Trân Huyền
Những con tàu đắm trong vùng biển Việt Nam đã để lại nhiều di sản gốm, sứ…
Việt Nam là một quốc gia biển, có đường bờ biển dài 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo nằm trong vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thế kỷ 13, sau khi đế quốc Mông Cổ chinh phục Trung Hoa, cũng là lúc hình thành “con đường tơ lụa trên biển”, khởi đầu từ các thương cảng ở phía nam Trung Hoa, đi qua Biển Đông đến tận bán đảo Ả Rập, kết nối giao thương giữa hai lục địa Á – Âu. Trong thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa trên biển” (thế kỷ 15 – thế kỷ 18), Việt Nam trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa, là điểm dừng chân của các thương thuyền quốc tế trong mạng lưới hải thương xuyên đại dương.
Loại hàng hóa hấp dẫn nhất, được lưu thông nhiều nhất qua Biển Đông trong thời kỳ này chính là gốm sứ. Trong hải trình giao thương ấy, nhiều thương thuyền chở gốm sứ… đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau.
Những con tàu đắm trong vùng biển Việt Nam
Từ giữa thập niên 1970, ngư dân ở miền Nam Việt Nam đã phát hiện con tàu cổ chở gốm sứ Thái Lan bị đắm ở gần đảo Hòn Dầm trong vùng biển Kiên Giang. Năm 1990, một con tàu đắm khác, chở gốm sứ Trung Quốc, cũng được phát hiện và khai quật ở gần đảo Hòn Cau trong vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
Liên tiếp trong các năm sau, thêm nhiều con tàu đắm được phát hiện trong vùng biển Việt Nam và đã được các nhà khảo cổ học khai quật như: tàu cổ Cù Lao Chàm (khai quật trong các năm 1997 – 2000), tàu cổ Cà Mau (khai quật trong các năm 1998 – 1999), tàu cổ Bình Thuận (khai quật trong các năm 1998 – 1999), tàu cổ Bình Châu (khai quật năm 2012). Ngoài ra, còn có nhiều tàu đắm khác được phát hiện gần đây như: tàu cổ Châu Tân (Quảng Ngãi), tàu cổ Phú Quốc (Kiên Giang), tàu cổ Hà Ra (Bình Định), tàu cổ Cà Mau II (Cà Mau)… Những con tàu đắm cổ được phát hiện trong vùng biển Việt Nam cho thấy nước ta từng giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới hải thương quốc tế, đồng thời là minh chứng cho hoạt động giao lưu văn hóa đường biển thời trung đại.
Di sản từ những con tàu đắm
Kết quả khai quật các con tàu đắm trong vùng biển Việt Nam cho thấy đây là những thương thuyền trên hành trình buôn bán giữa châu Á và châu Âu, từ thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ 20. Hiện vật thu được từ những cuộc khai quật nói trên chủ yếu là gốm sứ từ các nước: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Pháp. Ngoài ra còn có đồ đồng mỹ nghệ, tiền đồng Trung Quốc và Ả Rập, đồ thủy tinh, hương liệu, hạt giống…
Tàu cổ Hòn Dầm là con tàu đầu tiên được phát hiện và khai quật. Hơn 16.000 đồ gốm thuộc các dòng gốm Suphanburi và gốm Sawankhalok của Thái Lan, có niên đại vào thế kỷ 15 đã được trục vớt. Đây là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Thái Lan tới các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.
Cuộc khai quật tàu cổ Hòn Cau hoàn tất vào tháng 7/1991, thu được 60.000 đồ sứ Trung Quốc thời Khang Hi (1662 – 1722). Đây là những đồ sứ men trắng vẽ lam sản xuất ở Cảnh Đức Trấn (Giang Tây) theo đơn đặt hàng của các nước châu Âu, với hình dáng, màu sắc và họa tiết trang trí mang phong cách châu Âu, khác hẳn với đồ sứ Trung Quốc truyền thống. Ngoài ra còn có những bát, đĩa, thìa, hộp, bình, chén thuộc dòng đồ sứ men trắng sản xuất ở lò Đức Hóa ở Phúc Kiến.
Cuộc khai quật quy mô nhất thuộc về tàu cổ Cù Lao Chàm, thu hơn 240.000 hiện vật, chủ yếu đồ gốm Chu Đậu (Hải Dương, Việt Nam), bao gồm: gốm men trắng vẽ lam, gốm men nhiều màu, gốm men nâu… có niên đại vào thế kỷ 15. Đồ gốm trong tàu cổ Cù Lao Chàm là đồ gốm gia dụng với các chủng loại: bát đĩa, bình, chum, ấm chén trà, hộp phấn, lư hương… Đáng chú ý là những tượng gốm hình người, ấm trà hình chim phượng rất đặc sắc, cho thấy sự sáng tạo, tính nghệ thuật và kỹ thuật chế tác đồ gốm của người Việt vào thế kỷ 15 đã đạt đến trình độ tinh xảo.
Tàu cổ Bình Thuận được khai quật trong hai năm 2001 – 2002, thu được 60.000 hiện vật. Đa số là đồ sứ men trắng vẽ lam và đồ gốm nhiều màu vẽ trên men, do lò Chương Châu (Phúc Kiến) và lò Quảng Châu (Quảng Đông) ở Trung Quốc sản xuất dưới triều Vạn Lịch (1573 – 1620) nhà Minh. Con tàu này được đoán định là tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan, chở gốm sứ Trung Quốc sang bán ở thị trường châu Âu, nhưng đã gặp nạn và chìm trong vùng biển Việt Nam.
Tàu cổ Cà Mau được khai quật trong hai năm 1998 – 1999, thu được hơn 60.000 món đồ gốm sứ Trung Quốc, có niên đại vào đời Ung Chính (1723 – 1735) nhà Thanh. Gốm sứ trên tàu cổ Cà Mau rất phong phú về chủng loại và xuất xứ, do các lò gốm ở Cảnh Đức Trấn (Giang Tây), Đức Hóa (Phúc Kiến), Tây Thôn, Tiên Sơn, Thạch Loan (Quảng Đông) sản xuất để xuất khẩu sang châu Âu.
Con tàu đắm được phát hiện gần đây nhất là tàu cổ Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Được phát hiện và khai quật vào năm 2012, các nhà khảo cổ học đã thu từ tàu cổ Bình Châu hàng ngàn món đồ gốm men ngọc, gốm men nâu, đồ sứ men trắng hoa lam… của Trung Quốc, có niên đại vào thế kỷ 13, thời nhà Nguyên.
Đồ gốm sứ khai quật từ những con tàu đắm nói trên đã được phân loại. Những hiện vật độc bản, tiêu biểu nhất được đưa về bảo quản và trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bảo tàng địa phương nơi phát hiện những con tàu đắm. Phần còn lại được đưa bán đấu giá ở Amsterdam (1992, 2007), New York (2001), Melbourne (2002)… thu về cho đất nước hàng chục triệu dollar Mỹ.
Điều này không chỉ chứng minh cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới hải thương quốc tế trong lịch sử, mà còn là động lực để phát triển ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam hiện tại và trong tương lai.