Nguyệt Anh

Tây Hồ là một thắng cảnh nổi tiếng nằm ở phía Tây thành phố Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Tây Hồ có 10 cảnh đẹp, mỗi phong cảnh có một vẻ đẹp riêng nhưng đều đậm chất thơ.

Cảnh quan văn hóa Tây Hồ đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới năm 2011.

Tây Hồ cuối xuân

Đến Hàng Châu vào một ngày trời nắng đẹp, thời tiết quả là chiều lòng người để tôi có cơ hội ngắm cảnh Tây Hồ – nơi có cảnh quan văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Ở Trung Quốc, có rất nhiều hồ nước được gọi tên Tây Hồ nhưng Tây Hồ ở Hàng Châu mới thật là nơi đáng đến nhất. Có nhiều truyền thuyết về sự hình thành thắng cảnh đệ nhất Hàng Châu này. Dân gian kể rằng: thánh mẫu nương nương trên trời trong khi chải tóc, đánh rơi chiếc gương xuống trần gian, một nửa chiếc gương rơi đến phía tây thành phố Hàng Châu, bởi thế mới gọi là Tây Hồ. Lại có câu chuyện tương truyền khác là hồ nước này chính là sự hóa thân của nàng Tây Thi – một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa.

Cầu đá cổ trên Tây Hồ

Hồ được chia thành năm khu với ba con đường đê. Quanh hồ có nhiều ngôi vườn, bảo tháp và chùa. Được dạo bước nơi  đây ai cũng thấy tâm hồn thanh thản, mọi sự phiền muộn trong cuộc sống như tan biến. Con người và thiên nhiên thực sự hòa quyện với nhau.

Vẻ đẹp của Tây Hồ được thể hiện qua Tây Hồ thập cảnh – mười cảnh đẹp của Tây Hồ. Đó là: sớm xuân trên Tô đê, hương sen trong Khúc Viện, tiếng chim oanh trong vườn liễu, bóng tà dương tháp Lôi Phong, xem cá ở Hoa Cảng, bóng trăng ở ba đầm nước, tiếng chuông chiều ở núi Nam Bình, ngắm trăng thu ở Bình Hồ, tuyết tan ở Đoạn Kiều và đôi ngọn núi gắn vào mây.

Quanh Tây Hồ có những con đường đi dạo yên tĩnh

Tôi đã  lên thuyền đi vòng quanh hồ để mong được chiêm ngưỡng vài trong số những cảnh đẹp được ngợi ca đó.

Trong thập cảnh Tây Hồ, Đoạn kiều tàn tuyết – tuyết tan trên cây cầu gẫy là điểm thu hút đông đảo khách tham quan chụp ảnh hơn cả. Tam đàm ấn nguyệt – ba bảo tháp sắp theo hình tam giác soi bóng trên mặt nước cũng là cảnh đẹp khó quên. Nếu tới đây vào đêm rằm, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến hàng ngàn ngọn nến thắp sáng trong tháp lấp lánh dưới ánh trăng – khung cảnh lung linh và huyền ảo.

Lầu thưởng cảnh

Thuyền đi chầm chậm, đủ để du khách thưởng ngoạn vẻ đẹp của những ngôi bảo tháp, những mái chùa … soi bóng xuống mặt hồ. Người ta nói rằng, sẽ là trọn vẹn nếu lên được đỉnh tháp Bảo Thích để ngắm toàn cảnh Tây Hồ từ trên cao và thưởng lãm cảnh chiều tà trên Tây Hồ từ tháp Lôi Phong.

Trường Kiều trên Tây Hồ

Gắn với những cảnh đẹp ở Tây Hồ còn có những câu chuyện tình yêu bất tử. Nếu cầu Đoạn là nơi Hứa Tiên gặp gỡ Bạch Nương Tử trong truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà thì cầu Trường lại gợi nhắc chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài nổi tiếng, lấy đi nước mắt của biết bao thế hệ người đọc, người xem. Phong cảnh cùng những tích chuyện làm du khách đắm say mải mê với nơi này, như được quay về quá khứ, hòa mình trong không gian với những nhân vật xưa.

Tây Hồ – từ cách đây ngót nghìn năm khi triều Nam Tống đóng đô tại Hàng Châu và đến tận hôm nay vẫn được xem là viên ngọc quý của cả vùng Giang Nam. Đến Hàng Châu là phải du ngoạn Tây Hồ, đến Tây Hồ là phải ngắm những cảnh đẹp đã được ngợi ca trong Tây Hồ thập cảnh.