Bài: Trương Quý
Ảnh: Hữu Thanh, Amachau, Đình Chính
“The La, lĩnh Bưởi, sồi Phùng.
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”
Câu ca dao xưa đã thể hiện một chuỗi những sản phẩm dệt vô cùng đa dạng dùng cho trang phục xưa. Chúng đều có chung đặc điểm là sản phẩm của những làng nghề ven các con sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy… những chi lưu của sông Hồng ôm lấy Thăng Long – Kẻ Chợ xưa làm thành một vành đai của tơ lụa và của đời sống văn hóa phong tục làm nên hồn cốt mảnh đất Kinh kỳ.
“Mỹ tục khả phong”
Thăng Long – Hà Nội từ xa xưa được dân gian gọi bằng cái tên Kẻ Chợ, là trung tâm thương mại lớn nhất đất nước trong nhiều thế kỷ. Linh hồn khu phố cổ – “36 phố phường” – được lập nên từ những phường thợ hay phường buôn có gốc gác từ các làng xã vành đai quanh Kẻ Chợ. Trong sự bồi đắp ấy, các làng nghề ven các con sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy và sông Châu Giang không chỉ là phên giậu “áo giáp chở che ngàn năm bền vững” như một câu hát đã ca ngợi mà còn là túi phong lưu khi làm ra đồ mỹ nghệ, kim hoàn, lụa là, nón mũ, các món ăn cho Kẻ Chợ. Những cuốn sách địa chí thời trước luôn dành nhiều trang cho việc điểm tên các làng xã ngày đêm đỏ lửa rộn ràng làm ra sản phẩm mang ra Kinh kỳ, và đến lượt các phường thợ ở Kẻ Chợ lại là nơi sinh sống của những người thợ làng hay khu vực nghệ nhân quần tụ.
Những làng nghề gần nhất kinh thành xưa gắn bó trước hết từ nhu cầu của các triều đại cũng như cái ăn cái mặc của thị dân. Bởi thế, dọc con sông Tô Lịch và ven hồ Tây xưa là đất của những làng nghề lâu đời nhất, như những làng đan lưới, canh cửi ở suốt một dải trù phú giữa hai con sông Tô và sông Nhuệ. Nhưng ngay bên cạnh và chính tại những làng nghề tạo ra các sản phẩm bình dân ấy, những người thợ xuất thân nông dân cũng tạo ra những sản phẩm của một đời sống phù hoa: làm giấy sắc phong, trồng hoa và cây cảnh ven hồ Tây, hay dệt nên những vuông lụa tuyệt mỹ của cả một dải làng nghề canh cửi nức tiếng suốt đôi bờ sông Nhuệ.
Những ngôi làng này còn được xem như giàu có nhất miền Bắc xưa kia. Làng Cự Đà (Thanh Oai – Hà Tây xưa, Hà Nội nay) là ngôi làng đầu tiên ở Bắc Kỳ có điện thắp sáng và có hẳn một nhà máy điện nhỏ riêng từ năm 1926. Nhiều gia đình giàu có mở hiệu dệt ở Hà Nội là gốc làng này, khi ra phố vẫn giữ âm tố “Cự” để nhận diện thương hiệu uy tín như: Cự Doanh, Cự Chất, Cự Nguyên… Hơn thế nữa, những làng Cự Đà, Cựu (Vân Từ, Phú Xuyên – Hà Tây xưa, Hà Nội nay), Tây Mỗ (Nam Từ Liêm – Hà Nội)) không chỉ nổi tiếng vì những nghề dệt, làm miến hay may quần áo mà còn vì mật độ tập trung những ngôi nhà cổ và đẹp. Làng Ước Lễ (Thanh Oai) ngoài nghề làm giò chả và bánh chưng nức tiếng, còn có một không gian kiến trúc điển hình làng Bắc Bộ và trên cổng làng mang dáng dấp một cổng thành còn lưu tấm biển đề bốn chữ “Mỹ tục khả phong” (Tục lệ tốt đẹp nên theo) được ban từ thời Tự Đức năm 1851.
“Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông”
Đầu thế kỷ 20, khi Việt Nam bước vào cuộc tiếp xúc với thế giới phương Tây hiện đại, các làng nghề vẫn tiếp tục mạch sôi động là “hậu phương” phục vụ cho một thành phố giao thoa văn hóa Đông – Tây. Chẳng hạn, trước làn sóng cải cách y phục theo lối Âu hóa, đồng thời với thợ làng Cựu ở huyện Phú Xuyên (Hà Tây xưa, Hà Nội nay), những người dân làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa – Hà Tây xưa, Hà Nội nay) đã cùng nhau lập nên những phường thợ may comple và áo dài nổi tiếng Hà thành ở các phố Hàng Trống, Hàng Bông, Lương Văn Can. Nếu như dân làng Cựu lấy tên hiệu luôn có chữ “Phúc” hay “Phú” thì dân Trạch Xá lại chọn tên hiệu luôn có chữ “Trạch”. Họ đã tạo ra diện mạo lịch lãm của quý ông sóng đôi vẻ yêu kiều của phụ nữ Hà thành một thời mà đến nay còn truyền tụng. Các làng này tuy sinh sau đẻ muộn trong số các làng nghề nhưng đã mau chóng nổi danh vì gắn với một nhu cầu tân thời của người Hà Nội.
Những làng nghề ven đô Hà Nội xưa chia làm nhiều loại, thể hiện sự đa dạng của một nền văn hóa phồn thịnh có sự giao lưu với nhau thông qua một trung tâm thương mại chính là Kẻ Chợ. Nhờ sự giao lưu ấy mà một đời sống tập quán gắn với tiêu thụ, tạo ra lực đẩy phát triển cho xã hội. Điều làm nên đặc tính phồn hoa của Hà Nội là sự đa dạng của những loại hình nghề, trải từ các làng nghề chế tác công cụ sản xuất (dao kéo Đa Sỹ, tiện gỗ Nhị Khê), các làng nghề làm nón, dệt, may, thêu ren (làm nón Tri Lễ, làm nón làng Chuông, thêu Quất Động), đến các làng nghề thủ công mỹ nghệ (khảm trai Chuôn Ngọ, sơn mài Hạ Thái), làng nghề thực phẩm (bánh trung thu Xuân Đỉnh, giò chả Ước Lễ, đậu phụ Mơ)…
Những sản phẩm của làng nghề Bắc Kỳ đã được mang đi dự các triển lãm thế giới (Đấu xảo) ở Paris, Marseille (Pháp) hay San Francisco (Mỹ) và được ca ngợi vì sự tinh tế lẫn đa dạng. Có những món đồ giờ đã chẳng còn hiện diện trong đời sống, song vẫn còn để lại những ký ức như làm “chân chỉ hạt bột” (tua bằng chỉ màu có kết hạt trang trí, thường được đính vào mép các bức trướng thêu) hay khua nón quai thao ở làng Triều Khúc và nhiều làng nghề khác thuộc phủ Thanh Oai cũ. Tỉnh Hà Đông hay Hà Tây đã sáp nhập vào Hà Nội, song những mượt mà óng ả của tên gọi “Áo lụa Hà Đông” hay “Hà Tây quê lụa” vẫn mãi ngân vang, bởi lẽ những món đồ của các làng nghề đã trở thành ký ức văn hóa cộng đồng. Những địa danh ngân vang là nhờ quá khứ tạo sinh một nền văn minh vật chất của người Việt, được đời sống nghệ thuật tái khẳng định như một giá trị bền vững: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông… Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn, giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông, anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng. (Trích nhạc phẩm “Áo lụa Hà Đông” – thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên).
Ngày nay, những làng nghề vẫn được duy trì không chỉ ý niệm gia truyền, dòng tộc, làng mạc mà còn vì nhu cầu có thực của đời sống: Tìm về vẻ đẹp tuyệt kỹ của nghề thủ công hay hương vị các món ăn cổ truyền trước làn sóng đại trà đến nhàm chán của sản xuất công nghiệp. Một con giống bột làng Phượng Dực (Phú Xuyên), một mảnh lụa Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam) hay chiếc giỏ mây tre đan Chúc Sơn (Chương Mỹ – Hà Tây xưa, Hà Nội nay) tưởng chừng lạc thời nhưng kỳ lạ, đang là cánh cửa diệu kỳ làm sống dậy cả những làng quê và rộn lòng người Việt.