Thu Hằng
Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa vào tháng 9 năm 2020, sự kiện được xem như “dấu mốc khởi đầu” trong chuyển đổi số ngành Y tế Việt Nam.
Vào cuối tháng 1.2021, bệnh nhân ở Quảng Ninh bị tai nạn giao thông, được chẩn đoán vỡ tim và chỉ định mổ cấp cứu. Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh để xin hỗ trợ hội chẩn trực tuyến với các bác sỹ và chuyên gia hàng đầu ở bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong đó có PGS. TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực. Ông cho biết đây là một trường hợp hiếm gặp mà “trước đây chỉ có các bệnh viện tuyến Trung ương mới có thể xử lý được”, nhưng tình trạng bệnh nhân nặng, không thể chuyển lên tuyến trên. “May mắn là bệnh nhân được hội chẩn cấp cứu kịp thời thông qua hệ thống y tế từ xa”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nhấn mạnh.
Đây chỉ là một trong nhiều ca bệnh cụ thể đã được cứu sống nhờ giải pháp khám chữa bệnh từ xa, còn được biết đến dưới tên Telehealth của ngành y tế Việt Nam. Nhờ có Telehealth, bác sỹ chỉ đạo cách cả ngàn cây số như đứng trong phòng mổ. Hay, sau khi kết nối với Trung tâm tim mạch bệnh viện E, bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, mặc dù mới thành lập, đã thực hiện thành công hơn 320 ca phẫu thuật tim mở. Ông Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nói rằng chỉ 15 phút cập nhật kiến thức, các y bác sĩ ở đảo Cô Tô, Quảng Ninh, nơi cách đất liền khoảng 100 km, có thể nắm được rất nhiều kiến thức chuyên môn mới về “sốt co giật”, chứng bệnh họ chưa điều trị hiệu quả.
BƯỚC TIẾN MẠNH MẼ CỦA NGÀNH Y TẾ
Nếu không có giải pháp Telehealth, các giáo sư đầu ngành ở Hà Nội, TP.HCM
không thể hội chẩn, cho ý kiến cho những ca bệnh đang ở hải đảo, vùng núi cao hay hướng dẫn chuyên môn hàng ngày cho đồng nghiệp tuyến dưới. Trước đây, khi chưa có hệ thống này, các bác sĩ phải đi vài trăm cây số để hỗ trợ cho bệnh viện và người bệnh tuyến dưới nên mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao.
Nay với Telehealth, hỗ trợ chuyên môn được thực hiện liên tục không chỉ ở tuyến huyện mà còn cả tuyến xã, thậm chí còn có thể kết nối được với các bác sĩ để thực hiện khám chữa ngay từ nhà bệnh nhân. Điều này giúp giảm thời gian, chi phí cho bệnh nhân và bác sỹ; giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới qua việc đào tạo, cập nhật thông tin; giúp người bệnh ở bệnh viên tuyến dưới được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh như ở tuyến Trung ương.
Ngành Y tế Việt Nam cũng hy vọng khi thực hiện rộng khắp, hoạt động này sẽ trở thành một “dịch vụ y tế thường quy” tại các bệnh viện. Trong nhiều năm qua, các bệnh viện Trung ương thường xuyên bị quá tải do người bệnh vượt tuyến, tìm tới các bệnh viện tuyến trên với hy vọng nhận được dịch vụ y tế cao cấp hơn. Các chương trình hỗ trợ chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở như đưa y bác sĩ từ tuyến trên về tuyến dưới hỗ trợ với mục tiêu giảm tải cũng không quá thành công khi không thể triển khai liên tục.
Tại buổi lẽ khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: “Đây sẽ là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, hướng tới chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số, quốc gia thông minh”.
TỪ “TỪ XA” ĐẾN “ONLINE”
Bên cạnh việc khám chữa bệnh từ xa, hiện nhiều bệnh viện, công ty start-up (khởi nghiệp) cũng đã triển khai hệ thống khám bệnh online cho bệnh nhân trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 kéo dài. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng Internet, người bệnh sẽ được các bác sĩ, chuyên gia y tế hàng đầu khám và chẩn đoán bệnh mà không cần phải đến bệnh viện. Phương thức này đặc biệt được các bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như huyết áp, đái tháo đường quan tâm do họ vẫn có thể được theo dõi sức khỏe mà không lo ngại khả năng lây nhiễm chéo Covid-19 tại bệnh viện hay cơ sở y tế.
Theo thống kê của Doctor Anywhere Việt Nam, một trong các start-up cung cấp dịch vụ khám/chẩn đoán bệnh online tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân sử dụng dịch vụ trước dịch chỉ khoảng 60 ca trong một ngày. Tuy nhiên, con số này đã tăng tới 600% khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, lên tới hơn 350 ca/ngày. Bên cạnh Doctor Anywhere Việt Nam, một số các nền tảng khám bệnh online như VOV BACSI24, JioHealth cũng kết nối với các bệnh viện lớn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của bệnh nhân.
Các bệnh viện cho biết họ phải “lựa chọn một đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, cùng nhiều các kỹ năng mềm cần thiết của nhân viên y tế thời 4.0 tham gia”. “Trong chăm sóc sức khỏe online, các bác sĩ phải tận dụng tối đa công nghệ và kĩ năng ‘vọng chẩn’ để đánh giá được tình trạng sức khỏe người bệnh chính xác. Đây cũng là cơ hội để các bác sĩ rèn luyện khả năng giao tiếp, khai thác được đầy đủ thông tin, tư vấn dễ hiểu nhất cho người bệnh trong thời gian ngắn”, bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thu Hằng của Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc giải thích.
Tư vấn, khám sàng lọc bệnh qua điện thoại hay qua các nền tảng online giúp người bệnh tiếp cận các nhân viên y tế dễ dàng và do đó hạn chế tình trạng tự đoán bệnh, tự mua thuốc điều trị không theo đơn dẫn tới các trường hợp đáng tiếc do ở Việt Nam, người dân hiện vẫn có thể mua nhiều loại thuốc, kể cả thuốc kháng sinh và biệt dược, mà không cần đơn của bác sĩ.
Việt Nam đang đặt mục tiêu toàn bộ 14.000 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước được kết nối khám chữa bệnh từ xa trong giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đó dường như không quá xa vời khi chỉ một năm trước, việc khám chữa bệnh từ xa vẫn còn là “điều không tưởng”, như lời Thủ tướng phát biểu trong buổi khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa.