Trân Huyền
Năm 2014, chính quyền TP. Hồ Chí Minh chủ trương dỡ bỏ Thương xá TAX, thuộc sự quản lý của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), để xây dựng một trung tâm thương mại cao 40 tầng tại vị trí này.
Thương xá TAX được khởi công xây dựng năm 1922, khánh thành ngày 26.11.1924, mang tên Grands Magasins Charner (GMC). Công trình kiến trúc theo trường phái Art Deco này là trung tâm thương mại sang trọng và là nơi mua sắm nhộn nhịp bậc nhất ở Đông Dương thời bấy giờ. Qua nhiều thăng trầm, Thương xá TAX đã không ít lần thay tên đổi chủ, nhưng luôn được coi là một di sản kiến trúc đô thị cần bảo tồn bởi giá trị kiến trúc và mỹ thuật của nó.
Vì thế, khi được tin Thương xá TAX sẽ bị phá dỡ hoàn toàn để nhường chỗ một tòa cao ốc 40 tầng, nhiều người yêu mến di sản kiến trúc ở trong và ngoài nước đã kiến nghị kêu gọi bảo tồn những chi tiết quan trọng và đặc sắc của Thương xá TAX. Trong số đó có Đài quan sát di sản Sài Gòn, một nhóm hoạt động xã hội, tập hợp các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, bảo tồn, bảo tàng… Họ là những người trẻ yêu mến và mong muốn bảo vệ các giá trị văn hóa – lịch sử Việt Nam.
Cuộc vận động của Đài quan sát di sản Sài Gòn và nhiều tổ chức khác đối với việc bảo tồn di sản kiến trúc Thương xá TAX, đã được chính quyền và các cơ quan chức năng ở TP. Hồ Chí Minh lắng nghe. Tháng 10.2016, Thương xá TAX chính thức bị phá dỡ, nhưng các chi tiết kiến trúc có giá trị lịch sử và mỹ thuật của công trình này như: các thảm gạch mosaic (làm thủ công từ Bắc Phi), hệ thống cầu thang và mái vòm đồng hồ cổ điển, đã được bảo lưu để tái hiện trong công trình mới.
Sau thành công này, các thành viên trẻ trong Đài quan sát di sản Sài Gòn tiếp tục lên tiếng kêu gọi bảo vệ các di sản kiến trúc khác như Dinh Thượng thư ở TP.Hồ Chí Minh hay khu vực đồi Dinh ở Đà Lạt…
Sau sự ra đời của Đài quan sát di sản Sài Gòn vào năm 2014, ở Việt Nam có thêm nhiều nhóm hoạt động xã hội của những người trẻ được thành lập với mục đích kêu gọi sự chú ý của cộng đồng trong việc bảo vệ các di sản văn hóa, phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Ở Hà Nội và phụ cận, các bạn trẻ đã thành lập nhiều nhóm với tôn chỉ và cách thức hoạt động khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa. Có thể kể tới nhóm Đền miếu Việt, chuyên chụp ảnh, giới thiệu các kiến trúc, hệ thống tượng thờ trong chùa chiền, đền miếu… ở đồng bằng Bắc Bộ, đưa ra những kiến giải sâu sắc về nguồn gốc, giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật… của các di sản kiến trúc và mỹ thuật này; Nhóm Đình làng Việt, chuyên khảo cứu đình làng ở miền Bắc Việt Nam, giới thiệu những đình làng tiêu biểu bằng hình ảnh và clip trên mạng xã hội, lên tiếng cảnh báo những ngôi đình đang hư hỏng, kêu gọi nhanh chóng lập hồ sơ để bảo tồn trùng tu, tôn tạo. Những thành viên của Đình làng Việt còn có một hoạt động rất ý nghĩa là tôn vinh tà áo dài truyền thống của người Việt. Họ thường xuất hiện trong trang phục “áo dài ngũ thân – khăn đóng – giày ta”, cùng với những hình ảnh tuyệt đẹp của ngôi đình danh tiếng hay phong cảnh làng quê trữ tình, thu hút sự chú ý của dư luận, tạo sự quan tâm, thích thú cho những bạn trẻ yêu mến văn hóa Việt Nam; Nhóm SEN Heritage, nơi tập hợp của các nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực: mỹ thuật cổ, Hán – Nôm, kiến trúc sư, họa sĩ, thiết kế đồ họa…, với sự cố vấn của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, khảo cổ học, lịch sử, mỹ thuật… nhằm kêu gọi giới trẻ quan tâm đến di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản đã bị hủy hoại, thậm chí biến mất hoàn toàn do thời gian, chiến tranh và con người. Mới đây, SEN Heritage đã giới thiệu sản phẩm đầu tiên là VR3D chùa Diên Hựu – Một cột thời Lý, trong chương trình tái lập các di sản kiến trúc – mỹ thuật thời Lý – Trần như: đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng… Dù chỉ là “thực tế ảo” nhưng theo SEN Heritage: “các thức và tỷ lệ kiến trúc VR3D chùa Diên Hựu – Một cột thời Lý đã được xử lý dựa trên số liệu cụ thể, hướng đến các phương án tái lập và phục vụ công tác truyền bá, giảng dạy, bảo tồn, phát huy các tinh hoa của văn hóa Đại Việt thời Lý đến với xã hội ngày nay”.
Tại TP.Hồ Chí Minh có nhóm Tản mạn kiến trúc, ra đời vào tháng 4.2019, tập hợp các kiến trúc sư trẻ, hoạt động trong lĩnh vực di sản kiến trúc và nghệ thuật. Chỉ sau một năm rưỡi hoạt động, các thành viên của nhóm đã đăng trên 800 bài viết song ngữ Việt – Anh giới thiệu, phân tích, đánh giá các di sản kiến trúc, chủ yếu ở miền Nam và miền Trung Việt Nam trên trang web của nhóm, với nhiều hình ảnh tư liệu đặc sắc và giá trị, rất hữu dụng cho việc nghiên cứu và bảo tồn các công trình xưa, nhất là các kiến trúc thời Nguyễn và thời Pháp thuộc.
Sự yêu mến và những hoạt động tích cực của thế hệ trẻ trong lĩnh vực di sản văn hóa hiện nay đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo vệ, tôn vinh và phát huy giá trị, lan truyền kiến thức, sự đam mê và tình yêu của giới trẻ và cộng đồng nói chung đối với di sản văn hóa của Việt Nam.