quan trọng, đúng đắn với mình. Cô thực sự thuộc về không gian âm nhạc này, ở nơi ấy, giọng hát của cô được vang lên như nó cần phải là như thế.
Trong câu chuyện của mình, Thuỳ Dung thường nhắc tới hai nữ ca sĩ opera nổi tiếng thế giới là Angela Gheorghiu và Diana Damrau, những nghệ sĩ sở hữu kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao, và cũng đồng thời có phong cách biểu diễn thanh lịch, sang trọng, tất cả những điều đó Phạm Thuỳ Dung đều đang hướng tới. Nhưng không có nghĩa là cô đã quên chất âm nhạc dân gian vốn đã nằm trong máu thịt của mình từ khi sinh ra. Trong live concert Trăng Hát, cô đã hát bài hát kinh điển về miền quê Hà Tĩnh của mình là bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. Nghệ sĩ piano Thái Linh, con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (tác giả của bài hát) khi nghe phiên bản này đã hết sức kinh ngạc và thán phục: “Sao có thể hát được kiểu này, hay thế nhỉ! Các em trẻ bây giờ giỏi quá! Phục quá!”
Con đường đến với âm nhạc giao thoa của Phạm Thuỳ Dung đã khởi đi từ những sự kết hợp tưởng như không thể. Một cô ca sĩ từng giành giải cao trong một cuộc thi hát chuyên về nhạc dân ca, giờ đây phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, để đến với âm nhạc cổ điển vốn đã có biết bao đỉnh cao sừng sững Nhưng Dung có một tinh thần cầu tiến mạnh mẽ, và một niềm tin mãnh liệt ở bản thân để có thể từng bước chinh phục được dòng âm nhạc mà trước đây cô chỉ đứng từ xa ngưỡng mộ.
Những người thầy trong nước và nước ngoài giúp cô hoàn thiện kỹ thuật hát, để giọng nữ cao trữ tình của cô có thể vang lên thật đẹp, có thể hát những tác phẩm cổ điển một cách chuẩn mực, nhưng điều quan trọng hơn, là phải hát được các bài hát Việt Nam thật hay, thật Việt Nam. Điều này tưởng như đơn giản nhưng thực ra rất khó đối với các nghệ sĩ hát cổ điển, bởi âm nhạc hát bằng tiếng Việt có những đòi hỏi rất riêng mà đôi khi kỹ thuật hát dù cao tới đâu, cũng chưa chắc đáp ứng được, mà tâm hồn của người hát lúc đó mới trở thành yếu tố tiên quyết để họ thành công.
Phạm Thuỳ Dung cùng những người thầy, những cộng sự của cô hiểu rõ điều đó, và họ đã cùng nhau làm ra một sản phẩm âm nhạc đưa Dung lên một đẳng cấp mới với những bài hát cổ điển được lựa chọn kỹ càng, cùng những bài hát được viết riêng cho tiếng hát của Thuỳ Dung, để khi cô cất tiếng hát, khán giả sẽ cảm nhận được vẻ đẹp riêng có trong tiếng hát ấy.
Nhạc sĩ Dương Cầm, người sản xuất album này chia sẻ rằng anh hiểu rất khó cho Thuỳ Dung để làm sao phải hát những bài hát vốn không dễ thể hiện, vì được viết rất khác với các bài nhạc pop đại chúng, tất nhiên Thuỳ Dung sẽ phải hát bằng kỹ thuật thanh nhạc mà cô đã học bao năm qua, nhưng khó hơn là làm sao che giấu được những kỹ thuật ấy, để khi bài hát tới tai người nghe, họ cảm nhận thật nhẹ nhàng, thật êm dịu, và cứ thế đi vào lòng người.
Thật may mắn làm sao, Dung đã làm được tất cả những điều mà mọi người kỳ vọng ở cô, để rồi album Moon trở thành một trong những đĩa nhạc đặc sắc và rất đáng nghe của năm qua. Đúng như hình ảnh Thuỳ Dung đã chọn đồng hành cùng với mình là Mặt Trăng, tiếng hát của cô vang lên nhẹ nhàng, đẹp đẽ, trong sáng và mát lành như ánh trăng. Khi ngắm trăng, ta quên đó là một tiểu hành tinh trong vũ trụ, chỉ thấy ánh sáng tuyệt đẹp ấy toả xuống nhân gian… Và với tiếng hát Phạm Thuỳ Dung – trăng hát – khán giả đã quên đi những vất vả bộn bề của một đời nghệ sĩ đằng sau sân khấu, để thưởng thức trọn vẹn một tiếng hát đẹp, vỗ về an ủi tâm hồn chúng ta, bằng những thanh âm diệu kỳ.