Bài: Nguyễn Nguyễn
Ảnh: Trâm Lương
Tôi gặp nghệ sĩ guitar Trần Tuấn An một ngày sau buổi biểu diễn “cháy vé” của anh tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi mà cách đây 17 năm, cậu bé “Mẩu” (tên gọi thân mật của An) bắt đầu hành trình âm nhạc của mình với cây đàn guitar cũ sờn của bố.
Hà Nội những ngày hè nóng ẩm, nể tôi lắm An mới cầm cây đàn của mình ra ngoài phố: “hôm nay Hà Nội độ ẩm cao quá anh à, nó sẽ ảnh hưởng đến âm thanh của đàn” – An rón rén cầm cây đàn guitar đắt giá do nghệ nhân Stephan Connor chế tác riêng để tặng tôi một bản nhạc rất đỗi quen thuộc: “Người ơi người ở đừng về”.
Bốn năm sau, tôi gặp lại An. An vẫn vậy, khiêm tốn, cầu thị và luôn nghĩ đến những điều lạc quan nhất. “Đối với một nghệ sĩ biểu diễn guitar cổ điển, 60% thành công là phải tập luyện chăm chỉ và nghiêm túc, 20% là năng khiếu, 20% còn lại là sự may mắn” – An khẳng định.
Con đường đến Mỹ: Những gói mỳ, sự hụt hẫng và cây đàn 10,000 đô la
Năm 15 tuổi An sang Mỹ du học với ước mơ trở thành một nghệ sĩ guitar, nhưng cuộc đời không như là mơ. Nước Mỹ nơi An sống là một thị trấn nhỏ khoảng 2.000 dân ở bang Nebraska và tất nhiên nó không xa hoa, lộng lẫy với những ngôi nhà chọc trời mà cậu bé An thường thấy trên phim ảnh, sách báo.
An học tiếp bậc học phổ thông tại Mỹ và tạm gác giấc mơ cháy bỏng trở thành một nghệ sĩ guitar biểu diễn. “Mỗi tối, khi đối diện với nỗi cô đơn tôi lại lôi đàn ra đánh cho đỡ nhớ nhà” – An chia sẻ. Đã có thời điểm cậu suy nghĩ tiêu cực và cho rằng mình đã sai lầm khi đến Mỹ. “Đó thực sự là quãng thời gian bi kịch đối với tôi, tôi cô đơn và phải chôn vùi giấc mơ trở thành một nghệ sĩ guitar biểu diễn” – An tâm sự. Cậu đã phải ăn mỳ gói những ngày cuối tuần trong suốt một năm. Dẫu vậy, An cũng không dám gọi điện về than thở với bố mẹ, vì cậu biết rằng “ Ở Việt Nam bố mẹ tôi cũng vất vả rất nhiều”.
Thành công sẽ đến nếu bạn có sự kiên trì nhưng sự kiên trì đôi khi không dẫn tới thành công. Thành công của An ngày hôm nay nó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố và may mắn là một thành tố quan trọng. Bước ngoặt của An là khi cậu đến thăm nhà của một anh bạn đang sống tại Chicago và tại đây An đã may mắn gặp được giáo sư Anne Waller một giảng viên guitar của trường ĐH Northwestern, thời điểm đó là năm 2009. “Một trong những sinh viên của giáo sư đã cho tôi mượn cây đàn trị giá 10.000 USD để tôi chơi trước lớp học. Đó là một sự trao gửi niềm tin để tôi quay lại theo đuổi giấc mơ trở thành một nghệ sĩ guitar biểu diễn”. – An kể lại.
Với niềm tin được gieo vào từ cây đàn 10.000 USD đó, An vụt sáng tại các giải guitar hàng đầu nước Mỹ dành cho lứa tuổi trẻ. Sau khi kết thúc bậc phổ thông, cậu lần lượt nhận học bổng và theo học tại các trường Đại học North Park (bậc đại học), Yale (bậc thạc sĩ) và Northwestern (bậc tiến sĩ).
Năm nay 2019, tròn 10 năm An được “trao gửi” niềm tin lớn lao đó. Thú vị hơn, sau 10 năm, giờ An đã là trợ giảng của trường Đại học Northwestern và trực tiếp hướng dẫn nhiều sinh viên khác tại đây.
Tiếng đàn Việt Nam và giọt nước mắt của một cựu binh Mỹ
Mong ước lớn nhất của Trần Tuấn An bây giờ là muốn chuyển soạn nhiều bài hát mang âm hưởng ca dao, dân ca Việt Nam sang guitar. “Khi chơi guitar tại nước ngoài, tôi mới cảm nhận rằng, người nước ngoài họ rất thích những bản guitar mang âm hưởng ca dao, dân ca Việt Nam” – An chia sẻ.
Tháng 3/2019, tại một đêm nhạc tại thành phố Knoxville, bang Tennessee, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã bật khóc khi nghe An chơi bản nhạc “Người ơi người ở đừng về”. An đã nổi da gà sau khi nghe những lời tâm sự của người cựu binh Mỹ: “Ông ấy nói rằng bản nhạc của tôi đã làm sống lại những ký ức của ông tại Việt Nam, về những người đồng đội, về nơi ông đã trải qua một phần đời, nơi những ký ức hằng đêm vẫn trỗi dậy như những bóng ma không thể chôn vùi”. Trước khi tạm biệt, ông ấy đã nói lời cảm ơn và “mắt ông ấy dưng dưng” – An nói.
“Tôi là một người Việt, tôi yêu quê hương tôi, âm nhạc nó là tiếng nói chung, tôi mong muốn có thể làm một cây cầu nghệ thuật nối Việt Nam với thế giới” – cậu bộc bạch về dự định âm nhạc mà mình đang chuẩn bị thực hiện.
Mỗi lần về Việt Nam, An luôn dành nhiều thời gian để tham dự các buổi trò chuyện với các nghệ sĩ guitar trẻ trong nước: “Tôi luôn nói với các bạn trẻ đang theo đuổi guitar cổ điển rằng: tiếng đàn của bạn nó cũng như con người của bạn. Hãy luôn biết ơn, trân trọng những người đã giúp đỡ bạn và tạo ra những bản nhạc không lời. Hãy nuôi dưỡng cho tâm hồn mình thật đẹp và sống thật tích cực, khi tinh thần bạn tốt, bạn mới có thể tạo ra những giai điệu có cảm xúc” – An trải lòng.