Nhà sử học Lê Văn Lan

Sách “Việt Nam phong tục” in từ hơn một trăm năm trước có những dòng nói về một tục lệ ngày Tết Việt cổ truyền: “Chủ nhân các gia đình ở nông thôn trịnh trọng mang chiếc bánh bánh chưng quý hóa đến chuồng trâu, và… cho trâu ăn”!

Phút thảnh thơi sau mùa vụ
Phút thảnh thơi sau mùa vụ

“Con trâu là đầu cơ nghiệp” – vì giá trị và vị thế quan trọng như vậy của trâu mà người xưa đã có cách đãi ngộ ngày Tết thật hậu hĩnh với chú trâu là thế chăng? Có lẽ không hẳn là thế! Ở nhiều di chỉ khảo cổ học có tuổi nghìn năm trước Công nguyên, đã tìm thấy những di cốt của loài trâu được thuần hóa, lẫn với nhiều hiện vật của đời sống cổ sơ người Việt. Vậy là sự thân thiết giữa trâu và người đã được xác lập với thời gian 3.000 năm. Và cảnh tượng thuần Việt, cần lao mà tha thiết làm nông nghiệp rộng khắp trong lịch sử lâu đời của dân tộc luôn có hình ảnh trâu cùng con người:

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.

Chính vì thế mới có lời nhắn nhủ của người nông dân với trâu:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày giữ nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công”.

Trâu chính là người bạn của nhà nông, là nét đẹp văn hóa địa phương Việt Nam
Trâu chính là người bạn của nhà nông, là nét đẹp văn hóa địa phương Việt Nam

“đây” và “đấy” – đối tác ngang ngửa – khi cần định vị giữa trâu và người rành mạch như thế, là để công bằng việc đãi ngộ:

“Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn!”

Và thế là, có vẻ như sự công bằng khi người và trâu cùng lao động là thỏa đáng!

Tuy nhiên, cuộc sống luôn khắc nghiệt, vì một lí do nào đó, người phải chia tay trâu, nhưng đã không quên những lợi ích trâu để lại:
Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
Sừng mày tao tiện con cờ
Làm dao, cán mác, lược dày, lược thưa…”

Tuổi thơ của những mục đồng
Tuổi thơ của những mục đồng

Từ thực tế chuyển sang liên tưởng, hình tượng con trâu đã được những nghệ sỹ dân gian Việt Nam khai thác phong phú và thành công trong vô vàn các tình huống, cả thế sự lẫn thói đời:
“Trâu buộc thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần”.

Sự ganh ghét và đố kỵ thường thấy của con người đã khu trú vào hai thành giới là quan văn và quan võ, với cái cớ thật không đâu, chỉ vì người thì quần là áo lượt trong khi người phải cộc cằn, nai nịt.

Lại có chuyện “nực cười” giữa các tình huống đấu tranh mà người nông dân đất phương Nam đã tếu táo mà rằng:
Thiệt tình hổng phải ba hoa
Hôm qua tui thấy con gà đá trâu”
Và, tiếp tục trần thuật cùng phân tích tình huống:
Gà đá trâu bao lâu mới thắng
Trâu đá gà, què cẳng con trâu”.

Chuyện đã dựng giỏi như thế, nên không lấy làm lạ và phải bật cười tán thưởng khi một chàng trai trẻ than thở rằng:
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tui “chăn” nàng còn khổ hơn chăn trâu”.

Con trâu, đến đây, với một hàm răng, chắc cũng phải nhe ra mà cười, cho dù:
“Đường về đêm tối canh thâu
Nhìn anh, tôi ngỡ con trâu đang cười”!

Bài viết liên quan: