Hải Lê Cao

Trong nhiều năm theo nghiệp nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh thiên nhiên, tôi có cơ hội đi nhiều nơi và trải nghiệm những không gian thiên nhiên hoang sơ, đặc hữu. Vườn Quốc gia Cát Bà là nơi mà hầu như năm nào tôi cũng có hành trình khám phá và điểm đến này chưa bao giờ hết bất ngờ với tôi.

Rừng nguyên sinh trên núi đá vôi là hình thái phổ biến ở Vườn Quốc gia Cát Bà

Trở lại Cát Bà vào dịp cuối thu đầu đông, tôi may mắn được theo chân người dân bản địa và các kiểm lâm viên thành thạo về địa chất cũng như hệ sinh thái phong phú nơi đây để tiến sâu vào vùng lõi Vườn Quốc gia này.

Cơn mưa nhẹ đầu ngày khiến cho quãng đường rừng nhiệt đới trở nên ẩm ướt và mát lạnh. Mùa mưa là thời gian sinh sản của nhiều loài lưỡng cư và hệ thực vật trở nên đa dạng hơn. Nếu là một đoàn trekking bình thường, quãng đường vào đến vùng lõi sẽ mất từ 2 – 4 tiếng qua nhiều địa hình khác nhau như đường đất sình lầy, suối đá, vách núi dựng đứng…  Cuối tuyến đường này có những mỏm núi đá sắc nhọn khiến hành trình trở nên thách thức và nguy hiểm hơn nhiều. Vì đoàn tôi mang theo nhiều đồ nghề quay film, chụp ảnh nên việc di chuyển khá vất vả, cộng thêm độ ẩm trong rừng khá cao nên chúng tôi phải dừng nghỉ liên tục, vừa để tác nghiệp vừa vệ sinh thiết bị quay chụp. Những vất vả, khó khăn ấy đã được bù đắp khi chúng tôi được ngắm nhìn cả một thế giới hoang dã đang vận hành, sinh sôi ngay dưới những tán lá rậm rạp của khu rừng. Có nhiều loài ếch đang vào mùa sinh sản, các bọc trứng lớn nhỏ được chúng mang lên cây cao, vách đá. Các chú kỳ nhông tranh thủ phơi nắng sau cơn mưa. Những chú bọ cây khổng lồ dài cỡ 30cm nguỵ trang khéo léo, nấp nơi tán cây mà phải quan sát kỹ mới phát hiện ra chúng.

Du khách chèo thuyền kayak xuyên qua hang Luồn

Sau khi băng qua vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Bà, chúng tôi nghỉ chân tại làng cổ Việt Hải và đi cano đến địa điểm tiếp theo – hang Luồn. Hang có hình dáng giống như một đường hầm có phần nền ngập nước. Sâu trong lòng hang có một hồ nước nhỏ. Hang chính là đường thông giữa biển với hồ nước này. Hồ được bao quanh bởi các vách đá dựng đứng hình vòng cung. Muốn vào trong hồ, phải đi bằng thuyền nan hoặc chèo thuyền kayak. Đến thăm hang vào những ngày con nước lên cao, du khách sẽ phải khom mình trên thuyền nan xuyên qua hang đá ngập nước để vào trong hồ. Chính tại những vách đá hình vòng cung này, tôi đã may mắn gặp loài voọc Cát Bà hay còn gọi là voọc đầu vàng, có tên khoa học là Trachypithecus poliocephalus. Đây là một trong những loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất trên thế giới và chỉ được tìm thấy trên đảo Cát Bà. Loài này đã nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Voọc con chào đời với bộ lông màu cam rực rỡ, vô cùng nổi bật giữa môi trường sống của chúng, nơi chỉ toàn màu xám của đá và màu xanh của cây rừng. Tuy nhiên, khi lớn lên thì bộ lông của chúng dần chuyển sang màu đen, chỉ trừ phần má và cổ chuyển sang màu trắng ngà và chỏm lông vàng trên đỉnh đầu. Ngắm được loài linh trưởng quý hiếm đang tự do giữa môi trường thiên nhiên là cơ hội rất hiếm gặp, nên tôi đã tận dụng mọi khoảnh khắc để ghi lại hình ảnh về những nhân vật đặc biệt này.

Vườn Quốc gia Cát Bà có hàng trăm đảo lớn, nhỏ

Điểm dừng chân ngắm cảnh cuối cùng trong hành trình trở lại Cát Bà lần này của tôi chính là động Thiên Long. Thuộc địa bàn xã Phù Long, huyện Cát Hải, động Thiên Long ngoài cảnh đẹp tựa chốn bồng lai, nơi đây còn là nơi lưu giữ dấu tích của người xưa với nhiều câu chuyện dân gian huyền bí. Đoàn của tôi đã lên con đò của dân địa phương để chèo xuyên qua con lạch trong rừng ngập mặn. Sau đó, chúng tôi mất tầm 10 phút trekking qua lối mòn với những dãy núi đá vôi hai bên cao sừng sững để vào động. Cửa vào động khá nhỏ với ngổn ngang đá tảng, nhưng khi vượt qua cửa động, những cột, chùm nhũ đá hiện ra khiến tôi không khỏi trầm trồ. Nhũ đá được kiến tạo qua hàng triệu năm đã tạo nên khung cảnh vừa tráng lệ, vừa kì bí cho động Thiên Long.

Vườn Quốc gia Cát Bà có hệ động thực vật phong phú

Dù hành trình chỉ có 2 ngày nhưng tôi đã được trải nghiệm các loại địa hình của Vườn Quốc gia Cát Bà, từ vùng lõi là khu rừng nhiệt đới đến các hang, động hoang sơ giữa đá núi, biển trời. Còn một điều tôi tâm đắc nữa là: Cát Bà không chỉ là điểm đến mùa hè mà mùa thu, mùa đông khi thời tiết không còn nắng nóng và nước biển thì trong xanh mời gọi là những khoảng thời gian thích hợp để khám phá thiên nhiên đa dạng nơi đây.

Bài viết liên quan: