Bài: Hoàng Phong
Photos: Wakatobi Dive Resort
Hãy tưởng tượng bạn là một nhà du hành vũ trụ, vừa đặt chân lên một hành tinh khác kì lạ. Từng centimet bề mặt nơi này được bao phủ bởi những sinh vật sống đủ màu sặc sỡ bạn chưa gặp bao giờ. Chỉ với một cử động nhẹ, bạn lướt là là phía trên những cấu trúc sống khổng lồ dài hàng ngàn mét, với tuổi đời hàng chục nghìn năm. Trọng lực nơi đây gần như bằng không, khiến bạn có thể tự do di chuyển theo chiều không gian thứ ba – lên hoặc xuống – gần như chỉ với một ý nghĩ.
Có lẽ còn lâu loài người mới có thể thám hiểm các vì sao và các hành tinh khác, nhưng ngay quanh chúng ta là một thế giới đầy những tiên cảnh lạ lùng – các đại dương của chúng ta. Và trái với mặt trăng hay các hành tinh trơ trọi không sự sống, chốn bồng lai trên trái đất này là miền hoang dã đầy sinh vật cuối cùng còn sót lại chưa bị con người hoàn toàn đô hộ.
Và dưới đại dương, các rặng san hô là những nơi giàu sự sống nhất. Chỉ 0.1% diện tích đại dương là các rặng san hô, nhưng chúng là nhà của tới 25% số loài sinh vật biển. Nếu đang ở gần một rặng san hô, việc đi thăm quan thế giới của vua Thủy tề không quá khó. Bạn chỉ cần đeo chiếc mặt nạ bơi, ngậm một ống thở trồi lên khỏi mặt nước. Đó là môn snorkeling.
Khu vực Đông Nam Á may mắn được thiên nhiên ban tặng cho những rặng san hô với mật độ dày đặc và sự đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Vùng “tam giác san hô” nằm giữa Philippines, Indonesia và Papua New Guinea có nhiều loài san hô hơn tất cả phần còn lại của thế giới cộng lại, bỏ xa những địa điểm du lịch lặn biển nổi tiếng lâu đời như Caribe hay biển Đỏ.
Lần này quay lại tam giác san hô, tôi quyết định đến thăm Wakatobi (Indonesia). Trên các diễn đàn về lặn biển lưu truyền khá nhiều điều về hòn đảo nhỏ này: rằng trước đây, khi chưa có sân bay, đã có những du khách bỏ ra gần một tuần liền bắt xe khách và đi phà qua biển, nhảy cóc từ đảo này sang đảo khác, để tới được nơi đây; rằng chất lượng của rặng san hô nơi đây thuộc hàng số một thế giới, sánh ngang với những Sipadan hay Raja Ampat huyền thoại.
Môn snorkeling sẽ giúp bạn “nếm thử” những tiên cảnh dưới biển khơi, nhưng tùy vào địa hình mà khi snorkeling, bạn sẽ chỉ được thấy san hô từ cách xa nửa mét tới vài mét. Ở dưới nước, khoảng cách này giống như đi thăm vườn thượng uyển bằng trực thăng vậy. Để thực sự chiêm ngưỡng sự diệu kỳ của các rặng san hô, bạn cần phải lặn bằng bình dưỡng khí (scuba), cho phép bạn xuống tới độ sâu tối đa 40 mét, thời gian khoảng 1 tiếng đồng hồ. Quan trọng hơn, bạn có thể điều khiển độ nổi chìm của cơ thể, tự do di chuyển theo cả 3 chiều không gian dưới nước như một chú cá.
Wakatobi vẫn còn giữ được những rặng san hô tuyệt đẹp, một phần lớn là nhờ khu nghỉ dưỡng duy nhất ở đây đã hợp tác với ngư dân ở địa phương để chung tay bảo vệ môi trường biển nơi này. Người sáng lập khu nghỉ dưỡng là một tay thợ lặn chuyên nghiệp người Thụy Sĩ, đã lang thang khắp vùng tam giác san hô để tìm một nơi vừa đẹp cả trên cạn lẫn dưới nước. Ông xây hệ thống phát điện, hệ thống xử lý nước thải và tổ chức nhiều chương trình cộng đồng cho các làng chài địa phương. Đổi lại, người dân địa phương cam kết không đánh bắt bằng các phương pháp có hại như lưới cào, mìn, thuốc độc… trong khu vực, và bảo vệ hoàn toàn 3km rặng san hô. Khoảng 100 người dân bản địa cũng trở thành nhân viên ở đây, chăm sóc những du khách từ phương xa tới miền gần tận cùng của thế giới này.
Chẳng thế mà các điểm lặn và snorkeling ở Wakatobi có mật độ san hô và sinh vật biển thuộc loại dày đặc và phong phú nhất trong những điểm tôi đã từng qua. Không chỉ có những đàn cá bươm bướm, cá bò, cá vẹt đông rợp trời, mà mỗi hốc đá đều có thể có những con cá chình đang rình mồi, hàng chục chú tôm hùm đang chờ đêm xuống, hay một chàng rùa biển đang nghỉ trưa. Trốn trong những tảng bọt biển thùng to như cái chum có thể là một con cá nóc lười biếng, béo ịch, lớn hơn đầu người. Hàng đàn cá chim, cá đào nhỏ xíu len giữa những nhánh san hô sừng hươu. Thậm chí trên những phiến san hô quạt phất phơ như lông chim trong dòng nước, cũng có những chú cá ngựa tí hon đang bám vào.