Bài: Nhà sử học Lê Văn Lan
Ảnh: AMACHAU

Tể tướng Hồ Quý Ly, vào năm 1397 – 3 năm trước khi chính thức lên ngôi Thánh nguyên Hoàng đế, khai sáng triều đại nhà Hồ (1400 – 1407) – đã lệnh cho quan lại bộ Thượng thư Đỗ Tỉnh (còn được gọi là Đỗ Mãn) chủ trì việc xây dựng một tòa thành, ở gần núi An Tôn (nên có tên là thành An Tôn, nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), trước khi chính thức được mang tên là thành Tây Đô, với chức năng là kinh đô phía Tây của nước Việt.

Thành nhà Hồ qua hàng trăm năm vẫn sừng sững giữa đất trời xứ Thanh

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 1397, từ tháng Giêng đến tháng Ba (âm lịch) – theo những sử liệu đáng tin cậy – mà một vòng tường thành vuông vức, mỗi cạnh dài gần 900m, cao khoảng 5m, bề mặt rộng khoảng 9m, chân rộng 37m, với khoảng 25.000m3 đá xây dựng và 100.000m3 đất nện đắp ốp, quây vào bên trong một diện tích gần như hình vuông hơn 140ha đã được hoàn thành. Trong đó, có đầy đủ hệ thống cung, điện, đền, miếu, “ngự đạo” (dành cho vua đi) và tượng rồng đá khổng lồ (tượng trưng cho uy quyền của vương triều)… Công trình này hiển nhiên được đánh giá là một kiệt tác, vượt sức tưởng tượng của vua quan, dân chúng thời bấy giờ.

Toà thành ấy càng được đánh giá cao khi những tảng đá lớn dùng để xây tường và cổng thành, nặng trung bình 10 – 15 tấn mỗi tảng, lớn nhất lên đến 26 tấn, đục đẽo vuông vức, nhẵn nhụi ở “Mõ” (công trường chế tác) dưới chân núi An Tôn. Bí ẩn nhất là cách vận chuyển những tảng đá ấy qua quãng đường dài hơn 2km, sau đó chồng chất đắp dựng không cần chất gắn kết. Những bức tường thành, vòm cuốn cổng thành qua hàng trăm năm vẫn chắc chắn giữa đất trời xứ Thanh luôn đặt ra câu hỏi cho giới sử gia và các nhà khoa học về cách thức xây dựng toà thành này.

Cách thức xây dựng tòa thành cổ này vẫn là dấu hỏi cho giới sử gia và các nhà khoa học

Và, còn là một sự kỳ công nữa của một công trình có tính “quy hoạch” đột phá khi nó nằm ở giữa và lợi dụng “sức nước” của hai dòng sông Mã và sông Bưởi, có sự che chắn của các ngọn núi: Đốn Sơn, Hắc Khuyển, Xuân Đài, Trác Phong, Tiến Sỹ, Kim Ngọ, Ngưu Ngọc, núi Voi… vây quanh, tạo lập không chỉ một tòa “thành nội” (thành ở bên trong) bằng đá lớn, mà còn có cả dải hào nước (rộng tới 50m) bao bọc bên ngoài. Thành ngoài cùng là “La Thành” có chu vi hơn 10km, đắp bằng đất, trồng tre gai kín đặc bên trên, nối liền các quả núi tự nhiên thành một vòng công sự khép kín, nối tiếp truyền thống “trúc thành” lợi hại, từ thời Cổ Loa (thế kỷ 3 trước Công nguyên) và Hoa Lư (thế kỷ 10).

Tuy nhiên, như lịch sử vẫn thường đặt câu hỏi: Kỳ công là thế, mà sao khi xảy ra biến động, chỉ ngay sau đấy một thời gian ngắn, vào năm 1407, lúc có cuộc xâm lược của triều đại nhà Minh từ phương Bắc thì An Tôn – Tây Đô với tên gọi quen thuộc và dân gian là “Thành Nhà Hồ” lại không có công dụng nào? Hơn thế nữa, sau khi lọt vào tay giặc Minh, Thành Nhà Hồ lập tức trở thành một căn cứ nguy hiểm của quân xâm lược. Đặc biệt, vào những lần chúng từ đấy đưa quân tới đàn áp phong trào yêu nước Lam Sơn của Lê Lợi – Nguyễn Trãi, thời còn trứng nước, và đến khi phong trào này trưởng thành, thì Tây Đô vẫn là một ổ đề kháng của giặc không thể khuất phục nổi, cho đến tận khi khởi nghĩa Lam Sơn đánh tan tác quân nhà Minh vào cuối năm 1427.

Đền thờ nàng Bình Khương ở phía đông thành nhà Hồ - nơi có nhiều câu chuyện huyền sử

Câu hỏi bao năm này chỉ trầm lắng xuống khi UNESCO công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2011. Vậy là, với cái nhìn thời đại và hiện đại, khi đã qua đi một “thời gian khó” của lịch sử, thì những kỳ công – kỳ tích trong xây dựng, kiến trúc, quy hoạch của toà thành cổ có thể chính thống mà nổi trội lên. Văn hóa kiến trúc đặc sắc hiếm thấy ở khu vực cũng như toàn cầu, đã đáp ứng tốt 2 tiêu chí thứ 2 và thứ 4 trong số các tiêu chí để được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới do UNESCO đề ra, là: Có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc xây dựng và có giá trị nổi bật, mang tính đại diện ở một thời và một khu vực của thế giới.

Thành Nhà Hồ đã trở thành một công trường khảo cổ học “trong mơ” để các nhà khảo cổ học ngày càng làm rõ thêm giá trị của kỳ công xây dựng, đồng thời trở thành một “điểm đến” hấp dẫn và thú vị đối với du khách. Sẽ là tốt hơn nữa nếu như tinh thần của những bài học lịch sử, dấu ấn anh hùng được lan toả qua những câu nói của các bậc tiền nhân, như lời của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, từng vang lên giữa Thành Nhà Hồ vào năm 1405: “Tôi không sợ đánh (giặc), chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”, thì chắc chắn, những giá trị nhiều mặt của tòa cổ thành – cố đô nước Việt sẽ còn toả sáng hơn nữa.