Bài: Nguyễn Thùy
Ảnh: Nguyễn Thùy – Mỹ Linh
Nhắc Quảng Nam, người ta nghĩ ngay đến phố cổ Hội An, nơi vốn yên ả với mái ngói trăm năm, bức tường rêu phong ghi dấu của một thời phố thị sầm uất nhất nhì xứ Đàng Trong. Thế nhưng du khách nay chớ vội ra về ngay, bởi cách đó chẳng xa, Triêm Tây như một hương vị vừa quen vừa lạ, ẩn mình giữa mảnh đất Quảng Nam nghĩa tình.
Làng quê Việt bên sông
Để đến với Triêm Tây, từ phố cổ Hội An, du khách đi về hướng cầu Cẩm Kim. Một cách khác nữa để đến nơi này mà lại mang nhiều trải nghiệm hơn là di chuyển bằng đường thủy. Từ làng gốm Thanh Hà, qua một chuyến đò, ngang qua con sông Thu Bồn mà những người lái phải là những người làng, có tay lái lụa, am tường lối đi mới có thể đưa thuyền luồn lách qua những cồn cát. Triêm Tây hiện lên như một bức tranh với màu xanh của mây trời, non nước, nhấn nhá vào đó là những lũy tre xanh soi bóng xuống dòng sông.
Cập vào bến, hình ảnh những lũy tre, hàng bạch dương chạy dài theo mép nước. Trên bờ, những đàn bò tha thẩn gặm cỏ, các bà các chị mở lời chào nhưng tay vẫn chẳng quên chẻ cói. Hình thành từ thế kỷ thứ 17, đến nay Triêm Tây sau bao cuộc đổi thay vẫn đang giữ cho mình những nét mộc mạc chân quê. Chiếc giếng cổ – nơi mang lại dòng nước ngọt lành cho bao đời người Triêm Tây nay vẫn mát lành. Từ chiếc khung dệt chiếu nhấn chữ thủ công, hàng chè tàu quanh dọc lối đi cho đến từng bữa cơm rau cá, mỗi người dân nơi này đều giữ gìn từng chút hương vị quê hương.
Người dân Triêm Tây từ xưa sinh sống chủ yếu bằng nghề dệt chiếu. Chiếu Triêm Tây đặc biệt ở chỗ, chỉ có người làng này mới dệt được chiếu chữ. Những cây cói được trồng ở bãi bồi bên kia con sông, một năm 3 vụ, người làng chèo thuyền qua thu hoạch, mang về ngồi bên bờ sông chẻ cói, phơi cói. Để hoàn thành xong một chiếc chiếu dệt chữ, người làng phải nhuộm sợi cói thành nhiều màu, khi dệt cần đến 2 người làm và phải mất 2 ngày mới xong. Chiếc chiếu có chữ “Triêm Tây” hay “Trăm năm hạnh phúc” … nhìn có vẻ đơn giản nhưng để hoàn thiện là cả sự kỳ công, kinh nghiệm được truyền từ nhiều đời.
Một điểm đặc biệt nữa mà sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến làng quê Việt đó là tình làng nghĩa xóm. Đi một vòng từ làng Phú Hòa qua Trường Thọ (hai làng thuộc thôn Triêm Tây), du khách sẽ chẳng lạ gì với những câu chào hỏi của người dân với nhau, bởi với họ, chẳng ai xa lạ trong làng. Họ gọi nhau bằng cô, chú, ông, bà, con, cháu như trong gia đình. Hỏi nhà nào làm gì, họ đều biết cả. Làng quê Việt là ở đó chứ đâu xa!
Giữ từng mảnh hồn Triêm Tây
Vốn là một ốc đảo nhỏ thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nên để khám phá Triêm Tây, du khách có thể đến đi trong ngày hoặc lưu lại bằng hình thức homestay. Ở đây cũng có những hình thức nghỉ dưỡng từ dân dã đến cao cấp. Ghé qua những nơi có tên như “Me Xanh”, “Thủy Tạ”, du khách sẽ được cắm trại, chèo thuyền, tắm sông. Đây là những “nhà hàng” do chính những người nông dân Triêm Tây làm chủ.
Sau ngày dài đội nắng ra đồng, lội sông, dân làng Triêm Tây sẽ thết đãi du khách những món ăn thôn quê dân dã như rau lang luộc, con gà tre nướng – hấp hay kho gừng với bát canh rau muống vắt chanh mát lành. Giữa không gian làng quê yên ả, cả chén nước trà và nải chuối cau chín cây dân làng mời khách, cũng thấm đượm bao sự nồng hậu nhiệt thành. Rồi cũng chính họ, lại tận tình hướng dẫn du khách từ chốn nghỉ đến những điểm tham quan. Ông Nguyễn Yến, chủ nhiệm hợp tác xã Triêm Tây cho hay, gần 1 năm nay, dân làng Triêm Tây đã có thể sống nhờ vào việc gìn giữ văn hóa của mình. Từ chỗ bỏ dở nghề chiếu, đến nay làng đã dần khôi phục lại 10 hộ, trong đó có một gia đình có truyền thống dệt chiếu chữ. Từ chỗ chỉ làm nông, nay người làng Triêm Tây đã đón khách thập phương, tự tin giới thiệu về bản xứ của mình.
Chị Than, một “bà chủ nông dân” ở Triêm Tây cười xòa khi được hỏi về những vị khách phương xa: “Họ nhìn cái gì cũng lạ, cũng thích, vậy là chúng tôi vui rồi. Triêm Tây có lúc đã nghĩ đến việc phải chuyển đi, vậy nhưng giờ đây chúng tôi đã có thể tiếp tục gắn bó với quê hương, rồi còn giới thiệu quê nhà đến với nhiều người hơn nữa”.
Ông Bùi Kiến Quốc, Viện sỹ Viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp, một người con xứ Quảng trở về quê hương, cũng là người đã có công lớn trong việc giữ lại một phần Triêm Tây từ “thần nước” – những cơn lũ. Xây dựng một khu du lịch sinh thái ở Triêm Tây, ông Quốc trải lòng: “Tâm nguyện của tôi là giữ lại từng lũy tre, con đường đất dẫn vào làng. Nhiều người dân sẽ thấy thật lạ nhưng không phải xây dựng là phá đi mà là cân bằng mọi thứ. Ở Triêm Tây, điều cần cân bằng chính là không gian văn hóa làng quê thuần Việt với chính đời sống người dân, với sự mở cửa đón chào du khách thập phương”.
Người dân quê vốn đơn giản, nghĩ thế và làm thế, những người như ông Quốc, ông Yên hay chị Than, mỗi ngày với hàng trăm lượt khách ghé thăm, họ vẫn đang trao – giữ cho Triêm Tây, cho du khách những kỷ niệm đẹp đẽ toát lên từ những điều bình dị nhất về làng quê Việt bên sông.