Hương Quỳnh
Là cái nôi của văn minh lúa nước, châu Á có nhiều quốc gia sở hữu những thửa ruộng bậc thang với lối canh tác đặc thù của cộng đồng cư dân vùng cao. Đã không ít lần các tờ báo quốc tế xếp hạng những vùng đất sở hữu ruộng bậc thang đẹp nhất ở châu Á. Và những cái tên như Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Sapa (Lào Cai)… của Việt Nam thường xuyên được xướng lên gợi bao niềm tự hào về sự giao kết hài hòa giữa đất mẹ thiên nhiên với tinh thần lao động bền bỉ và bàn tay tài khéo của con người nơi thâm sơn cùng cốc.
Giới nghiên cứu cho rằng lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở vùng miền núi phía Bắc gắn liền với lịch sử cư trú của các tộc người thiểu số. Cách nay khoảng 500 năm, những tộc người thiểu số chủ yếu du canh du cư nơi vùng cao, và họ chọn những nơi có các yếu tố tự nhiên bình thuận cho công việc đồng áng. Nhưng dần lối sống đó chuyển đổi thành định canh định cư xác lập những bản làng, kéo theo tập quán canh tác lúa nước cũng có những thay đổi quan trọng. Dựa vào thiên nhiên là chủ yếu nên những mảnh nương rẫy nào gần nguồn nước thì sẽ cho năng suất tốt hơn và đất đai ít bị sói mòn, bạc màu. Vì vậy, những cư dân vùng cao đã xác lập các vùng trồng lúa ở vị trí ven các thung lũng, sườn đồi thấp và nhất thiết phải nằm cạnh các con suối hoặc nơi có mạch nước ngầm đùn lên. Ban đầu, các mảnh ruộng trên nương chỉ là những ô nhỏ, dần dần do nhu cầu sản xuất, những cư dân nơi rẻo cao đã mở rộng những ô ruộng đó bằng cách đắp bờ to và kéo dài hơn. Những thửa ruộng bậc thang thô sơ hình thành, dần mang lại một nền nông nghiệp với sản lượng tốt hơn trước. Sau một thời gian ổn định với lối canh tác này, diện tích ruộng nương dần được mở rộng ở những nơi có địa hình dốc hơn tại các sườn đồi, núi cao. Trong các công đoạn khai khẩn mở ra diện tích trồng lúa mới trên các sườn đồi, núi, việc đắp nên các bờ ruộng như xây những “bức tường giữ nước” là quan trọng nhất. Cuốc bướm được dùng để cào đất tạo bờ rồi dùng gáy cuốc và chân dẫm để nén chặt đất, be bờ cố định. Thông thường độ chênh lệch của mỗi thửa ruộng là khoảng 1m đến 1,5m.
Cộng đồng cư dân vùng cao đã khai khẩn, xác lập ruộng lúa ở những triền núi cao tưởng như không thể đặt chân tới được để định hình và duy trì những bậc thang ruộng mà nhìn từ dưới như những nấc thang bắc lên trời xanh giữa đại ngàn hùng vĩ. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, trong khoảng 300 – 400 năm, các tộc người như người H’Mông, Dao, Nùng, Hà Nhì… đã hình thành, phát triển và bảo tồn di sản của cha ông để lại là hệ thống ruộng bậc thang như những bức tranh nghệ thuật tuyệt sắc nơi núi rừng xanh thẳm. Xuân qua, hạ tới rồi thu sang, đông về, miền cao với muôn trùng núi biếc biến chuyển sắc thái cùng những kiệt tác ruộng bậc thang qua những mùa đặc trưng riêng: mùa đổ nước, mùa lúa non, mùa vàng, mùa gặt…