Bài: Bùi Kim Anh
Ảnh: Đan Toàn

Mấy người Hà Nội đã thuộc bài ca “Rủ nhau chơi khắp Long thành /Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai”? Mấy ai đã lang thang đủ 36 phố nối nhau chằng chịt, đường quanh như bàn cờ? Và mấy ai đến Thủ đô lại không ghé thăm phố phường của đất kinh kỳ chứ, dẫu bây giờ phố nào cũng đã khác xưa?

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng

Kể cả qua ngàn năm hay cả ngàn năm nữa, Hà Nội 36 phố phường vẫn gắn với lịch sử phát triển của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Vẫn còn đó cảnh buôn bán trên phố phường nhộn nhịp, giống như ý nghĩa tên của chúng từ ngày xưa. Hà Nội có nhiều tên phố bắt đầu bằng từ “Hàng”. Tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó như Hàng Tre, Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Mã , Hàng Chiếu… Sử sách ghi lại, khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Hà Nội chưa có phố. Nơi đây mới chỉ là các làng, mà từ làng lên phố là sự biến đổi diễn ra rất nhanh. Trong lần đô thị hóa thứ nhất, Hà Nội trở thành kinh đô. Vì vậy một vòng xung quanh Thăng Long có rất nhiều các làng nghề xuất hiện như ở Sơn Tây, Thường Tín, Phú Xuyên, Trạch Xá, Hưng Yên, Hải Dương… Họ là những người cùng làng, cùng họ, cùng buôn bán các mặt hàng khác nhau. Hà Nội xưa trên bản đồ của những năm 1770 của thế kỷ 18, của năm Gia Long thứ 9 (năm 1810), ta vẫn thấy sông Hồng nối dòng chảy vào Hồ Gươm. Hồ là nhánh cụt của sông. Cũng như thời xưa đó còn sông Tô Lịch chảy vào sông Hồng, nối vào Hồ Tây, nối với sông Thiên Phù, rồi xuôi theo dòng chảy hòa vào sông Nhuệ. Ngày xưa, sông Hồng vẫn đỏ phù sa, còn sông Tô trong xanh, thuyền bè xuôi ngược. Các thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Như phố Mã Mây cổ bao gồm hai phố: phố Hàng Mã và phố Hàng Mây. Đoạn phố Hàng Mây nằm giáp phố Hàng Buồm, trên bờ sông Nhị, nơi tập trung thuyền bè miền ngược chở các mặt hàng lâm sản như song, mây, tre, nứa.

Phố Chợ Gạo

Thời Pháp thuộc, sau khi lấp toàn bộ các đầm hồ, khu phố được chỉnh trang, người Ấn, người Pháp cũng đến đây buôn bán. Hai chợ nhỏ được giải tỏa để lập chợ Đồng Xuân. Đường ray xe điện Bờ Hồ – Thụy Khuê cũng chạy xuyên qua đây.

Nhiều phố do thay đổi mặt hàng theo sự phát triển của thành phố Hà Nội mà tên “Hàng” đã không còn nữa, như phố Hàng Bột. Tuy nhiên, vẫn còn đó phố Hàng Thiếc với muôn vàn đồ dùng bằng thiếc xen lẫn với đồ nhôm kính. Hàng Chiếu còn vài hàng bán chiếu, giữa ngổn ngang những mặt hàng gia đình khác. Còn đó Hàng Chĩnh được người Pháp gọi là Rue des Vases (phố hàng Vại Chậu), vốn thông ra bờ sông, là bến đậu các thuyền chở vại, chậu bằng sành của làng Phù Lãng, nồi đất, chum vại, tiểu sành từ Hương Canh, bằng gốm từ Thổ Hà nay còn một số của hàng bán luôn cả bia đá, khắc đá. Rồi Hàng Mã vẫn nguyên đồ hàng mã, nhất là đợt Rằm Tháng Tám. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào trước có những hàng vải lụa của người Ấn buôn bán tấp nập nhưng không còn là tơ lụa, vải vóc mà nay toàn bày bán quần áo may sẵn. Người mua cũng nhiều vì giá thành phù hợp. Du khách nước ngoài thường ghé thăm nơi đây vì phố được xếp hạng là khu phố cổ. Phố nào cũng thay đổi, cũng do nền kinh tế thị trường đã phá vỡ quy hoạch xưa, phá vỡ tập tục xưa – buôn có bạn bán có phường, nay chỉ còn là phố. Đổi thay lại tạo ra những phố, quãng phố bán hàng hóa mới. Người bán bây giờ không cùng làng xã nữa. Từ các tỉnh phía bắc đổ về Hà Nội, người người dân vốn mở cửa hàng cùng nhau bán chụm vào một phố. Thế là tự nhiên một đoạn phố Hàng Khoai lại bán bát đĩa, phố Hàng Đường nổi danh với ô mai, phố Hàng Gà thì in thiệp cưới…

Phố Hàng Quạt

Bài ca dao kể tên đủ 36 phố phường. Cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi cũng đã nói về Hà Nội 36 phố phường là có 2 phường, mỗi phường có 18 phố. Nhưng thực ra số phố có tên “Hàng” nhiều hơn con số 36. Các phố bắt đầu từ “Hàng” không chỉ Hà Nội mới có, ở Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng cũng có như Hàng Màn, Hàng Rượu, Hàng Sắt, Hàng Cau, Hàng Đồng, Hàng Đường… Bởi lẽ tên chỉ đơn thuần dùng để chỉ địa điểm bán những mặt hàng đó. Nhưng Hà Nội khác biệt ở chỗ có những phố bán các mặt hàng đặc trưng của kinh đô như phố Hàng Lọng, Hàng Kiệu – tên phố giờ đã thay, chỉ bán cho quan lại và cũng chỉ có Thăng Long kinh kỳ mới bán được.

Phố Nguyễn Hữu Huân

Đất xưa hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói. Thế kỉ XVIII – XIX là thời kỳ của kiến trúc nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán được xây dựng không đều. Sau này quy hoạch lại, khu phố cổ Hà Nội cũng chẳng còn lưu lại được nhiều dấu vết xa xưa, như một đôi nhà nơi phố Mã Mây, Thuốc Bắc… Phố chủ yếu là nhà xây thời Pháp sát nhau, thông từ phố nọ sang phố kia, rất cũ và thiếu tiện nghi.

Góc phố Hàng Đồng giáp với Hàng Vải

Hà Nội 36 phố phường vẫn còn trong nỗi nhớ, trong hoài niệm. Ước sao nơi đây vẫn giữ được dáng xưa để có một kinh kỳ Thăng Long bên một thủ đô Hà Nội hiện đại thì tuyệt vời biết bao. Nhưng đó chỉ là giấc mơ. Một Hà Nội với những kiến trúc hiện đại vẫn còn đó một Hồ Gươm, và những con phố mang tên của một thời đã rất xa – Hà Nội 36 phố phường.