Nguyễn Anh Tuấn

Trong giới làm nghệ thuật, cặp nghệ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải – thường gọi là Thanh Hải hoặc Lê Brothers là trường hợp đặc biệt không chỉ trong nghệ thuật Việt Nam, mà cũng là hiếm có đối với nghệ thuật thế giới về cách sáng tác của cặp nghệ sĩ này.

Sinh vào năm 1975, chỉ một ít ngày sau khi chiến tranh kết thúc ở Quảng Bình, vùng đất mà trước đó vài ba tháng vẫn là một điểm nóng của vùng chiến sự. Thuở nhỏ đi học thường xuyên băng qua cây cầu lịch sử Hiền Lương nối hai bờ sông Bến Hải, rồi chuyển vào Huế theo học Nghệ thuật, sống và làm việc ở vùng đất Cố đô từ đó tới nay. Chiến tranh và lịch sử trở thành một đề tài lớn và được quay lại nhiều lần trong các thực hành nghệ thuật của họ, khi nghệ sĩ là chứng nhân trực tiếp quan sát nhiều sự đứt gãy và đổ vỡ trong khung cảnh hậu chiến, sự chuyển mình của lịch sử được phản ánh đa diện trong cuộc sống hàng ngày ở phong cảnh và đồ vật, các hệ giá trị tư tưởng, các quan hệ xã hội và đời sống nội tâm của nhiều cá nhân.

Tốt nghiệp đại học Huế, từng khởi nghiệp và vẽ tranh souvernir chỉ để bán cho khách du lịch mưu sinh. Năm 2006, Thanh Hải không giấu diếm và dứt khoát đoạn tuyệt với “quá khứ” để bước sang nghệ thuật đương đại. Họ tìm thấy mình ở đó, khi không ngần ngại thử sức ở mọi loại hình rất mới, mà ở thời điểm đó, Việt Nam còn mơ hồ về chúng: từ Sắp đặt tới Trình diễn, Video, Đa phương tiện… cũng như may mắn được mời tham dự những triển lãm và chương trình nghệ thuật tầm cỡ khu vực và thế giới vào sau 2010, như Triển lãm Nghệ thuật Lưỡng niên Singapore (Singapore Biennale) năm 2013, Palais de Tokyo tại Paris năm 2015, Bảo tàng Nghệ thuật Gwangju năm 2016 (Gwangju Museum of Art), The Nord Galerie Berlin năm 2018. Quyết liệt, dứt khoát, trực diện, thô bạo, tục tằn, phóng khoáng, diêm dúa, ngổ ngáo, mềm dẻo, ngoan cố, nguyên tắc… những sắc thái phong phú của hai người vừa nằm trong tính cách vừa nằm trong bản sắc cá nhân được pha trộn một cách kì lạ, để ánh xạ vào tác phẩm của anh em họ Lê theo nhiều cách thức khác nhau.

Thanh Hải có một sự kết nối đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày và trong cả cuộc sống nghệ thuật. Ít thấy cặp song sinh nào có khả năng liên thông về suy nghĩ, các ý tưởng và lời thoại lúc song song với nhau, lại vừa tiếp nối nhau, vừa biện giải và vừa lặp lại nhau. Khi nghe họ nói chuyện, dường như có lúc ta cảm giác đó là từ một người, bởi các suy nghĩ cứ liên tục tuôn ra mà không hề vấp váp, không đứt mạch nghĩ hay lạc hướng. Nhưng nếu chỉ một người thì khó mà có thể có các suy nghĩ vừa gợi mở nhiều chiều, mạch nghĩ lại liền lạc kéo dài như vậy.

Có lẽ phương cách đó được ứng dụng trong nghệ thuật, mà các bức tranh ngoại cỡ và bình gốm được bày trong triển lãm Ảo Ảnh này là một minh chứng. Trên một tấm toan khổ lớn, Lê Ngọc Thanh vẽ những lớp hình trước, và Lê Đức Hải vẽ tiếp chồng lên đó. Lớp hình của Thanh là các hình thể người, cảnh vật, đồ cổ, kiến trúc, đồ vật hiện đại, xe cộ, dã thú, vũ khí… còn lớp hình của Hải chồng lên trên là các hoa văn mây lửa cách điệu liên miên, đường nét chấn song cổ hay các đường kỷ hà vô tận. Thú vị là hai lớp này không mâu thuẫn, xung khắc hay phủ nhận nhau, người xem vẫn có thể thấy chúng rất độc lập, mà cũng hòa hợp một cách đặc biệt. Như hai cơ thể, hai tính cách, hai định dạng nhưng nhất quán trong tâm trí và cảm xúc.

 Ảo Ảnh, do vậy dường như vừa hiện thực vừa huyền hoặc, pha trộn giữa các cảm xúc của hoài niệm, kí ức, trạng thái vô thức, các xung động tâm trí và thể chất, các va đập nhiều chiều của quá khứ đan xen với hiện tại. Các lớp hình thể của Thanh đưa ra nhiều biểu tượng, hình thái, đồ vật nhặt từ trí nhớ hay từ các ghi chép thực địa, từ các ám ảnh khó diễn đạt trong kí ức hay trong các ấn tượng đương thời khi du đãng qua nhiều miền đất – một diễn cảnh bất tận của màn kịch quá khứ kéo đến hiện tại của nhiều góc khuất. Hải liên tục “phủ nhận” chúng bằng chuỗi hoa văn liên miên, như kéo tấm màn che phủ lên thời gian, che phủ thực tại, che phủ cảm xúc, che phủ góc khuất và bản tâm. Hành vi “che phủ” này hàm chứa bao nhiêu điều ở đó: sự đồng ý hay tranh cãi, từ chối hoặc quên lãng, gào thét và lặng câm… Như những màn kịch đương thời, có bao nhiêu tấm màn che mà mấy ai nhìn thấu?

Trong tiểu luận của Walter Benjamin, nhà triết học xuất sắc người Đức, ông có nhắc đến một chức năng của nghệ thuật là làm cho “quá khứ khởi sinh trong khung cảnh của nhà hát thực tại”. Lịch sử, chiến tranh, vùng đất và văn hóa, phù hoa và điêu tàn, cảnh sắc và con người cứ trôi đi bởi thời gian, lãng quên bởi thời gian, phủ nhận bởi thời gian, tiêu hủy bởi thời gian. Loạt sáng tác Ảo Ảnh này của cặp nghệ sỹ song sinh họ Lê, vì vậy không dễ hiểu mặc dù không khó tiếp cận, không dễ xem nhưng có thể xem lâu, và cũng không dễ bày đặt trong không gian cụ thể, bởi tính độc lập, tư biện và ám ảnh thị giác của chúng. Nghệ thuật có năng lực khơi gợi những điều sâu kín, gõ cửa trực giác và đối thoại với nội tâm ở nhiều tầng tri thức, thường vừa hấp dẫn vừa gây bối rối và phức tạp cho người xem như vậy. Triển lãm Ảo Ảnh đã được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (Thành phố Huế) và sẽ tiếp tục “chu du” vào thành phố Hồ Chí Minh và ra Hà Nội trong năm 2021. Dõi theo họ để quan sát và chiêm nghiệm một trong những tính cách thú vị của nghệ thuật đương thời.