Bài: YILKA
Ảnh: NGUYỄN VĂN TÂM, YILKA, YIRU
Dáng người dong dỏng, làn da rám nắng, Linh năm nay 23 tuổi và đã có thâm niên 3 năm làm Trợ lý an toàn đưa khách đoàn “đi hang”. Linh tâm sự “mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, mỗi đoàn em được đồng hành là duyên hạnh ngộ”. Còn cảm xúc với miền quê Phong Nha trong Linh là “từng khóm măng đá, từng cột thạch nhũ” lại có hình hài, tên tuổi với câu chuyện sự tích của riêng mình. Tình yêu trong Linh lớn dần theo năm tháng, và tôi biết em không phải là thiểu số, trong rất nhiều người Việt Nam và người nước ngoài hàng năm say mê khám phá và thử thách mình mỗi dịp xuân hè – khoảng thời gian thích hợp cho hoạt động thể thao đi hang đầy mạo hiểm nhưng kỳ thú.
Quần thể di sản thiên nhiên Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm ở tỉnh Quảng Bình vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, được xem là miền hẹp nhất theo chiều đông – tây của Việt Nam với chỉ 50km. Nơi đây được vinh danh là “Vương quốc hang động” bởi trong số 4 hang động lớn nhất thế giới thì Phong Nha đã có 3 cái tên! Hiện nay chưa biết chính xác số lượng hang động trong quần thể này nhưng ước tính không dưới 1.000 hang. Suốt 25 năm qua đã có khoảng 350 hang được phát hiện, gần 1/10 đang được khai thác du lịch. Theo chia sẻ của các chuyên gia, các hang ban đầu thường nằm sâu dưới sông ngầm, gọi là “hang ướt” có tuổi đời từ 2 đến 3 triệu năm. Trải qua thời gian, địa tầng thay đổi, một số hang nhô lên lộ thiên, trở thành các “hang khô” với tuổi đời từ 3 đến 5 triệu năm; còn quần thể hang động đá vôi trầm tích tại Quảng Bình được ước tính có niên đại hơn 400 triệu năm!
Trước đây người Malaysia rất tự hào với hang Deer, hang đá vôi thuộc Vườn Quốc gia Gunung Mulu, được coi là hang động lớn nhất thế giới thời điểm đó, với sự ví von “Có thể đem cả một hang động khác đặt vào bên trong lòng hang Deer mà vẫn còn chỗ trống!”. Đến năm 2009, vị trí quán quân này đã có một cái tên mới! Cửa hang Sơn Đoòng lần đầu được tìm thấy bởi một sơn tràng địa phương – anh Hồ Khanh – một cách tình cờ vào năm 1990; rồi được khảo sát nghiêm túc và khoa học bởi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh vào năm 2009 trước khi được xác nhận là hang động lớn nhất thế giới mà loài người từng tìm thấy. Với thể tích gần 39 triệu m3, sức chứa đủ cho 68 máy bay dân dụng Boeing 777, là một phần trong hệ thống hang động ngầm khoảng 150 hang kết nối nhau và hệ thống sông trong lòng hang sâu hơn trăm mét, Sơn Đoòng là một kiến tạo thiên nhiên độc đáo mang tầm kỳ quan thế giới. Đặt chân vào Sơn Đoòng, người ta như nín thở bởi vẻ đẹp của hệ sinh thái nguyên sinh nằm trong lòng đất vô cùng độc đáo, không chỉ đồ sộ về kích thước mà còn tinh tế về dáng hình. Những khối thạch nhũ cao hàng trăm mét; những khu rừng dưới hố sụt trông như vườn địa đàng có thật; những viên “ngọc trai” kết tinh của thời gian dồn tích bởi nước và đá vôi có kích thước như quả bóng chày; và cả hoá thạch quý hiếm của các loài động vật sống trong hang. Tất cả đẹp tuyệt mỹ dường như sinh ra cả triệu năm về trước chỉ đợi loài người khám phá!
Cách không xa cửa vào hang Sơn Đoòng là cửa ra Hang Én, hang có thể tích lớn thứ 3 thế giới, nơi được ôm ấp bởi bản hợp ca của suối Rào Thương và đại ngàn Trường Sơn xanh ngắt; cũng là nơi lần đầu tôi đi cùng nhóm của Linh. Hang Én đã từng là nơi cư ngụ của tộc đồng bào Vân Kiều, trên vách đá và trần hang dựng đứng ngày nay vẫn còn nhìn thấy các vết tích dây rừng chắc chắn được họ sử dụng để lấy tổ yến trước đây. Hang Én trông xa như bãi biển thu nhỏ với lều trại sắc màu sống động dựng trên bờ cát, mặt nước trong hang xanh thẫm yên bình. Vòm hang lồng lộng cao tới 120m mà những đèn pha độ sáng mạnh nhất cũng gặp khó khăn khi muốn chạm đến vách. Khi đêm xuống, trong cái tịch liêu của đá núi và hơi thở mát rượi của không gian, điện thoại thì đã mất sóng từ lúc đặt chân vào vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha, không gì thú vị hơn những phút giao lưu chuyện trò cùng các chuyên gia hang động, đội ngũ hậu cần tận tâm. Không chỉ việc khảo sát lộ trình, cắm thang sắt hay sắp đặt các thiết bị an toàn khi leo hang được các chuyên gia thực hiện tỉ mỉ, mà để gìn giữ cho hệ sinh thái trong hang và bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm, mọi đồ vật dụng cụ như bếp gas, bàn ghế, lều bạt, thậm chí nhà vệ sinh đều được gùi vào hang và sẽ được chuyển ra sau khi kết thúc hành trình.
Cái tên lớn thứ tư thế giới và cũng là niềm tự hào đất Việt phải được nhắc đến là Hang Pygmy. Người anh em của Sơn Đoòng này mới được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2018, số người đã chinh phục Pygmy còn ít hơn số người từng đặt chân lên đỉnh Everest, và lời khen ngợi này không hề phóng đại. Nếu Everest quanh năm tuyết phủ thì hang Pygmy lại rì rào màu xanh. Đặc biệt hơn, không chỉ đường đến với Pygmy đi qua hố sụt Kong và hệ thống Hang Hổ được thảm rừng Trường Sơn phủ kín mà chính trong lòng hang Pygmy là một cánh rừng nguyên sinh khác, càng tăng thêm phần ngoạn mục hoang sơ. Bên trong Sơn Đoòng, nếu bạn phải leo qua bức tường thạch nhũ trơn bóng cao 90m (có tên gọi “Bức tường Việt Nam”) là thử thách khó khăn cuối cùng trong hành trình, thì tại Pygmy, để đặt chân xuống lòng hang, bạn phải đu dây thả mình qua vách thạch nhũ rất lớn có tên gọi “Sống lưng khổng lồ” với độ cao nguyên khối là 80m. Những trải nghiệm hiếm hoi trong lòng hang tối này mai sau chắc chắn sẽ theo bạn đi khắp thế gian!
Đến lúc phải nói lời tạm biệt với gió Lào cát trắng, tạm biệt điểm dừng Phong Nha trên con đường di sản miền Trung, tôi sẽ không bao giờ quên sự kỳ vĩ mà tự nhiên đã ưu ái cho vương quốc hang động Việt Nam. Sẽ nhớ mãi cái mát lạnh tê người trong hang ngay giữa mùa hè nắng cháy, nhớ sắc màu xanh kỳ ảo của suối nước trong vắt khi có ánh sáng rọi vào và cảm giác lặn ngụp hòa mình vào miền cổ tích hàng triệu năm tuổi. Càng nhớ hơn những khuôn mặt cái tên rạng rỡ đôn hậu trên quê hương mẹ Suốt đã giúp ghi danh Quảng Bình lên bản đồ du lịch thế giới như một kỳ tích. Nơi đây chúng tôi đã phải lòng những hoàng cung trong lòng đất!