Bài: Đỗ Thị Thắm
Ảnh: Bùi Trọng Hiền, Trần Hưng, Đỗ Đức, Vũ Kiên

Nghệ sĩ Kim Đức và Giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức là nơi duy nhất truyền dạy và biểu diễn ca trù theo phong cách đàn và hát Khuôn.

Ca nương Phó Thị Kim Đức

Trong đời sống âm nhạc cổ truyền tại Thủ đô Hà Nội, tên tuổi của nghệ sĩ Kim Đức được nhiều người biết đến như một “cây đại thụ”, một tấm gương sáng của tình yêu nghề và lòng nhiệt tình truyền dạy cho lớp trẻ. Bà được người trong nghề và cộng đồng tôn trọng như một bảo tàng sống của bộ môn ca trù, một ánh vàng son trong đời sống văn hóa dân tộc. 

Nghệ sĩ Phó Thị Kim Đức được sinh ra và lớn lên  trong một gia đình ca trù truyền thống. Từ những năm đầu của thế kỷ 20, ông bà trẻ của nghệ sỹ Kim Đức là các cụ Trưởng Bẩy và Phó Thị Yến đã ra mở nhà hát ca trù tại ấp Thái Hà, lập nên trường phái ca trù “khuôn ấp”, với phong cách phách chuẩn mực, hát khuôn khổ chặt chẽ, kỹ thuật luyến láy công phu, đĩnh đạc. Là con nhà nòi, từ năm 7 tuổi, bà Kim Đức đã được bà Phó Thị Yến trực tiếp dạy hát, sau đó lại được bố là cụ Phó Đình Ổn, vốn là Quản Ca của giáo phường Khâm Thiên, tiếp tục chỉ bảo rèn giũa. Đến năm 12 tuổi, bà đã trở thành đào nương hát ca trù chuyên nghiệp, thường biểu diễn cùng bố và anh trai tại các nhà hát danh tiếng cho đến những năm hòa bình lập lại. Từ nền tảng gốc được truyền dạy trong gia đình, nghệ sĩ Kim Đức được tiếp cận và tiếp thu thêm những tinh hoa của nghệ thuật ca trù từ những danh ca nức tiếng thời đó như các cụ Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, Đàm Mộng Hoàn…, để từ đó nâng cao và làm đẹp thêm nghệ thuật ca trù.

Các nghệ sĩ trong một buổi diễn

Nghệ sỹ Kim Đức là đào nương hiếm hoi còn lại của nghệ thuật ca trù được đào tạo theo đúng lề lối cổ truyền. Say với nghề, bà thật may mắn thu nạp được những học trò ưu tú, những người cũng một lòng đắm đuối với tiếng phách tiếng đàn của nghệ thuật ca trù. Đặc biệt có gia đình anh Hải chị Dương, tuy hoàn toàn là người ngoại đạo nhưng lại bén duyên với ca trù hát khuôn của bà Kim Đức đã hơn 20 năm nay. Chị Dương là ca nương, anh Hải đánh đàn đáy, và người con trai cầm canh trống quan viên rất đĩnh đạc. Kế tiếp,  bà cũng đào tạo được các ca nương và kép đàn trẻ. Trong giáo phường bà có các ca nương Nguyễn Khánh Linh và Phó Hà Mi, tuổi trẻ mà tài sắc vẹn toàn, đã miệt mài luyện giọng tới nay đã 12 năm. Kép đàn Phó Minh Quang, đào đàn Trương Thu Hương cũng đã có 3 năm được bà chỉ bảo. 

Các buổi diễn của giáo phường thường theo một chủ đề nhất định, và bà Kim Đức là một kho tàng các điệu hát theo tích cổ. Ví như về nội dung Truyện Kiều, bà có thể tập hợp cả trăm khúc hát. Các khúc hát cũng đều được lựa chọn sao cho vừa giới thiệu được lời hay ý đẹp của ca từ và các giai điệu ca trù cổ truyền, lại vừa là dịp phô diễn các kỹ thuật của giọng hát các ca nương, tiếng đàn đáy điêu luyên của kép, và sự tinh tế trong thưởng thức của quan viên. 

Ngoài ra còn có các khúc hát lời cổ theo điệu Thét Nhạc. Đây cũng là một khúc hát cổ xưa của ca trù. Có người cho là “Thét”, có người gọi là “Thiết”, nhưng dù sao cũng mang một hàm ý tạo sự ám ảnh về nhạc cảm trong làn điệu. Đây là một khúc hát sử dụng đủ cả năm cung trong âm nhạc ca trù: Nam – Bắc – Huỳnh – Pha – Nao. Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét lời văn Thét Nhạc rời rạc khó hiểu, nhưng đọc ra thì rất hay, có lẽ cổ nhân lấy lời để dẫn nhạc. Trong số các làn điệu của ca trù, Thét Nhạc hay được đào nương sử dụng để diễn xướng, vì thế mà được nhiều người để ý.

Ca nương Phó Hà Mi

Mỗi canh hát ca trù thường được mở đầu bằng điệu hát Bắc Phản, còn gọi là điệu Hát Mở. Trong học hát ca trù, sau khi học các khổ phách và đàn cơ bản, thì Bắc Phản cũng là điệu hát được chọn dạy đầu tiên. Điệu hát được bắt đầu một cách êm dịu, bằng phẳng không réo rắt, đến cuối bài mới nâng giọng lên cung cao hơn có tính chất dọn giọng cho các bài hát sau. Tiếp đến là các khúc Hát Mưỡu và Hát Nói. Hát Nói là thể loại thông dụng nhất và có nhiều bài hát nhất trong ca trù, thường được biểu diễn trong ca quán. Hát Nói có thể là một bài hát độc lập, nhưng nó thường được đi kèm với Hát Mưỡu, tức là hát một hoặc hai câu thơ lục bát mở đầu, rồi chuyển sang Hát Nói. 

Rất nhiều lần trong buổi diễn, thể theo nguyện vọng của các học trò và khán thính giả, bà Kim Đức cũng góp một màn trình diễn kỹ thuật gõ phách cực kỳ điêu luyện. Chỉ trong khoảng 5 phút trình diễn, bà như đưa người nghe phiêu diêu từ tiếng thánh thót như hạt sương đêm rơi khẽ, đến tiếng dồn sầm sập như trời đổ mưa. Thực không ngoa khi có quan viên lâu năm đã từng xưng tụng tiếng phách có một không hai của bà là “Phách trạng nguyên”.

Phách

Nghệ sĩ Kim Đức như là chiếc cầu nối liền mạch của 5 thế hệ ca trù liên tiếp: từ thế hệ các nghệ nhân dòng ca trù Khuôn Ấp nối danh, đến thế hệ người cha là Quản Ca giáo phường Khâm Thiên cùng các cô chú nghệ nhân trong dòng họ, tới thế hệ của bà cùng anh trai, tiếp sau là các thệ hệ con cháu được bà truyền dạy trong gia đình thông qua các lớp học do bà tự tổ chức. “Giáo phường Ca trù hát khuôn Phó Thị Kim Đức” của bà hiện cũng đang là một trong những nơi hiếm hoi gìn giữ bộ môn nghệ thuật độc đáo quý giá này của Việt Nam.