Nguyễn Nguyễn

Dạo gần đây người ta lại nói nhiều hơn về việc bảo vệ môi trường, chuyện mà từ khi có chút chút nhận thức tôi đã được răn dạy rất kĩ. Vậy mà tuy đã cũ, thế vậy mà chưa hẳn ai cũng biết nên làm thế nào mới đúng, mới “chuẩn”. 

Trong số hàng tá những câu chuyện, bài học về bảo vệ môi trường thì việc tưởng chừng đơn giản nhưng khiến không ít người trong số chúng ta “đau đầu” chính là… phân loại rác. Xử lý rác thải hữu cơ thế nào cho hiệu quả là câu chuyện mang tính toàn cầu.

Chuyện đã từ rất lâu…

Vẫn biết rằng người dân Nhật Bản đã đưa việc phân loại rác vào đời sống từ cuối những năm 70, nhưng khi hay biết hàng ngày 99% lượng rác thải ở Tokyo đều được xử lý và tái chế, tôi vẫn không ngăn mình khỏi sự trầm trồ và kính nể. Chuyện xử lý rác ở đất nước mặt trời mọc từ lâu đã được coi là lẽ tự nhiên phải thế. Chẳng đâu bỗng nhiên những thùng rác công cộng ở Nhật cứ dần “biến mất”, hiếm lắm người ta mới trông thấy, bởi lẽ người Nhật có thói quen cho rác vào túi, mang về nhà mới phân loại và vứt. Trẻ em cũng không lạ lẫm với cách phân loại rác thành: cháy được, không cháy được và rác chai, lọ ngay trong chính trường học của mình.

Hay ngay chính tại Faro (Bồ Đào Nha), nơi tôi đang sống, nhà nhà đều sẵn có ít nhất bốn thùng rác nắm giữ các vai trò riêng. Một thùng là “nơi chốn” của rau, củ, quả thừa và giấy ăn đã qua sử dụng; thùng khác lại là nơi “ẩn náu” của những chai, lọ thuỷ tinh; hay một thùng chuyên tập hợp những “anh em” có thể tái chế được như kim loại, nhựa, túi nilon và cuối cùng là thùng đựng giấy. Việc phân loại như vậy diễn ra đồng đều từ trong nhà, đến ngoài đường.

Sang đến nước Mỹ xa xôi, tại hạt Santa Cruz, các trường học được khuyến khích tự xử lý rác thải hữu cơ từ căn-tin và nhà bếp bằng giun đất. Chính từ đây, các bạn nhỏ không những học thêm nhiều kiến thức thú vị về môi trường, nông nghiệp mà còn cùng nhau phân tích bữa ăn trưa của mình với những câu hỏi như “mình ăn gì, còn thừa gì? thức ăn này có muối không? giun đất có ăn được không nhỉ?”.

Nước ta…

“Hãy phân loại rác vì đó là tài nguyên quý giá – 3R – 3R -3R…” câu hát ấy thỉnh thoảng lại vang lên trong tâm trí tôi, gợi nhắc về một chương trình thử nghiệm phân loại rác tại nguồn mang tên 3R ở Hà Nội năm 2007. Kể từ đó đến nay, tôi luôn ghi nhớ “rác là một loại tài nguyên quý giá” và mình cần “giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế” rác.

Trong những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, chủ yếu đến từ đối tượng trẻ sống tối giản – những người đang dần tạo trào lưu sống xanh bằng những hành động nhỏ. Cách đây vài tháng, khi về Việt Nam thăm gia đình, tôi vô tình đi qua một cửa tiệm nhỏ. Phía ngoài tiệm có đến bốn cái thùng rác màu xanh dương, vàng, đen và xanh lá với biển gỗ phía trên ghi: “Phân loại rác đơn giản để bảo vệ Môi Trường và Sức Khoẻ người thu gom”. Mỗi thùng lại có một dòng chữ kèm lời nhắn gửi cho cô ve chai, cho anh đổ rác đô thị, cùng với chỉ dẫn nhỏ như “mang đến điểm chuyên xử lý”, “ủ phân hữu cơ” hay “rác vô cơ khó tái chế”. Hỏi ra mới biết đó là Cỏ – một doanh nghiệp trẻ theo đuổi các sản phẩm xanh. Các bạn ấy đã tự ủ phân bón cây từ rác hữu cơ, và mang hẳn thùng rác ra trước cửa, giúp mọi người ý thức về phân loại rác.

Nhắc đến đây thì từ lâu xứ ta đã có chị Hồng nổi danh muôn nơi bởi tạo ra nước rửa chén Minh Hồng. Với chiết xuất 100% từ rau, vỏ trái cây, hoa tươi đã qua sử dụng, chị Hồng không chỉ tạo công ăn việc làm cho rất nhiều phụ nữ nghèo tại Đà Nẵng mà góp phần xử lý các rác thải hữu cơ tại cộng đồng.

Còn Papa’s Dreamer, xà bông của ba, đã ghi dấu nỗ lực phát triển sản phẩm thêm xanh bằng giấy gói xà bông nảy mầm, tạo ra bao bì sản phẩm “thực sự sống cùng trái đất”. Những cây rau sẽ nảy mầm từ những hạt giống nhỏ trong mỗi tờ giấy gói xà bông.

Ngẫm mới thấy, những hành động như vậy nên được lan rộng nhiều hơn nữa khắp đất nước ta. Rồi mai đây, chúng ta sẽ có những bông hoa lớn lên từ những lá mục, vỏ trái cây, từ chính những rác thải trong căn bếp của mỗi gia đình.