Thái A

Những làn điệu hát cổ được đệm bởi các loại đàn tính-tùng, pơ-lựa… được ngân nga rất thường xuyên trong các đám cưới, lễ hội cầu mùa, lễ mừng cơm mới

Nếu có dịp nào đi trên cung đường Tây của đường Hồ Chí Minh, khúc qua huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, du khách sẽ có cơ hội được nghe những điệu dân ca vẳng trong làn gió thổi qua dòng sông Đại Giang. chỉ là một xóm nhỏ hiền hòa mang tên xã Trường Sơn, song nét độc đáo tại cụm cư dân này là những làn điệu hát cổ đệm bởi các loại đàn tính-tùng, pơ-lựa… được ngân nga rất thường xuyên trong các đám cưới, lễ hội cầu mùa, lễ mừng cơm mới. nơi cư trú ngàn đời của đồng bào Bru Vân Kiều, một sắc tộc mang nhiều nét văn hóa đặc sắc trong đời sống ngày nay càng đẹp và quyến rũ hơn với đời sống âm nhạc dân gian ấy.

Có được thành quả này không phải là điều tự nhiên, mà đó là kết quả sau 2 năm triển khai chương trình mở lớp truyền dạy âm nhạc và lễ hội, nghề thủ công do Dự án phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong tài trợ. Để có thể khôi phục lại những điệu hát dân ca cổ và phổ biến lại các nhạc cụ xưa trong thời buổi này không hề đơn giản, bởi cuộc sống hiện đại đã và đang len lỏi tới từng nơi sâu nhất của núi rừng và làm biến đổi quá nhiều điều. Thực trạng thanh niên nam nữ Tây nguyên thờ ơ với trang phục thổ cẩm, lạ lẫm với cồng chiêng, cây đàn, cây sáo của ông bà tổ tiên không phải là điều mới xảy ra. Trên khắp dải Tây Nguyên – Trường Sơn hùng vĩ, ngày càng ít gặp các sắc tộc tự dệt quần áo thổ cẩm và mặc trang phục cổ truyền.

Chỉ có những trái tim đầy nhiệt huyết như cô gái trẻ Diệu Hoài thuộc Công ty Truyền thông Cát Vàng, đơn vị tư vấn cho dự án và những cộng sự khác mới đủ kiên nhẫn để sống cùng bà con ròng rã hàng tháng trời, phục dựng lại các làn điệu âm nhạc và cách thức tổ chức lễ hội theo lối xưa. Khởi đầu từ việc đi gặp người già, khơi gợi lại cho họ nhớ về những bài hát xưa, sau đó ghi âm, phổ thành bản nhạc, rồi từ đó mở lớp để dạy lại cho giới trẻ, công việc đó đòi hỏi rất nhiều công sức tỉ mẩn. Với nhạc cụ truyền thống cũng vậy, có quá nhiều loại đàn, sáo cổ xưa bị chìm vào quên lãng, trách nhiệm của những người thực hiện dự án cần phủi đi lớp bụi thời gian, trả lại sức sống cho những cây đàn tính-tùng, a-chum, a-mam của đồng bào.

Từ xa xưa, cộng đồng Bru Vân Kiều đã từng có một nền tảng văn hóa truyền thống cực kỳ phong phú. Vào các mùa lễ hội, khắp núi rừng nơi đâu cũng rộn rã điệu hát sim trong tiếng đàn pơ-lựa và tính-tùng. hát sim là thể loại hát giao duyên, khi nam nữ muốn kết bạn và đi tới tình yêu đôi lứa. mỗi điệu hát xưa của người Bru Vân Kiều đều có quy ước riêng đối với nhạc cụ, ví dụ như đàn pơ-lựa là dành cho nữ và đàn tính-tùng dành cho nam.

Không chỉ có hát giao duyên, người Bru Vân Kiều còn giữ trong đời sống truyền thống của mình một lối hát rất độc đáo, đó là si-nớt, tức là kể sử thi. Nếu như cộng đồng Ê đê, Ba Na… có hình thức kể sử thi trong những gian nhà rông, bên bếp lửa bập bùng cháy suốt đêm thì người Bru Vân Kiều kể lại lịch sử của mình bằng bài si-nớt thật dài và rất ngân nga. Sử thi chứa đựng lịch sử của dân tộc, mang linh hồn của ông bà tổ tiên truyền mạch tới các đời sau, do đó chương trình phục dựng văn hóa đặc biệt quan tâm tới việc lưu giữ và truyền thừa tri thức này trong cộng đồng. Cùng với đó là những lễ hội cổ truyền, một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào cũng được phục dựng, từ lễ mừng cơm mới cho tới lễ lấp lỗ, những đặc trưng độc đáo của đại ngàn.

Trong lễ hội, ngoài nghi thức cúng tế, dâng lễ vật lên trời đất, tổ tiên, còn một phần rất thú vị khác là các trò chơi dân gian. có nhìn cảnh nam nữ thanh niên và cả người lớn tuổi hào hứng chơi các trò rồng rắn lên mây, chọi đá… mới thấy hết vẻ đẹp của những tập tục xưa. Trong lễ hội, người phụ nữ lại choàng lên cổ chuỗi mã não đỏ như lửa, mặc bộ thổ cẩm đẹp nhất của mình và chơi đùa như quay trở lại thời thơ ấu. một trong các mục tiêu mà dự án hướng tới chính là phục dựng lại toàn bộ các tập tục, lễ hội xưa để phát triển du lịch tiểu vùng một cách bền vững và hướng vào cộng đồng. chắc hẳn trong tương lai, du khách đến Quảng Bình sẽ có cơ hội thưởng thức thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc trên vùng núi miền tây hoang sơ này.