Bài: PGS.TS Trịnh Sinh
Ảnh: PGS.TS Trịnh Sinh, Vương Anh
Trong quá trình xây dựng nhà Quốc hội ở Quảng trường Ba Đình, các nhà khoa học đã phát hiện một di tích khảo cổ cách ngày nay khoảng 1.300 năm. Một trang sử trong lòng đất đã mở ra, liên tục từ thời Đại La cho đến tận hôm nay. Đúng là một mảnh đất thiêng, lịch sử ngàn năm hội tụ nơi đây hay chính nơi đây đã làm nên lịch sử ngàn năm? Tôi lại nhớ đến câu của Lý Thái Tổ trong chiếu dời đô: “Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
Ấn tượng đầu tiên của Bảo tàng là đẹp và hiện đại. Cái đẹp thể hiện trước tiên ở di vật. Tinh túy của Hoàng Thành Thăng Long có đủ nơi đây. Những chân đá tảng có hoa văn cánh sen còn sắc nét màu xám uy nghi để kê chân cột. Rồi thì một loạt đồ gốm, sành, sứ của các thời. Cái đẹp lại được nhân lên bội phần nhờ vào cái hiện đại trong kỹ thuật trưng bày. Những tấm kính khổ lớn, chịu lực được lát trên cái nơi vốn là Hố khai quật. Người xem như được lướt lên những di tích đang đào để thấy nơi đây còn ngổn ngang cổ vật đang găm vào lòng đất. Lại còn những địa tầng được cắt phẳng, còn đủ các lớp lang: lớp văn hóa Đại La nằm dưới, rồi đến Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn tiếp nối bên trên… không những thuyết phục được các nhà khoa học mà còn có sức cuốn hút mọi khách tham quan.
Vốn chỗ đang là Bảo tàng là một kiến trúc lâu đài của thời Lý. Người xem còn thấy các tảng đá, trụ sỏi, vật liệu gốm trang trí mái như ngói, đầu rồng, đầu phượng. Các nhà khoa học đã dựng lại vị trí của lâu đài, có tới 42 cột. Để dễ cho việc hình dung sự hoành tráng của nó, họ dựng lại nguyên vị trí cột và bên trên tương ứng là hệ thống đèn rọi. Khi bật hệ thống đèn, người xem dễ hình dung một loạt cột ngang cột dọc bằng ánh sáng lung linh.
Kỹ thuật chiếu sáng 3D giúp cho sự phục nguyên một đoạn tường thành cao hơn 2m, mái phủ ngói, có cả cây trong vườn và cảnh một chú chim đang đứng vắt vẻo. Tiếng chim hót lanh lảnh nghe như ở đâu đây trong vườn quê. Đó cũng lại là kỹ thuật âm thanh phù trợ. Một sa bàn cảm ứng đã giúp khách tham quan tìm hiểu hiện vật bằng kỹ thuật không gian ba chiều, có thể “xoay” hiện vật trên màn hình để ngắm từng góc độ của chiếc bình gốm nhiều màu.
Một góc khác trong Bảo tàng có mô hình các nhà khảo cổ đang khai quật, người vẽ, người đào, người chụp ảnh khá sinh động. Lại có chỗ dành cho học sinh tiểu học vào thực tập… đào khảo cổ, ứng dụng công nghệ điện tử để tìm cổ vật. Giá mà các em được tham quan, ắt hẳn sẽ khơi dậy nhiều tình yêu hơn với sử học nước nhà hơn bất kỳ một bài giảng nào.
Tại hai mảng tường rộng, có hai bức phù điêu mang tên là “Rồng bay” và “Bình Minh Thăng Long” được ghép bằng gốm, sành đào được ngay tại chỗ, trang trí hoa văn cánh sen, lá đề, chim, phượng của thời Lý trông khá bắt mắt, làm nền cho các mảng trưng bày cổ vật.
Trong hệ thống tủ trưng bày còn có một loạt đồ sành dân dụng của thời Đại La, một số đầu tượng linh thú bằng gốm độc đáo dùng để trang trí mái nhà có mũi sư tử, mắt tròn, sừng ngắn, mồm há rộng với hai cặp răng nanh nhọn. Một số khác lại có sừng dài, mắt hình cầu, mồm rộng, cánh mũi nở, rõ là một con vật huyền thoại, mang tính chất cách điệu, đang dùng sừng đỡ đầu ngói ống. Nhiều ngói âm dương và đầu ngói trang trí các loại hoa. Một số đồ gốm Islam men xanh ở Tây Á, gốm men của các lò gốm nổi tiếng nam Trung Quốc cũng có mặt.
Bộ sưu tập hiện vật thời Đinh-Tiền Lê gồm có các loại đầu ngói ống trang trí, tượng chim Uyên Ương, bình, vò, nồi sành, đồ bằng sắt, tiền đồng, gạch lát nền… Qua hiện vật, các nhà khảo cổ còn biết được thú ẩm thực của người thời này. Đó là thịt trâu, bò, lợn, gà, hươu nai, lợn rừng, baba, trai, ốc hến, hàu, sò huyết, tu hài, ngao…
Điểm nhấn là các hiện vật thuộc thời Lý, Trần, Lê được khai quật tại chỗ, vốn là khu vực tây nam của Cấm Thành. Có nhiều lá đề kích thước lớn, nguyên vẹn, trang trí hình rồng, chim phượng dùng để gắn trên mái lâu đài. Ngoài ra còn có dấu tích của việc sản xuất gốm Thăng Long như các chiếc bát dính chồng lên nhau, chưa thành phẩm. Đó là bằng chứng của những lò gốm Thăng Long nổi tiếng, không chỉ phục vụ cho Hoàng cung, mà còn mang tính thương mại, tìm được ở Philippines, Indonesia, Nhật Bản, Tây Á. Nhiều đầu ngói ống trang trí tượng chim Uyên Ương, hoa cúc, lá đề và ngói úp nóc có tượng đầu rồng, đầu phượng, gạch trang trí hình rồng, hoa lá, hình tháp nhiều tầng mang đặc trưng Phật giáo, các tượng người bằng gốm có kích thước nhỏ, các bình vôi để ăn trầu, điếu bát để hút thuốc lào, bình gốm hoa lam thời Lê.
Nhà Quốc Hội, vốn là biểu tượng tinh hoa của dân tộc, lại ôm trọn một di sản ngàn năm. Quá khứ đang góp phần đưa hiện tại vươn lên, đúng như tên gọi vốn có của nơi đây: Thăng Long – Rồng bay.