Bài: Winlinh
Ảnh: Bá Ngọc
Triều Khúc là ngôi làng cổ ven đô Hà Nội (thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) nổi tiếng với cụm di tích đình, chùa, đền, lăng, miếu. Nơi đây còn là làng nghề truyền thống chuyên làm nón quai thao, các sản phẩm từ lông gà và may thêu đồ thờ tự. Nhưng độc đáo và đặc sắc hơn cả chính là hội làng Triều Khúc – Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Cứ vào ngày mùng 9 đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ vua Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương lên ngôi (lễ Tức vị) và đón chào một năm mới với hy vọng gặp nhiều may mắn, an vui.
Lễ hội làng Triều Khúc bắt đầu bằng phần lễ với các hoạt động dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch và cuối cùng là tế lễ. Theo đó, lễ rước long bào của vua Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Đại diễn ra rất trang nghiêm với đoàn rước là những thanh niên khỏe mạnh. Trong lễ rước, dân làng sẽ chuẩn bị các mâm lễ hoa quả và đèn nhang để dâng lên tỏ lòng thành kính với vua Phùng Hưng. Đoàn rước đi một vòng quanh ao chùa Triều Khúc rồi về đình Đại. Khi đám rước đến nơi, các bô lão sẽ đọc văn tế, mở hòm sắt lấy bút và chính thức bắt đầu cuộc tế lễ. Khi ấy bên ngoài cũng bắt đầu phần hội với các điệu múa rộn ràng trong không gian tràn ngập sắc màu của váy áo và cờ phướn. Nào là chạy cờ, múa rồng, múa lân, múa sênh và được mong chờ nhất chính là múa bồng.
Múa bồng có tên dân gian là “Con đĩ đánh bồng”, là điểm nhấn của lễ hội và là niềm tự hào của bà con dân làng Triều Khúc. Tương truyền, vào thế kỷ thứ 8, lúc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đánh đuổi giặc Đường, ông tổ chức cho các binh sĩ giả gái, đeo trống để múa hát nhằm khích lệ tinh thần trước khi vào trận chiến hay khi ăn mừng thắng lợi. Thấy các binh lính giả gái múa bồng rất dẻo giữa tiếng reo hò mừng vui vang rội của nghĩa quân và dân làng, vua Phùng Hưng gọi vui là “con đĩ” (từ “đĩ” khi ấy dùng để chỉ người con trai giả gái chứ không mang nghĩa tiêu cực). Nét đặc biệt của điệu múa này ở chỗ vũ công là những nam thanh niên chưa lập gia đình, có diện mạo ưa nhìn, xuất thân từ gia đình gia giáo trong làng. Các chàng trai được tô son thoa phấn, môi đỏ má hồng, mặc váy đụp hay quần nhiễu đen, vai khoác tấm lụa đào thêu họa tiết công phượng có viền tua rua rủ xuống, đầu chít khăn mỏ quạ. Trước bụng mỗi người là chiếc trống bồng nhỏ sơn màu đỏ và được cố định bằng dải lụa đỏ buộc khéo léo phía sau lưng.
Tuy chỉ đơn giản là các điệu múa xoay tròn, vươn tay, gập chân, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau, nhưng nhờ có dàn nhạc tung hứng, tiếng trống vỗ hào sảng, điệu múa lả lơi nhịp nhàng, ánh mắt biểu cảm lúng liếng… nên người xem xung quanh đều thích thú và cổ vũ hào hứng. Hình ảnh những bộ váy áo sặc sỡ tung bay theo từng cú nhảy thuần thục theo nhịp đập trống đã tạo nên ấn tượng thị giác cao. Khi các chàng trai xoay người, những dải lụa màu sắc rực rỡ xoay xoay, tạo thành những vòng tròn ảo diệu đẹp mắt. Mặc dù giả gái với các động tác múa mềm mại, khéo léo, nhưng ở họ vẫn toát lên phong thái khoáng đạt của đấng nam nhi và tinh thần thượng võ của người lính trận.
Theo dân làng Triều Khúc, những người có công lớn để duy trì điệu múa này là cố nghệ nhân Bùi Văn Tốt, nghệ nhân Bùi Văn Lục, nghệ nhân Triệu Đình Vạn và nghệ nhân Triệu Đình Hồng. Tâm huyết với điệu múa cổ, bao năm qua ông Triệu Đình Hồng thuyết phục nhiều thanh niên trong làng tham gia học múa và biểu diễn để bảo tồn điệu múa của ông cha. Năm 2010, ông được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, tới năm 2015 Câu lạc bộ Múa bồng do ông làm chủ nhiệm đã được Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội chính thức công nhận và bảo trợ. Và điệu múa ấy giờ đây không chỉ diễn ra trong phạm vi thôn xã mà đã hiện diện ở nhiều vùng miền, nhiều không gian lễ hội trên cả nước cũng như tham gia vào ngày hội văn hoá các dân tộc Việt Nam. Qua bao năm tháng, người dân cũng như du khách thập phương vẫn luôn yêu thích, hào hứng đón chờ được xem điệu múa cổ cuốn hút này.
Có thể nói, hội làng Triều Khúc và điệu múa “con đĩ đánh bồng” là phần hồn, là niềm tự hào và điểm tựa tinh thần thiêng liêng của người dân Triều Khúc. Mỗi khi xuân về, ai cũng cảm thấy lòng phấn chấn hơn vì được hòa vào sự náo nức tưng bừng của lễ hội truyền thống. Bởi vậy mà ý nghĩa sâu xa của lễ hội ấy không chỉ là ôn lại truyền thống của một ngôi làng hay tạo ra bầu không khí vui tươi đoàn kết, mà sâu xa hơn, nó làm tươi mới lại phần ký ức quý giá, lấp lánh, và rất riêng trong mỗi người.