Bài: Trúc Lâm
Ảnh: Lê Bích, Bá Ngọc, Lê Huy Hoàng Hải, Lê Thị Minh Nguyệt
Mùa xuân về cùng làn gió ấm và ánh nắng vàng phủ khắp chốn nhân gian, đó là dịp để các gia đình Việt Nam đoàn tụ, những mâm cơm cúng tổ tiên được bày biện và khói hương trầm lan tỏa khơi lên trong lòng người niềm hạnh phúc đoàn viên. Sau những nghi lễ đón Tết trong nhà, sau những buổi thăm hỏi, các gia đình thường tổ chức du xuân. Trong số các điểm người Việt thường tới du ngoạn đầu năm thì không thể bỏ qua cảnh sắc của các kinh thành cổ. Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, đất nước ngày nay còn giữ lại những kinh thành tuyệt đẹp, từ Hoa Lư núi non trùng điệp, thành Thăng Long uy nghiêm cho tới cố đô Huế mang vẻ đẹp mỹ lệ say đắm lòng người.
Hoàng thành Thăng Long là điểm tham quan không thể bỏ qua với du khách mọi miền khi về Hà Nội. Ngay trong những ngày đầu năm mới, nơi đây đã nô nức tài tử giai nhân tìm về để đón gió xuân dưới mái lầu Công Chúa, dạo bước trên nền gạch cổ ở điện Kính Thiên và ngắm những đóa hoa đào nở bung trong tiết trời se lạnh. Dù không còn nguyên vẹn như xưa song Hoàng thành vẫn toát lên vẻ đẹp say lòng với những mái ngói đà đao uốn cong, vòm cổng lớn, cặp rồng đá từ thời Lý và rất nhiều hiện vật khác. Đây là không gian chiêm ngưỡng, cũng là điểm trưng bày sinh vật cảnh lớn nhất Hà Nội, vào dịp Tết các nhà sưu tầm lại đưa ra trưng bày các loại cây, đá cảnh quý hiếm. Tới đây không chỉ vãn cảnh, du khách còn về Hoàng Thành để thắp nén hương thơm để tưởng nhớ về công đức các bậc tiền nhân đã kiến tạo nên công trình vĩ đại. Cùng với cụm quần thể di tích của Hà Nội là thành Cổ Loa, nơi gắn liền với truyền thuyết về Thần Kim Quy, vị thần đã giúp Thục Phán An Dương Vương xây nên tòa thành trôn ốc, kinh đô của nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai của Việt Nam sau Văn Lang của các Vua Hùng. Dấu tích xưa còn đó với những lũy đất bao quanh cụm tám làng cổ, đền thờ An Dương Vương và Mị Châu. Câu chuyện về nỏ thần và niềm tự hào về nền độc lập thuở đầu khiến Cổ Loa luôn tấp nập du khách, càng nhộn nhịp hơn khi Tết về với lễ hội cổ truyền bắt đầu từ ngày 6 tháng Giêng. Lễ hội chứa đựng mọi sắc màu với cờ, lọng, đoàn người rước kiệu, các nghi thức tế lễ trang trọng, càng vui nhộn với những trò chơi dân gian được tổ chức phía ngoài khu đền thờ.
Cách Hà Nội gần 100km về phía Nam là cố đô Hoa Lư, kinh đô của đất nước Đại Cồ Việt được Đinh Bộ Lĩnh kiến tạo vào thế kỷ thứ 10. Miền địa linh nhân kiệt này có tầm ảnh hưởng trọng đại tới vận mệnh đất nước qua các triều Đinh, Lê, Lý, được dải núi trùng điệp bao bọc và dòng sông Hoàng Long che chở có vẻ đẹp quyến rũ lòng người. Ngày xuân, cánh đồng Nho Quan bừng lên màu xanh mạ non, các khu di tích rộn ràng tiếng trống hội và những con đường nhỏ tấp nập bóng người trảy hội. Trên một quần thể rộng lớn, du khách sẽ đi vãn cảnh qua các đền thờ Đinh, Lê thờ những anh hùng dân tộc, từ đó sang thăm quần thể di tích Tràng An, chùa Bái Đính, du ngoạn bằng thuyền trên mặt nước Tam Cốc – Bích Động… Suốt một vùng danh thắng nơi nào cũng bắt gặp các đoàn rước kiệu thánh rực rỡ sắc cờ hội in dấu vào màu sơn thủy, càng tuyệt hơn khi được thưởng thức những món ăn truyền thống bản địa. Đành rằng các món ăn ngày Tết thì vẫn là bánh chưng, nem rán, nhưng chỉ riêng đất này mới có thể chiêu đãi khách phương xa bằng những món dê tái, nem dê, xôi trứng kiến hay cá kho không nơi nào so sánh được.
Xa hơn về phía Nam là cố đô Huế, thành phố mộng mơ, nơi còn lại những công trình kiến trúc tuyệt phẩm của triều Nguyễn. Ngày Tết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở cửa tự do mọi điểm thăm quan, do đó du khách càng thích thú được chiêm ngưỡng những đền đài, lăng tẩm, cung điện ánh lên sắc ngói lưu ly trong nắng vàng. Khó có thể tả hết vẻ đẹp của Huế, bởi tại đây mọi thứ đều khiến du khách say lòng. Vẻ trầm mặc của kinh thành, nét lãng mạn của dòng sông Hương có nhịp cầu Tràng Tiền tô điểm, những khu nhà vườn u hoài mơ ngủ như không biết thời gian trôi… Đã tới Huế vào dịp Tết, có lẽ ai cũng tiếc nuối bởi không có đủ thời gian đi thăm mọi nơi chốn, càng tiếc vì khó có thể tận hưởng hết các món ăn nổi danh. Ẩm thực xứ Huế khó nơi nào so sánh được về độ tinh tế, càng cầu kỳ hơn với các món được chế biến chào năm mới.
Trong hơi ấm mùa xuân, cùng với màu đỏ hoa đào, sắc vàng hoa mai, cảnh sắc và lòng người của các kinh thành xưa cũ luôn chào đón du khách bốn phương tìm về để khởi đầu cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Dù ở nơi nào, mỗi người cũng sẽ đón nhận được những giá trị văn hóa tinh thần quý giá của một dân tộc luôn đứng thẳng trong mọi thời khắc lịch sử.