Bài: Nguyễn Trung
Ảnh: Ngọc Dũng, Bá Ngọc, Khánh Phan, Nguyễn Phong
Bến nước là ý niệm phổ biến trong tâm thức người Việt, bởi lẽ đất nước có đến hơn 2.300 con sông lớn, dài trên 10km và hàng vạn con sông nhỏ khác. Giao thông thủy từng giữ vai trò chủ đạo trong lưu thông và kết nối các miền đất với nhau, mỗi làng xóm đều sẵn một bến sông là cửa ngõ giao thương với thế giới bên ngoài.
Nhiều thế kỷ trước, khi chưa có mạng lưới đường bộ rộng khắp cùng các loại xe cơ giới, nhu cầu di chuyển đòi hỏi sức người, sức ngựa và mất thời gian để băng qua các con sông chưa có cầu. Việc lợi dụng dòng chảy của các con sông vô cùng hữu ích khi có thể chở tải trọng lớn hoặc phục vụ những chiến dịch quân sự. Sử sách đã kể về những trận thủy chiến lừng danh trên sông Bạch Đằng hay những cái tên đã đi vào tâm thức cộng đồng: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết… Nhiều địa danh mang cái tên của những bến nước, mang khát vọng phồn thịnh lẫn bề dày văn hóa của người xưa.
BẾN NƯỚC HỒN QUÊ
Những bến nước ban đầu chính là cửa ngõ ra vào làng xóm xưa. “Nhất cận thị, nhị cận giang” – câu tục ngữ xưa đã nói lên ưu thế của những vùng dân cư mà chợ búa và bến sông tạo ra sự phồn vinh, bởi lẽ ngoài sản xuất nông nghiệp dựa vào ruộng đồng, các con sông còn là nguồn lợi thủy sản và vận tải.
Hình ảnh gắn bó với làng quê từ xưa đã là “Cây đa, bến nước, con đò” hay “Cây đa, bến nước, mái đình”, những đặc điểm làm nên khung cảnh và thiết chế xã hội cơ bản Việt Nam suốt nhiều thế kỷ. Nếu mái đình là đại diện cho không gian cộng đồng, lề thói địa phương, thì bến nước là sự kết nối của không gian ấy với bên ngoài. Những bến nước truyền thống rất dễ nhận diện chính là nhờ tính chất mốc không gian của chúng, có khi được đánh dấu bằng những cây đa, cây gạo cổ thụ, có chiều cao nổi bật dọc những con đê đầu làng, nơi tuyến đường qua lại cần một cột mốc biểu tượng. Bên cạnh cây đa to, những bậc lên xuống để ra đò, phà hay thuyền bè, là những ngôi quán nghỉ, tất cả đã thành một cảnh quan dễ nhận diện. Chúng đã đi vào vô vàn những câu thơ, bài hát tình tự quê hương hay những bức tranh phong cảnh thấm hồn quê.
Những người yêu văn chương nghệ thuật dù chưa có dịp đến sông Thương thì đã biết con sông Thương trong bài hát tân nhạc Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong) hay Trương Chi (Văn Cao) với những câu ca đi vào ký ức tập thể như “Trên con sông Thương nước chảy đôi dòng” hay “Đêm nay sông Thương dâng cao mà ai hát dưới trăng ngà”. Nữ sĩ Anh Thơ cũng để lại những câu thơ về bến sông quê và hồi ký Từ bến sông Thương, tạo ra một huyền thoại về con sông thi ca nghệ thuật. Những bến đò Mom (Tân Yên, Bắc Giang) ven sông Thương hay Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) ven sông Cầu, đã góp phần làm đậm cảm xúc trữ tình những vùng văn hóa quan họ. Con sông Lô cũng vậy, đã kịp hát lên khúc ca lừng lẫy về những bến Bình Ca, bến Then hay bến Việt Trì trải dài theo lịch sử đất nước. Rất nhiều bến sông từ Bắc vào Nam đã thành biểu tượng địa phương, như bến Thương Bạc, Phu Văn Lâu (Huế), bến Bình Đông, bến Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh), bến Ninh Kiều (Cần Thơ)… Những bến tàu đã chứng kiến các cuộc chia ly “tiễn chân anh khóa xuống tàu” (thơ Á Nam Trần Tuấn Khải), những người đi phu hay đi lính ở nước thời Pháp thuộc, những biệt ly lãng mạn “sóng trên dòng sông, ôi còi tàu như xé đôi lòng” (Biệt ly – nhạc Doãn Mẫn). Nhưng bến cũng là nơi khởi sự những cuộc ra đi vì chí lớn như bến Nhà Rồng, nơi người trai Nguyễn Tất Thành đã lên tàu năm 1911 để rồi ba mươi năm sau trở về làm cách mạng với danh xưng Hồ Chí Minh.
CHO NHỮNG CON TÀU MAU VỀ SANG BẾN MỚI
Thời hiện đại, những bến sông mang nhiều chức năng sôi động như những bến tàu công nghiệp, phụ trợ cho hoạt động kinh tế của các đô thị lớn. Thẩm mỹ về bến sông cũng thay đổi khi nhiều cây cầu lớn đã mọc lên thay thế những con đò, chuyến phà xóa đi cách trở đôi bờ.
Những bến nước thời công nghiệp đã để lại dấu ấn “những bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất” để “cho những con tàu mau về sang bến mới” (lời những bài hát về Hải Phòng) hay những bến nước thời du lịch lên ngôi dọc con sông Hương (Huế), sông Hàn (Đà Nẵng) hay những dòng chảy chằng chịt kênh rạch của hệ thống sông Cửu Long nối các thành phố, làm nên mặt tiền thời mới của đô thị. Những bến sông đã từng có chức năng vận tải thủy nội vùng, giờ đây hoàn toàn đủ tiềm năng trở thành những chuyến thủy trình đa mục đích, giải tỏa áp lực cho những tuyến giao thông trên bộ, như hệ thống taxi nước dọc sông Sài Gòn hay thậm chí là những lộ trình du lịch hấp dẫn như từ Hà Nội tỏa đi các di tích văn hóa xung quanh. Hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình dày đặc những bến nước gắn với các điểm đến di sản, cũng như nói đến đồng bằng sông Cửu Long là du khách ấn tượng với giao thông thủy. Ngay cả Hà Nội, sau nhiều chục năm quay lưng lại với sông Hồng bởi hệ thống đê cao chắn tầm nhìn và sự biến động mực nước mùa lũ, giờ đây đã tìm cách tạo ra mặt tiền thành phố mới. Dọc dòng sông lớn nhất miền Bắc chảy qua thủ đô là những địa danh ghi dấu ấn những bến sông cổ: Nghi Tàm, Đông Bộ Đầu, Hà Khẩu, Bồ Đề, Thúy Ái… Người Hà Nội khao khát một ngày nào đó, thành phố sẽ có những lối mở đẹp nhìn ra con sông mẹ.
Những bến nước hiện đại cũng là một xu thế đưa không gian trở lại gần với cảnh quan thiên nhiên, vừa chỉnh trị vừa nương theo đặc điểm địa chất, khai thác những lợi điểm mà những con sông ban cho. Các đô thị và làng quê Việt hình thành từ sự hòa trộn hai yếu tố đất và nước, và bến sông chính là sự giao thoa của hai yếu tố ấy.
Bến nước là hồn quê, nhưng cũng là nơi làm nên mặt tiền đô thị hiện đại. Chúng soi bóng những cây đa mang hồn vía nghìn năm, nhưng chúng cũng xứng đáng soi bóng những công trình đẹp của thời hiện đại. Bến nước chính là cổng chào của mỗi cộng đồng trong ra “đại lộ sông nước” cuồn cuộn mạch sống.