Năm 2020 đánh dấu cột mốc quan trọng của Hublot khi thương hiệu bước sang năm thứ 40 trên hành trình chinh phục nghệ thuật chế tác đồng hồ cao cấp. Chiếc đồng hồ đầu tiên xuất xưởng được đặt tên tiếng Pháp là Hublot, tức ô cửa sổ du thuyền mà người Ý yêu thích rong ruổi trên Địa Trung Hải mỗi mùa hè.
Sự ra đời của Hublot vào năm 1980 bắt nguồn từ ý tưởng của nhà sáng lập Carlo Crocco, đó là đưa thẩm mỹ và phong cách của người Ý kết hợp cùng kỹ nghệ chế tác của Thụy Sĩ. Chiếc Hublot đã trở thành một chủ đề của giới mộ điệu lúc bấy giờ bởi lần đầu tiên kết hợp vỏ đồng hồ vàng khối với bộ dây đeo cao su. Carlo Crocco đã dành 3 năm nghiên cứu để tôn vinh được các đặc tính tuyệt vời của cao su tự nhiên – thích nghi ngay lập tức với cổ tay của người đeo và đặc biệt mang lại sự thoải mái lâu dài.
Thời điểm năm 2004 cũng đánh dấu sự chuyển mình của Hublot khi bắt đầu được dẫn dắt bởi huyền thoại ngành đồng hồ, Jean-Claude Biver. Với tầm nhìn chiến lược và khả năng truyền cảm hứng ấn tượng, ông đã thúc đẩy Hublot theo đuổi triết lý “The Art of Fusion” – “Nghệ thuật của sự hợp nhất”. Hublot ngay trong năm 2005 đã cho ra mắt bộ sưu tập mới mang tên Big Bang – tới nay vẫn là chủ lực của thương hiệu. Big Bang Chronograph sở hữu bộ vỏ sandwich 5 lớp và kết hợp nhiều vật liệu như Titanium, Carbon, Ceramic tạo thành một tổng thể mạnh mẽ, thể thao và đặt nền móng khởi đầu cho Hublot có nhiều đất sáng tạo sau này. Ngay lập tức, Big Bang đã giành giải thưởng Best Design (Thiết kế đẹp nhất) tại lễ trao giải Grand Prix d’Horlogerie de Genève năm 2005, danh hiệu cao quý bậc nhất ngành đồng hồ cao cấp.
Thành công ấn tượng cùng kế hoạch phát triển táo bạo đã thuyết phục tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH quyết định đầu tư vào Hublot, tiếp tục mở ra một chương sử mới cho thương hiệu. Được tiếp thêm sức mạnh, Hublot vươn mình trỗi dậy, nhanh chóng có được nhà máy thứ 2 tại Nyon, Thụy Sĩ. Một xưởng chế tác hàng đầu lúc bấy giờ cũng được LVMH mua lại và sáp nhập vào Hublot để chuyên tâm vào các cỗ máy siêu phức tạp. Bên cạnh cơ khí thì việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển vật liệu mới là mối quan tâm hàng đầu của Hublot, được khẳng định khi giới thiệu Magic Gold (Vàng ma thuật) với ngành đồng hồ. Đội nghiên cứu của Hublot đã thí nghiệm kết hợp 75% vàng nguyên chất và 25% Ceramic, tạo ra hợp chất Magic Gold có được độ cứng xấp xỉ 1.000 Vickers, gấp hơn hai lần vàng 18k thông thường, cứng hơn cả thép và gần như chỉ có kim cương mới có thể làm trầy xước nó được. Đó thực sự là một cú nổ “Big Bang” của ngành đồng hồ khi lần đầu tiên một loại vàng có khả năng chống xước ra đời.
Một trong những điểm nhấn trong hành trình sáng tạo vật liệu mới của Hublot là chế tác và sản xuất sapphire với số lượng lớn. Sapphire được biết đến là một trong những vật liệu thú vị và khó chế tác nhất bởi độ cứng và độ giòn gây nhiều tỷ lệ hỏng bỏ. Giá thành đắt đỏ và rủi ro cao khiến đa số thương hiệu e dè chất liệu này. Hublot đã đầu tư nghiên cứu để làm chủ kỹ năng chế tác, cũng như đột phá trong tạo màu cho sapphire.
Từ nguyên liệu sapphire thô, Hublot sẽ kết hợp với các vật liệu khác nhau như sắt cho sapphire xanh và crom cho sapphire đỏ. Thành tựu gần đây nhất trong lĩnh vực này là việc tạo ra một khối sapphire màu xanh ngọc lục bảo có tên SAXEM (Sapphire Aluminium Oxide and rare Earth Mineral), tạo nên từ sự kết hợp giữa Nhôm oxit với các nguyên tố quý hiếm trên Trái đất.
Thế giới của Hublot còn gắn liền với những cái bắt tay lịch sử khi trở thành thương hiệu đồng hồ đầu tiên đồng hành với bóng đá, môn thể thao vua, bắt đầu từ Euro 2008 cho đến các kì FIFA World Cup, UEFA Champions League, với các câu lạc bộ Juventus hay Chelsea. Giờ đây Hublot trở thành người bạn của vua bóng đá Pelé, ngôi sao Kylian Mbappé, người đàn ông nhanh nhất thế giới Usain Bolt cùng nhiều ngôi sao lớn ở các lĩnh vực khác nhau.