Thành Trung

Hiếm có ngôi làng nào vừa giữ được vẻ đẹp nguyên sơ thời Trung cổ, thu hút tới một triệu lượt du khách quốc tế hàng năm, mà vẫn “giữ mình” trước những tác động do chính con người tạo ra như làng cổ Gruyères, thuộc bang Fribourg của Thụy Sỹ.

Dọc dài trên khắp mảnh đất Thụy Sỹ tươi đẹp mà tôi đã có dịp đi qua, có nhiều ngôi làng đẹp không kém Gruyères, tuy nhiên tôi thực sự bị miền đất đẹp như tranh vẽ này chinh phục. Có lẽ, lý do chính tạo nên nét quyến rũ không thể trộn lẫn của Gruyères so với những làng cổ khác nằm ở chỗ nó mang một vẻ đẹp huyền bí, hư ảo như hiện ra từ trong tuyện cổ tích nhưng đầy hơi thở của cuộc sống hiện đại – tràn đầy sức sống và sự an yên. Động trong tĩnh, hư trong thực. Một cá tính riêng biệt.

Cổ kính nhưng không lụy cổ
Tôi thực sự choáng ngợp trước con đường lát đá cổ chạy quanh co uốn lượn xuyên suốt ngôi làng như một dải lụa mềm mại và duyên dáng, hờ hững vắt lên “cơ thể” tuyệt đẹp của “mỹ nhân” Gruyères. Một người bán hàng trong làng nói với tôi rằng, con đường đá này được lát từ thời Trung cổ, nghĩa là cách đây ngót nghét vài trăm năm. Ngay phía đầu làng là một lâu đài, vốn là một công sự giúp dân làng phòng thủ và tự vệ trước những cuộc tấn công bất ngờ từ những đạo quân xâm lược thời Trung cổ. Tòa lâu đài nhỏ nhưng đẹp lạ kỳ, nằm chênh vênh trên một địa thế hơi dốc tựa như đôi mắt thần dõi theo mọi diễn biến dưới chân ngôi làng. Dân làng chắc hẳn là những người có tình yêu bất diệt với ngôi làng, bởi nhìn cái cách họ nâng niu từng chậu hoa, hàng cây, lau chùi cửa kính một shop bán đồ lưu niệm hay nhiệt tình dẫn khách vào nhà hàng của mình là đủ biết. Tuyệt nhiên không bắt gặp một mẩu giấy hay mẩu thuốc lá trong bất cứ xó xỉnh nào ở đây. Ngay cả bụi bặm cũng không thể lọt vào miền cổ tích có thực này.

Gruyères được bao bọc bởi sự kết hợp đầy tài tình giữa sự gồ ghề, vững chãi của những phiến đá cuội như che chở cho nó trước mưa nắng, thú dữ thời xa xưa; và sự hấp dẫn đáng yêu của những ngôi nhà xinh xắn sơn trắng, xanh, đỏ, những ban công nhỏ xíu nhưng không thể thiếu hoa tươi được trồng một cách khéo léo. Giữa làng là một đài phun nước nhỏ nhắn mà bền bỉ phun nước xuyên qua thời gian như một chứng nhân cho sự hoàn mỹ mà dân làng tôn vinh. Nếu đá thô ráp, sù sì bao nhiêu thì nước mềm mại, dịu dàng bấy nhiêu. Sự cân bằng trong kiến trúc của làng khiến du khách chỉ còn cách trầm trồ trước tài năng của những người đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên Gruyères.

Bất cứ vẻ đẹp nào mang trong lòng nó những trầm tích của thời gian đều cổ kính rêu phong. Nét độc đáo của Gruyères là sự cổ kính này hoàn toàn tự nhiên, không bị “cưỡng ép” kiểu giả cổ gượng gạo nhằm hút khách như một số thắng cảnh du lịch ở nhiều nơi. Đời sống hiện đại với những tiện nghi văn minh không lấn át hay chèn ép sự nguyên sơ của ngôi làng hiền hòa này. Người ta sống, ăn, hít thở, sinh hoạt và buôn bán tự nhiên như chính thiên nhiên trinh nguyên ở miền đất thanh bình này. Dân Gruyères không cần lên gân với du khách để chứng tỏ ngôi làng của họ đã tồn tại hàng trăm năm. Sự tự nhiên và giản dị, không màu mè, không tô vẽ trong đời sống thường nhật đã khiến Gruyères trở thành một miền cổ tích của thời hiện đại, một thứ bảo tàng sống chứ không phải thứ bảo tàng được phục dựng cốt chỉ để thỏa mãn thói lụy cổ của du khách như đang diễn ra tại nhiều nơi ở các quốc gia đang phát triển.

Nơi an yên ngự trị
Tôi rảo bước khắp ngôi làng cổ, cố gắng nắm bắt được cái mạch ngầm văn hóa đã âm ỉ mà bền lắng chảy trong lòng Gruyères suốt hàng thế kỷ qua. Thứ mạch ngầm kỳ diệu này tích tụ, chất chứa nhờ sự phồn vinh và văn minh của đất nước Trung Âu giàu có này, và cứ thế bồi đắp cho ngôi làng bất chấp sự bào mòn của thời gian, sự khắc nghiệt của cơn lốc du lịch và thương mại. Bạn có thể dễ dàng nhận chân được giá trị của Gruyères không chỉ ở vẻ đẹp hữu tình, kiến trúc độc đáo hay thiên nhiên tươi đẹp, mà còn là nếp sống an yên, không chút ồn ào phô trương của mọi người dân. Một anh phục vụ bàn đang tất bật bê món ăn cho khách cũng nở nụ cười kèm theo câu chào “Hello, welcome to Gruyères” khi nhìn thấy khách phương xa. Một cụ bà có lẽ đã 80 tuổi đon đả mời đoàn khách từ Việt Nam xa xôi vào ngôi nhà cổ sơn vàng của mình, mời nước và kiên nhẫn chờ cho khách chụp hình. Không một lời kêu ca.

Nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc có một tình yêu vô cùng lớn lao đối với Hội An. Ông ví von nếu muốn cảm nhận “chất Hội An” thì hãy ghé thăm phố cổ này “bằng đôi chân trần” (tên một bút ký của ông). Theo ông, chỉ có cái tâm và sự tôn trọng tuyệt đối dành cho di sản thì du khách mới cảm được hết những lớp trầm tích văn hóa lắng đọng sâu bên trong di sản ấy, mà Hội An là một ví dụ tiêu biểu. Tôi muốn mượn ý của ông khi nói về Gruyères. “Chất Gruyères” là gì, nếu không phải là những dòng chảy bất biến trải qua chiều dài tồn tại và biến động của làng. Những dòng chảy chìm và nổi ấy giống như thứ hổ phách quý giá, hút hết mọi vẻ đẹp tinh tế vào cho Gruyères, nhưng chỉ lặng lẽ phô ra một phần rất nhỏ của vẻ đẹp diệu kỳ mà Tạo hóa đã ban cho ngôi làng này. Điều gì sẽ xảy ra nếu cư dân Gruyères bị thương mại hóa, biến ngôi làng thành sản phẩm du lịch để tha hồ “rao bán” nó cho du khách mà không màng đến “chất Gruyères”?

May mắn thay, giả định này không xảy ra. Gruyères đã và sẽ mãi là Gruyères – an nhiên và sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tôi nhớ câu nói ngắn gọn của bà cụ chủ nhân ngôi nhà cổ sơn vàng đã mở cửa cho chúng tôi vào chụp ảnh nhà bà, đại ý: “Một vẻ đẹp cổ kính phải là vẻ đẹp của văn hóa “sống”, của sự tiếp thu và tiếp biến mọi vẻ đẹp theo chân du khách tới đây, loại bỏ “tạp chất” để giữ lấy cái đẹp. Muốn vậy chúng tôi phải biết mở rộng cửa đón khách”!