GS. Trịnh Sinh
Đại Việt Sử lược chép về sự ra đời của nhà nước đầu tiên: “Đến thời Trang Vương nhà Chu (năm 696 – 682 trước Công Nguyên) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang.
Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”. Như vậy, từ thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, nước ta đã có quốc hiệu là Văn Lang và kinh đô cũng mang tên gọi như vậy. Truyền thuyết ngàn đời cũng nói đến Hùng Vương là Vua Tổ, đất Việt Trì, Lâm Thao là Đất Tổ có kinh đô Văn Lang.
Nhà nước Âu Lạc tồn tại có khoảng 30 năm (năm 208 -179 trước Công Nguyên) nhưng cũng kịp để lại báu vật cho đời sau: Đó chính là tòa thành Cổ Loa nổi tiếng, cũng là kinh đô của người Việt. Thành Cổ Loa đã chứng kiến những trận chiến anh dũng của người Việt chống lại Triệu Đà. Chỉ nhờ có mưu mô thâm độc cử Trọng Thủy sang làm rể mới biết được bí mật nỏ thần mà mới thắng được An Dương Vương. Cái bí mật nỏ thần ấy cũng đã được các nhà khảo cổ làm sáng tỏ. Đấy chính là các lẫy nỏ bằng đồng và hàng vạn mũi tên đồng. Cuộc khai quật ngay trong thành nội trong thành Cổ Loa đã tìm được khuôn đúc mũi tên đồng bằng đá, chứng tỏ cái “lõi” của truyền thuyết nỏ thần là có chứng cứ. Đấy cũng là báu vật của người Việt.
Trải qua ngàn năm Bắc thuộc, tưởng như nước Việt mất tên như nhiều tộc người trong nhóm Bách Việt xưa. Nhưng rồi người Việt lại đứng lên dựng cơ đồ ở vùng núi Ninh Bình. Vua Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu của nước là Đại Cồ Việt (nước Việt to lớn, hùng cường) vào năm 968 đã chứng tỏ lòng tự tôn dân tộc, không bị khuất phục, đồng hóa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy di sản của vua Đinh, vua Lê ở đây là dấu tích các đoạn tường thành của kinh đô, các tượng rồng, linh thú bằng đất nung, gạch có chữ “Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên” (Gạch xây thành của nước Đại Việt) ở khu vực cố đô. Ngày nay, kinh đô Hoa Lư đã góp phần cùng quần thể di sản Tràng An trở thành di sản thế giới.
Cho đến thời Lý, kinh đô nước Việt chuyển về Hà Nội vào năm 1010. Vua Lý Thái Tổ đặt tên kinh đô mới là Thăng Long (nghĩa là rồng bay) với ý nghĩa thế nước lên cao như rồng. Đấy cũng là một trong những thời kỳ thịnh vượng nhất trong thời quân chủ độc lập. Chậm hơn một chút, vào năm 1054, vua Lý Thánh Tông đã đặt quốc hiệu là Đại Việt. Quốc hiệu này đã tồn tại lâu nhất, đến 723 năm trong lịch sử Vương triều Việt Nam, từ thời Lý đến thời Trần, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn và 3 năm đầu thời Nguyễn.
Kinh đô Thăng Long đã để lại một kho báu vật khổng lồ dưới lòng đất. Tầng tầng lớp lớp lâu đài, cung điện chồng lên nhau đã cung cấp khá nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp như các phù điêu hình rồng, hình phượng, các mái ngói, gạch xây và nhiều đồ ngự dụng.
Một vài thời kỳ ngắn, do thay đổi Vương triều nên quốc hiệu và kinh đô cũng thay đổi theo. Đó là thời nhà Hồ với quốc hiệu là Đại Ngu (nghĩa là Yên vui, thái bình), đóng đô ở Tây Đô, nay được gọi là Thành nhà Hồ, một tòa thành đá đồ sộ cũng trở thành di sản thế giới. Đó cũng là báu vật của người Việt. Cùng tồn tại với kinh đô Thăng Long, còn phải kể đến kinh đô Phú Xuân của Hoàng đế Quang Trung…
Khi nhà Nguyễn chọn Huế làm kinh đô, vua Gia Long đặt quốc hiệu là Việt Nam từ năm 1804. Đến thời Minh Mạng, năm 1838, quốc hiệu được đổi là Đại Nam. Kinh đô Huế đã là một báu vật vô giá vì còn nhiều đền đài, lăng tẩm cùng nhiều bảo vật Quốc gia, nay cũng là di sản thế giới.
Từ ngày 2/9/1945, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kế tiếp là Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã chọn Hà Nội, vốn là kinh đô Thăng Long, làm Thủ đô, đúng với nhận định của vua Lý Công Uẩn trong chiếu dời đô “Đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.