Bài: Trần Đức Anh Sơn
Ảnh: Bảo Minh – Nguyễn Phong
Xứ Huế có câu ca dao:
“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp tội lắm anh ơi
Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa, cũng tại ông trời nên xa”
Đó là lời thanh minh, xen chút hờn trách của một thiếu nữ miền đất Hương – Ngự trước sự bẽ bang của duyên phận, nhưng lại “đổ lỗi” cho cây cầu lừng danh ở đất Cố đô – cầu Trường Tiền.
Cây cầu duyên dáng như chiếc trâm cài trên mái tóc của nàng thơ xứ Huế tên là sông Hương, được được khởi công xây dựng từ năm 1897, đến năm 1899 thì hoàn tất. Cầu do công ty Eiffel của Pháp xây dựng, với kinh phí lên đến 400 triệu đồng bạc đương thời. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép: “Bến đò Trường Tiền: ở bến đò ngang quan lộ, phía đông nam Kinh Thành Huế. Năm Thành Thái thứ 9 (1897) cải tạo cầu sắt… Cầu có sáu gian, mỗi gian 66 thước 8 tấc 5 phân, bề ngang 6 thước 2 tấc, trọn bề dài 401 thước 1 tấc đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) mới xong: qua ngày 2 tháng Tám năm thứ 16 (1904) bị gió bão sập hết bốn gian, còn lại hai gian, năm thứ 18 (1906) xây sửa lại”.
Năm 1898, để có kinh phí xây cầu, thực dân Pháp đã tăng thuế trên toàn xứ Trung Kỳ, khiến người dân rên xiết. Đức Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, đã đích thân sang Tòa Khâm ở bờ Nam sông Hương gặp Khâm sứ Trung Kỳ để xin giảm thuế cho dân. Tuy nhiên, chính quyền Pháp ở Trung Kỳ đã không giảm thuế, lại còn hồi đáp Đức Từ Dũ bằng những câu ca dao rất đặc sắc:
“Ngày xưa vua Việt cầm quyền
Cớ sao không bắc cầu Trường Tiền mà qua
Trách Tây hay đánh thuế ta
Cầu Trường Tiền Tây bắc, Tây không qua một mình”
Lúc đầu, cầu có tên là cầu Thành Thái, vì được xây dựng dưới triều Thành Thái (1889 – 1907). Năm 1919, cầu được đổi tên là cầu Clémanceau, mang tên vị Thủ tướng nước Pháp đương thời. Sau sự kiện “Nhật hất cẳng Pháp” (9.3.1945), cầu được đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng, tên của vị chúa Nguyễn đầu tiên cai trị xứ Đàng Trong.
Tuy nhiên, từ hơn hai thế kỷ qua, người dân xứ Huế vẫn gọi cây cầu lịch sử này bằng cái tên quen thuộc: Trường Tiền. Đây vốn là tên bến đò Trường Tiền, vì gần đó có sở đúc tiền đồng của triều đình tọa lại ở bờ bắc sông Hương. Chữ Trường (場) có nghĩa là “xưởng” hay “địa điểm”. Trường Tiền (場錢) là “xưởng đúc tiền”. Chữ Trường này cũng xuất hiện trong một số địa danh khác ở Huế như: Trường Súng, Trường Đồng, Trường Bia… Cầu Trường Tiền đã thành danh và đi vào lịch sử từ cái tên gọi giản dị đó.
Khi cầu Trường Tiền hoàn thành, dù dân chúng phải gồng mình nộp thuế xây cầu, nhưng thấy lợi ích của việc nối đôi bờ sông Hương, Hòa thượng Phúc Hậu đã viết bài thơ tán thưởng:
“Nam mô di Phật phước hà sa
Cầu sắt ơn người tạo lập ra
Độ trận chúng sinh khi trái bước
Lỡ đường thiên hạ lúc băng qua
Tài cao sánh với non Kim Phụng
Đức trọng so tày bể Túy Ba
Lồng lộng giữa sông trồng cội phúc
Ngàn năm để tiếng nước Nam ta”
Nào ngờ, nỗi vui mừng chưa được bao lâu thì cơn bão năm Giáp Thìn (1904) kéo tới. Cầu Trường Tiền có sáu nhịp, bão thổi bay mất bốn nhịp. Nước lũ cuốn những vài cầu trôi về tận chợ Đông Ba.
Trước cảnh xứ Huế bị tang thương do bão, thi sĩ Mộng Phật Tôn Thất Diệm đã cảm tác bằng mấy câu thơ:
“Thương bấy tàu đồng ngoài bể Bắc
Tiếc thay cầu sắt giữa dòng Tây”
Chợ Đông Ba được thành lập vào đầu triều Gia Long ở ngoài cửa Chính Đông, tên nguyên thủy là Đông Hoa (東花). Về sau, vì kiêng húy chữ Hoa (花), là tên của Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa, mẹ của vua Thiệu Trị, nên vào năm 1841, nhà vua đã hạ chỉ đổi tên tất cả những gì có dùng chữ Hoa. Vì thế, chợ Đông Hoa đổi thành chợ Đông Ba, còn người dân Huế gọi hoa là bông từ dạo ấy.
Năm Thành Thái thứ 11 (1899), chợ Đông Ba được dời ra vị trí hiện nay, vốn là một mỏm đất ở mặt ngoài Kinh Thành, dân Huế gọi là giại.
Đến năm 1906, cầu Trường Tiền được sửa chữa. Sàn cầu nguyên thủy làm bằng gỗ lim, nay được đúc lại bằng xi-măng, phát âm tiếng Pháp nghe như “xi-moong”, nên dân Huế lại sáng tác bài ca dao có nhắc cây cầu trứ danh này:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non
Dưới triều Duy Tân (1907 – 1916), chính quyền bảo hộ muốn nhắc nhở người dân giữ đúng luật đi đường nên đã cho treo ở hai đầu cầu Trường Tiền tấm biển có dòng chữ: “Prenez votre droite, marchez au pas” (Đi bên phải, bước chầm chậm). Triều đình An Nam phiên dòng chữ Pháp trên sang chữ Hán: Xa mã quá kiều do hữu chi. Yếu nghi hoãn hoãn vật nghi trì (Xe ngựa qua cầu đi phía phải. Nên đi chầm chậm chớ đi mau), cho khắc vào tấm biển treo cạnh tấm biển chữ Pháp.
Hơn 200 năm tồn tại, cầu Trường Tiền đã cùng với Huế trải qua bao cơn dâu bể. Dẫu có đôi lần ngã gục bởi chiến tranh và thiên tai, cầu Trường Tiền luôn được tái thiết và trở thành một biểu tượng của Cố đô Huế, một di sản kiến trúc duyên dáng trường tồn giữa non nước hữu tình của miền đất sông Hương – núi Ngự.