TS. Trần Tấn Vịnh
Người Cơ Tu làm cột lễ vào các dịp lễ hội quan trọng như lễ kết nghĩa, lễ mừng lúa mới, lễ cúng đất… Nó được xem như “lễ đài” chính của lễ hội, là nơi tiến hành các nghi lễ tâm linh và là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi, diễn xướng dân gian. Cột lễ còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của các nghệ nhân.
Cột lễ được làm từ những thân cây gỗ mềm. Các bộ phận, chi tiết trên cây nêu hay cột lễ có nhiều mô típ trang trí, mang ý nghĩa, biểu tượng khác nhau, như ước vọng cuộc sống hạnh phúc, ấm no, sung túc, mùa màng bội thu, sản vật được sinh sôi này nở… Người được chọn làm cột lễ là người khỏe mạnh, trong sạch, gia đình yên ấm thì cột lễ mới thiêng và nhất là phải có khả năng điêu khắc và vẽ tranh.
Cột lễ chia làm hai phần: phần gốc và phần ngọn. Phần gốc (tơơm) là phần được chôn dưới đất và lộ thiên, để trơn không trang trí, chạm khắc. Đó là chỗ để buộc con vật cho lễ hiến sinh như trâu, bò, dê, ngựa. Phần ngọn (tu) là phần còn lại phía trên của cây cột, bố cục thành 9 mô típ trang trí khác nhau, theo thứ tự từ dưới lên trên. Các mô típ có tên gọi khác nhau: dây thừng (bhrướt pơr lanh), dây thắt lưng, dây buộc tóc của phụ nữ (cơtêêng pa pát), hoa cây chi rong, chuỗi cườm crôl, a pác, crơ lăng, pa pa và gương.
Mỗi mô típ mang ý nghĩa và biểu tượng riêng, trong đó, dây thừng tượng trưng cho dây buộc gia súc với mong muốn cho đàn gia súc đông đúc; dây thắt lưng và buộc tóc tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Cơ Tu; ba mô típ hoa chi rong lặp lại nhau trên cột lễ biểu tượng cho nhiều vật dụng hàng ngày của đồng bào như chày cối, xoong nồi, bát đĩa… Cây chi rong là loại cây phát triển nhanh, đầy sức sống, nên người Cơ Tu thường lấy vài nhánh lá cây này buộc vào cây chọc lỗ để trỉa lúa, cầu mong cho cây lúa lên nhanh như cây này.
Chuỗi cườm tròn trên cây cột lễ miêu tả hạt cườm crôl – một loại cườm to, đẹp, nhiều màu sắc và đắt giá (bằng giá một con trâu to trở lên) – là loại trang sức mà người đàn ông Cơ Tu ưa thích. A pác có thiết diện hình hộp chữ nhật, mặt lớn nằm phía chính diện của cột lễ, là nơi tập trung nhiều hoa văn, hình vẽ như mặt trăng, mặt trời, con rồng a dóc, lá cây a tút, cây a dương (cây mây)… Tại đây tập trung nhiều hình vẽ biểu tượng cho vũ trụ, đất trời như ngôi sao, mặt trời, mặt trăng…, đặc biệt là hình con rồng Bha dưa a dóc đầu hướng về trên, thân mình và đuôi kéo dài xuống dưới. Theo đồng bào thì con rồng này do thần Nước sinh ra, nuôi dưỡng và sai khiến, trừng trị những kẻ ăn ở thất đức, lấy hình ảnh của nó để răn đe, giáo dục con cháu.
Crơ lăng là bốn thanh gỗ chĩa ra bốn hướng trên gần đỉnh cột, biểu trưng cho chiếc nỏ, chiếc ná – công cụ săn bắt và là vũ khí cổ sơ giúp đồng bào bảo vệ cuộc sống của mình. Pa pa là phần trên cùng của cột lễ, được đan bằng tre, nhìn giống cái phễu, xung quanh gắn đầy lá nón, lá cọ, biểu trưng cho ổ gà. Đồng bào xem đây như một cái bàn thờ, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, nơi thần linh tụ về hưởng thụ lễ vật và chứng giám các nghi lễ hiến sinh. Cuối buổi hiến tế thần linh, đồng bào thường ném con gà đã cắt tiết và những đồ vật khác lên trên pa pa để dâng cúng cho các vị thần. Gương là bộ phận quan trọng nhất, là hai tấm gỗ dẹt, được gắn đối xứng qua phần giữa thân cột lễ, trên đó tập trung nhiều hoa văn, tô màu sặc sỡ và nổi bật là hình vẽ chim tring, gà trống hoặc một số con vật khác như trâu, heo, ếch, rồng…
Cột lễ là cột “thiêng” vì đây là nơi thần linh hội tụ về dự lễ; nơi có bàn thờ cúng dâng lễ vật hiến sinh cho thần linh; nơi trình diễn điệu múa “Tân tung dá dá” và là không gian thiêng kết nối, thông quan giữa thần linh với con người. Cột lễ là đồ vật trang trí đẹp nhất của người Cơ Tu, là một sản phẩm điêu khắc dân gian đã đạt đến đỉnh cao cả về nội dung cũng như hình thức.