Bài: Mộc Miên
Ảnh: Vũ Việt Hà
Cuốn sách nổi tiếng của nhà kiểm lâm người Đức, Peter Wohlleben, “Đời sống bí ẩn của cây” từng tiết lộ cây trong rừng cũng biết giao tiếp, không phải bằng sóng âm, mà chính là mùi hương. Thế giới này còn muôn điều kỳ diệu về thiên nhiên tưởng như im lặng bình thản nhưng lại sống động vô cùng. Khi ta nhìn thật kỹ, người H’Mông nhuộm vải bằng lá chàm làm nên tấm áo còn cây chàm lại “kể chuyện” người Mông nếu ta thật sự thấu hiểu.
Nhìn thổ cẩm là thấy núi rừng bao la
Cứ mỗi khi xuân sang, từ mùng Bốn tháng Một (Âm lịch), người H’Mông ở Sapa – Lào Cai bắt đầu du xuân. Người H’Mông đi theo từng nhóm, tụ tập trong trung tâm hoặc những phiên chợ. Màu áo của những bộ thổ cẩm đầu năm vẫn còn óng ả, màu chàm xanh đen sâu hút nổi bật giữa núi rừng (hàng năm người H’Mông mặc một bộ áo mới vào đầu xuân, đó cũng là bộ họ sẽ mặc cả năm).
Cái màu sâu thẳm đó có được sau bao ngày bao đêm vải được ngâm vào nước cây chàm. Vải được làm từ cây lanh sau khi tước vỏ, dã sợi, ngâm sợi. Sợi lanh được dệt thành vải trên những khung cửi. Kỳ lạ thay vải lanh cứng ráp thô như chất bao bố mà khi ngâm vào chàm lại mềm mại hơn. Người H’Mông không phải là những nhà khoa học để hiểu được công thức tổ tiên để lại, họ làm theo như một bản năng được truyền từ đời này sang đời khác: ăn rừng, ngủ rừng và đan lên tấm áo từ rừng.
Cây chàm và tiêu chuẩn chống “ế”
Việc xe sợi, dệt vải, nhuộm chàm chủ yếu do người phụ nữ H’Mông đảm nhiệm từ khâu: tước vỏ cây lanh, dã sợi, ngâm sợi cho đến vẽ sáp ong, nhuộm chàm, thêu tay và khâu. Mỗi năm, người phụ nữ H’Mông phải lo một bộ quần áo mới cho mỗi người trong nhà gồm: chồng, con, bản thân và nếu trong nhà còn người già, người phụ nữ cũng cần phải làm trang phục mới cho họ. Vậy nên, người phụ nữ H’Mông tranh thủ ở bất cứ đâu nếu rảnh rỗi là tước lanh, thêu thùa để đầu năm mới cả nhà có quần áo mới diện đi chơi xuân.
Khả năng may vá thêu thùa của cô gái chính là tiêu chuẩn nàng dâu ở một số vùng. Nếu như người Nùng An (Cao Bằng) đánh giá một người con gái đủ tiêu chuẩn lấy chồng chưa qua màu sắc của tấm vải chàm, phải xanh đậm óng ánh thì người H’Mông (Lào Cai) đánh giá qua các chi tiết thêu cầu kì. Trang phục của họ tập trung vào các họa tiết thêu ở cổ áo và hai bắp tay, lớp thêu này chồng lớp thêu kia tinh xảo. Ngoài ra, yêu cầu phối màu đường thêu phải hoà hợp cân đối. Thế nên, nhiều nhà H’Mông đã tập dượt cho con gái cách thêu thùa, may vá từ lúc 8 tuổi.
Hương của chàm
Người H’Mông thân với chàm như vậy, vậy hương của chàm là hương gì? Nhà thiết kế áo dài Vũ Việt Hà thành thật kể với tôi: thật ra nước chàm không thì mùi hương không hề thơm. Vải làm từ sợi cây lanh khi ngấm với nước chàm và sau đó đem phơi khô khiến cho mùi hương chàm bớt nồng đi rất nhiều, nhưng với những người không quen mùi chàm, sẽ không thấy đó là mùi thơm. Với những ai gắn bó với vải thổ cẩm và hiểu câu chuyện đằng sau tấm vải lại bị “nghiện” mùi hương đó bởi hương chàm chính là hương của núi rừng được “gói ghém” trong tấm áo người H’Mông. Với họ, với cả người H’Mông, hương của chàm chính là hương của chiếc áo mới được mặc đầu năm, là hương của Tết như cách người Kinh nhớ hương của lá mùi vậy.
Chàm và “những người bạn”
Dĩ nhiên rồi, với người H’Mông, bạn của chàm chính là cây lanh, là sáp ong, là khung cửi, là đá, là gỗ và là đôi tay thậm chí cả đôi chân của người H’Mông.
Sợi cây lanh sau khi được dệt thành vải trên khung cửi sẽ được vẽ các họa tiết bằng sáp ong. Việc nhuộm vải bằng chàm sau đó mới bắt đầu. Khi ngâm chàm, sợi vải giãn ra và mềm hơn, vậy nhưng việc này lại khiến cho bề mặt vải không bằng phẳng. Tấm vải sau khi phô khô sẽ được luộc để màu của sáp ong bay hơi hết, để lại những nét họa tiết vẽ tay trên màu chàm. Để vải phẳng và bóng, người H’Mông lăn vải trên đá và gỗ. Lớp gỗ chắc ở phía dưới được bôi một lớp màu chàm, sau đó đến lớp vải và đến lớp đá. Người vùng cao dùng chân lăn đá trên vải. Mặt vải bóng hơn nhờ lăn trên đá sẽ là mặt phải của áo, mặt vải lăn gỗ vẫn còn màu thâm chính là mặt trái của áo. Từ các tấm vải đó, người phụ nữ H’Mông sẽ khâu tay để làm nên trang phục.
Tất cả những công đoạn đều làm thủ công và từ các vật liệu thiên nhiên nên bộ áo của người H’Mông mang giá trị độc bản. Nếu như ở một số vùng, họa tiết sáp ong được khắc sẵn trên gỗ để in cho tiện thì người H’Mông ở một số vùng như Lào Cai vẫn vẽ trực tiếp trên tấm vải, và như vậy các họa tiết không thể đồng đều, hay có một nhịp điệu. Ngược lại nó đầy ngẫu hứng và có thể cùng là một người làm ra nhưng không chiếc áo nào giống chiếc nào. Điều đó cũng khiến chiếc áo thổ cẩm càng thêm độc đáo.
Cuộc sống như sắc chàm phai loang
Nhìn màu áo chàm mà thấy được cuộc sống của người H’Mông. Người H’Mông quanh năm mặc một chiếc áo. Nhiều gia đình có điều kiện hơn thì may thêm chiếc áo cho các dịp lễ – cưới hỏi đặc biệt. Có gia đình thì cất áo mới đi và mặc lại áo cũ rồi đến ngày lễ tết mới đem áo mới ra dùng.
Mưa, nắng, gió, mồ hôi, thậm chí thỉnh thoảng là tuyết khiến cho sắc chàm phai ra. Màu chàm phai không bạc áo mà lại lồng vào màu thêu, những họa tiết xanh non ở cổ áo chuyển thành màu lá úa vàng. Thế nên màu áo chàm phản ánh cuộc sống lao động của người H’Mông. Người nào lao động nhiều, vất vả, màu chàm cổ áo phai nhanh hơn. Nhiều nhà thiết kế yêu cái sắc phai tự nhiên đó và đến bản vùng cao mua lại những chiếc áo cũ, bởi sắc chàm loang đã “kể chuyện” cuộc sống của người H’Mông, một cách chân thật và đẹp đẽ.