Bài: Mộc Miên
Ảnh: Giang Lê, Hachi
Bắt một chuyến xe đêm kéo dài gần 8 tiếng từ Hà Nội đến Hà Giang, rồi lại vắt vẻo trên những cung đường núi với những khúc cua tay áo hiểm trở nhưng đầy phiêu lưu, tôi đến với Quản Bạ không chỉ ngắm vẻ đẹp thơ mộng của núi Đôi giữa trập trùng non xanh kì vĩ. Tôi mang theo mình bao nhiêu thúc giục, tò mò về mảnh vải vùng cao thô mộc ở hợp tác xã dệt lanh thổ cẩm Hợp Tiến, nơi mà chỉ vừa mới đây thôi, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người H’Mông đã được công nhận là di sản phi vật thể của quốc gia.
Từ bảo tàng văn hóa sống
Một trong những điều luật nghiêm ngặt đối với người H’Mông là quy định về trang phục: đó là bộ váy cô gái H’Mông phải tự may khi bước vào nhà chồng và chiếc áo dân tộc phải mặc khi chết để tổ tiên nhận ra con cháu. Chỉ bằng một cái lẽ đơn giản vậy thôi mà cho đến giờ cái nghề dệt lanh vẫn còn hiện hữu trong từng ngôi nhà, bản làng dân tộc. Dù mới được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng không khí của hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến vẫn yên ả, không khác mọi ngày là bao. Cầm những sợi lanh trắng ngà, đều tăm tắp trên tay mới biết để có thể làm ra chiếc áo chiếc váy dân tộc mới cầu kì thế nào và đó mới chính là điều khiến cho nhà nước công nhận dệt lanh Lùng Tám là di sản văn hóa quốc gia. Sau khi thu hoạch, cần phải có 21 công đoạn thủ công để làm nên mảnh vải thổ cẩm. Công đoạn tách vỏ lanh cần sự tỉ mỉ và bàn tay khéo léo của người phụ nữ làm sao cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt giữa chừng. Những bó lanh đó lại phải được giã để đánh bong hết bột, chỉ còn những sợi dai để người phụ nữ H’Mông ngày ngày vân vê, nối lại thành những bó tròn. Qua vài lần luộc bằng nước tro bếp, và vài lần giặt nước suối, những con sợi phải đạt được đến màu trắng ngần. Và để trắng và mềm hơn nữa, những con sợi phải được luộc qua thêm một lần nước sáp ong. Đến khi sợi đủ trắng, đủ mềm thì người phụ nữ H’Mông mới căng chúng lên khung dệt. Ngay cả khi đã hoàn thành công đoạn dệt thì tấm vải vẫn cứ phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng. Cô gái H’Mông nói với tôi cách để phân biệt được vải thổ cẩm vùng cao với các loại hàng khác chính là độ bóng. Chất liệu thổ cẩm của người H’Mông không thể bóng bằng những loại thổ cẩm khác, mà thô mộc hơn, sờ cảm thấy sần sần. Người H’Mông có thể làm tăng độ bóng, phẳng của tấm vải bằng một cách thủ công đơn giản chính là dùng phiến đá chà sáp ong trượt đi trượt lại thật nhiều lần. Đó mới là công đoạn tạo ra tấm vải, điều cần sự tỉ mỉ kiên trì. Còn công đoạn nhuộm chàm, vẽ sáp ong trang trí thì lại cần đến sự khéo léo, tinh tế. Màu chàm lấy từ cây chàm là màu phổ biến của những chiếc áo váy, nhưng những màu trang trí khác như vàng, hồng, nâu… cũng được người H’Mông sáng tạo dựa trên cỏ cây hoa lá có sẵn, và chủ yếu từ các loại cây thuốc mà ngay cả chính họ cũng chỉ biết thông qua truyền miệng chứ không cần thiết một cái tên.
Đến sản phẩm đặt mẫu thế giới
Hợp tác xã dệt lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám ra đời từ năm 2001, đến nay là đã được 15 năm, với hơn 130 thành viên, 9 tổ sản xuất khác nhau. Lanh Lùng Tám không chỉ bán theo đơn đặt hàng ở các thành phố lớn ở Việt Nam mà thậm chí được xuất khẩu đến những nước như Pháp, Mỹ, Ý, Thụy Sĩ và gần đây nhất là Nhật Bản. Cô Vàng Thị Mai, chủ nhiệm hợp tác xã, người phụ nữ tuy đã ngoài 50 tuổi này vẫn nhanh nhẹn và nhiệt huyết vô cùng. Cô nói với tôi về những dự định sau khi sang Nhật giới thiệu sản phẩm vào tháng 11/2015; về những lô hàng xuất đầu tiên, và cả những nhà thiết kế hàng đầu của Việt Nam như Minh Hạnh đến tận hợp tác xã để đặt may và tìm chất liệu. Còn nhớ những ngày đầu thành lập, khi những cộng tác viên nước ngoài đến và thích thú với tấm vải lanh của người H’Mông bởi tính thủ công không sử dụng bất cứ loại máy móc nào trong quá trình sản xuất rồi đến những ngày cô Mai phải tạo riêng những điều lệ để khuyến khích bà con người H’Mông tham gia hợp tác và nhận công việc của khu sản xuất. Và vô số những lần cô lặn lội xuống Hà Nội tham gia ngày hội văn hóa dân tộc để quảng bá nghề. Sau tất cả những khó khăn đó, cuối cùng tấm vải lanh độc đáo với màu sắc và họa tiết truyền thống đã đến với những du khách không chỉ qua những bộ quần áo đặt may, mà còn cả những sản phẩm đặt hàng theo mẫu để làm đồ lưu niệm như túi xách, búp bê, khăn, các đồ trang trí khác… Tôi rời làng khi cô Mai bận rộn tiếp mấy du khách nước ngoài đến làng, và các em bé người H’Mông vẫn chăm chú tập thêu trong khu sản xuất dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Quàng chiếc khăn thổ cẩm, đứng giữa ngôi làng vùng cao mà không khí sản xuất nhộn nhịp, niềm mê say của đôi tay trên những khung dệt, khát khao thay đổi cuộc sống và gìn giữ văn hóa của chính những người H’Mông ở nơi đây khiến cho tôi cảm thấy sức sống vùng cao mãnh liệt, dạt dào đến mức nào, như bài hát về sợi lanh được truyền theo ngàn đời:
“Sợi lanh nối sợi chỉ
Rút từng cây, tước từng mảnh vỏ
Kéo dài ra tận đường
Róc từng vỏ trên từng cây
Sợi lanh nối sợi chỉ
Sợi chỉ nối sợi lanh
Róc từng cây bóc từng vỏ
Tưởng chừng như bắp tại chân”