Lê Thao

Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ trước công nguyên gồm có nhiều tông phái, song thịnh hành nhất có 3 tông phái là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Trong 3 tông phái này thì Thiền tông và Mật tông là hai tông phái phải dành nhiều tâm sức và khổ luyện chuyên tâm mới  mong  có  thành quả, còn Tịnh độ tông chủ yếu dựa vào tha lực của đức Phật, người tu hành nếu chuyên tâm tụng niệm danh hiệu của ngài, khi qua đời sẽ được đức Phật đón về cõi cực lạc. Có thể nói pháp tu này không đòi hỏi phải tập trung nhiều thời gian, không đòi hỏi vào trình độ, kỹ năng chuyên sâu, nên rất phù hợp với quảng đại quần chúng. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tịnh độ tông phát triển rộng khắp hầu như không có làng nào ở Bắc Bộ mà không có chùa theo tông phái này.

Tòa Tích Thiên Am, nơi đặt tháp Cửu phẩm liên hoa ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh

Trong tôn giáo nói chung, dù trì chú hay tụng niệm, đều nhằm mục đích đến chỗ nhất tâm, có nghĩa là tập trung tuyệt đối vào mục đích chính. Chỗ khác nhau chính là phương pháp. Ở Tịnh độ tông nếu niệm Phật muốn có kết quả trước hết phải tin, tin vào đức Phật A-Di-Đà, tin có cõi cực lạc ở phương Tây, cách đây mười muôn cõi ức. Hiểu được nỗi khổ trong kiếp luân hồi, từ đó mới chuyên tâm sửa mình để phát nguyện về với cõi Phật. Ba bước đó được coi là hành trang cho người theo đạo, vãng sinh vào cõi phật gọi là Tín, Hạnh, Nguyện.

Cũng giống như trong giáo dục, để học sinh dễ thuộc dễ hiểu, các giáo viên kết hợp bài giảng với các giáo cụ trực quan. Các ngôi chùa ở Bắc Bộ có cả một hệ thống tranh, tượng, phù điêu, được sắp xếp, bài trí theo dạng sơ đồ. Phần tổng quan mô tả 3 thế giới, địa ngục, trần gian và cõi niết bàn. Phần trung tâm mô tả quá trình tu tập hay hạnh nguyên của đức Phật A-Di-Đà. Tất cả mô phỏng nên cả một thế giới phật giáo nhằm giúp cho người tu hành dễ mường tượng một cách cụ thể nhất con đường mình phải đi, để đến với cõi vô phiền.

Tháp Cửu phẩm liên hoa ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh

Đến khoảng thế kỷ 17 – 18, nở rộ thêm một hình thức mới, đó là sự xuất hiện các tháp Cửu phẩm liên hoa. Tháp có hình khối lục lăng hoặc bát giác, mỗi tầng được thể hiện là một đài sen tượng trưng cho thế giới thanh tịnh của đức Phật. Tháp gồm 9 tầng, cứ 3 tầng được gọi là một phẩm, từ thấp lên cao là hạ phẩm, trung phẩm, và thượng phẩm. Mỗi phẩm tượng trưng cho công quả của người tu hành khi vãng sinh về với đất Phật.

Đây là nơi các nhà sư thực hành các nghi lễ quan trọng cầu vãng sinh tịnh độ vào ngày rằm hàng tháng, đặc biệt là ngày rằm tháng bảy (xá tội vong nhân). Trong nghi lễ các nhà sư và phật tử tiến hành đi nhiễu tháp, đây là nghi thức xuất phát từ tập tục của người Ấn Độ biểu thị lòng tôn kính. Các phật tử tin rằng, nếu đi nhiễu tháp 3 vòng là tỏ lên cúng dường Tam Bảo, trừ tam độc, sạch tam nghiệp (thân, khẩu, ý) diệt tam ác đạo và mỗi đời đều được gặp Tam Bảo. Nhiễu bẩy vòng, trừ được thất chi tội (thân tam, khẩu tứ), được thất Bồ đề phần. Mười vòng, trừ mười kiết sử, được thập lực (mười trí lực). Một trăm vòng, được trừ bách phiền não, đắc bách pháp môn… Vậy nên, việc đi vòng quanh các biểu tượng của Phật giáo như tượng A-Di-Đà, tháp đặc biệt là Cửu phẩm liên hoa là rất quan trọng. Phật tổ dạy rằng: “Đi nhiễu tháp được hưởng năm phúc đức; đời sau có hình dáng đẹp đẽ là một, có danh tiếng tốt là hai, được sinh lên trên cõi trời là ba, được sinh làm con trong nhà vương hầu là bốn, được đạo của Niết bàn là năm.”

Tháp Cửu phẩm liên hoa sừng sững uy nghiêm trở thành biểu tượng tâm linh của Phật giáo, tuy không phổ biến như tượng Phật A-Di-Đà hay tượng Quan thế âm bồ tát, song chỉ có những ngôi chùa có bề dày lịch sử và được các thiền sư danh tiếng trụ trì mới xây dựng được tháp. Cũng nhờ sự uyên thâm của các cao tăng mà một hình thức mới của tháp ra đời, tháp cửu phẩm liên hoa xoay, gọi một cách nôm na là “Cối xay kinh”. Về hình thức, tháp vẫn tuân thủ các nguyên tắc chung, điểm đặc biệt là tháp được làm bằng gỗ, cao 8 – 9m, đặt trong các nhà phẩm có kiến trúc truyền thống có 2 đến 3 lớp mái với đầu đao cong vút. Chân tháp không chôn cứng với nền mà được đặt trong một cối đồng giúp tháp có thể quay được. Do được làm bằng chất liệu gỗ, nên tháp được những người thợ thủ công trang trí rất công phu, trau chuốt. Trên thân tháp được trang trí bằng những bức phù điêu mô tả các tích Phật. Các tay đòn đỡ các tầng tháp được trạm trổ cách điệu thành hình rồng. Mỗi tầng tháp được tạc thành một đài sen, trên mỗi cánh sen lại được gắn một hoặc nhiều các tượng phật, tượng Quan Âm hoặc các La Hán. Mỗi bức tượng là một tác phẩm điêu khắc sống động, tòa phẩm ở chùa Đồng Ngọ có đến 162 pho tượng. Điều đặc biệt hơn cả để “cối xay kinh” trở thành bảo bối của ngôi chùa nằm ở công năng của tòa phẩm. Từ chỗ chỉ là một biểu tượng, nay “cối xay kinh” trở thành một công cụ hỗ trợ tu hành. Các phật tử tin rằng những lời cầu nguyện, niệm Phật cùng với việc quay cối kinh sẽ tạo tương hỗ cho nhau. Cứ quay một vòng cối kinh thì mỗi câu niệm Phật sẽ được nâng lên thành 3.542 nghìn câu niệm. Hay một người khi sống làm những việc không lương thiện, nhưng không phạm vào ngũ nghịch, lúc sắp lâm chung mà tâm hướng tới thế giới Tây phương cực lạc, miệng niệm Di Đà lại được nhà sư cùng người thân niệm 10 câu “nam mô A Di Đà Phật” quanh tòa cối kinh đang xoay, thì linh hồn người chết sẽ không bị đọa xuống địa ngục. Quả là một công cụ thần diệu, hữu dụng trong đời sống tâm linh.

Chưa có thống kê nào cho biết có bao nhiêu cối xay kinh xuất hiện vào thời đó. Qua mấy trăm năm với bao biến cố của lịch sử, vẫn còn 3 tòa cối kinh còn khá nguyên vẹn có niên đại thế kỷ 17 trong ba ngôi chùa cổ là chùa Bút Tháp ở tỉnh Bắc Ninh, chùa Đồng Ngọ và chùa Giám ở tỉnh Hải Dương. Sự trường tồn của những tuyệt phẩm được sáng tạo và chế tác một cách hoàn hảo này là niềm tự hào của các phật tử nói riêng và người Việt nói chung. Theo các cao tăng đã đi nhiều nơi trên thế giới, thì không có nơi nào có tháp cửu phẩm liên hoa được làm và ứng dụng như các tòa cối kinh này. Phải chăng đây chính là một phát chế đặc sắc của đạo phật ở Việt Nam ứng với muôn pháp của Phật tổ A-Di-Đà từng nhắc tới.