Bài: Trân Huyền
Ảnh: Jet Huỳnh, Amachau
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó, lòng không muốn về
Tôi tìm về Cần Thơ, thành phố thủ phủ của miền Tây Nam Bộ – Tây Đô, theo lời mời gọi ngọt ngào từ câu ca dao trên. Để rồi, ở nơi “gạo trắng nước trong”, đầy “hoa thơm trái ngọt” và tình người nồng hậu ấy, tôi còn bắt gặp một Tây Đô văn vật với những công trình kiến trúc cổ, vừa là di sản văn hóa vừa là bằng chứng của sự giao hòa Đông – Tây trong kiến trúc, điêu khắc, trang trí lại vừa là nơi bảo lưu nếp sống và văn hóa cư trú của người dân vùng châu thổ sông Mekong.
Đến thăm Bảo tàng Thành phố Cần Thơ, tôi được đồng nghiệp Triệu Vinh tặng cho cuốn sách Nhà cổ ở thành phố Cần Thơ, giới thiệu 16 công trình kiến trúc xưa, chủ yếu được xây dựng trong những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, nay vẫn sừng sững giữa lòng Tây Đô, bất chấp chiến tranh, thời gian và “cơn lốc đô thị hóa” gặm nhấm những văn vật hàng trăm năm tuổi ấy.
Cuốn sách này giới thiệu 13 tòa nhà cổ của những cự phú, thế gia vọng tộc ở Tây Đô xưa và 3 công trình công cộng là: nhà thờ Chánh tòa Cần Thơ, Collège de Cần Thơ (nay là trường THPT Châu Văn Liêm) và nhà lồng chợ Cần Thơ, với đầy đủ thông tin về lịch sử xây dựng, giá trị nghệ thuật của các công trình kiến trúc cổ, cùng những giai thoại thú vị về các thế hệ chủ nhân của các văn vật này. Tôi dành trọn buổi tối đầu tiên để đọc hết cuốn sách dày 142 trang này. Hôm sau, tôi cùng Phạm Việt Ngoan, cô học trò người Cần Thơ, lần theo những chỉ dẫn trong sách để đi thăm những ngôi nhà cổ ở Tây Đô bằng xe máy.
Đầu tiên, thầy trò chúng tôi đến thăm đình Bình Thủy, còn có tên là Long Tuyền cổ miếu ở quận Bình Thủy. Đình được xây dựng vào năm 1844, là nơi lưu dấu lịch sử khẩn hoang của lưu dân người Việt ở miền Tây Nam Bộ xưa, đồng thời là một công trình có giá trị về kiến trúc và mỹ thuật, gắn liền với tên tuổi của quan Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt, một đại thần của triều Nguyễn có công lao rất lớn đối với việc trấn trị ở lục tỉnh Nam Kỳ.
Tiếp đến, chúng tôi viếng thăm những ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Tây Đô như: nhà thờ họ Dương, nhà ông Hương Quản Dương Lập Cang (đều ở quận Bình Thủy), nhà ông Huyện Cang (quận Ninh Kiều), nhà buôn Thiệu Phát (quận Ô Môn), nhà ông Phán Quát (quận Cái Răng)… trong hai ngày, nhưng vẫn không đủ thời gian để đi thăm những ngôi nhà cổ danh tiếng khác.
Đặc trưng dễ nhận diện ở các ngôi nhà cổ Cần Thơ chính là sự kết hợp giữa phương Đông với phương Tây trong kiến trúc và trang trí công trình xây dựng, cũng như trong bài trí nội thất và thiết kế không gian thờ tự của từng ngôi nhà. Phần lớn các ngôi nhà đều có kết cấu khung gỗ là kiểu kiến trúc nhà rường của Nam Bộ. Không gian nội thất bố trí thành “ba gian hai chái” hoặc “năm gian hai chái”, gồm một hoặc hai, ba tòa nhà nối thông với nhau, theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” rất phổ biến trong kiến trúc cung đình Huế. Tuy nhiên, bên ngoài bộ khung gỗ với hệ thống cột cái, vì kèo, rui mèng, bao lam… được chạm trổ công phu, tinh xảo và thuần Việt, là mặt tiền và hệ thống tường bao kiến thiết và trang trí theo phong cách Tây Âu, gồm cầu thang cuốn có lan can hình con tiện, trụ cửa và vòm cửa trang trí theo các trường phái Gothique hay Art – Nouveau, vốn rất thịnh hành ở châu Âu vào thời kỳ này.
Bên trong các ngôi nhà này, dù sử dụng vật liệu phương Tây để lát sàn, làm trần nhà và bày biện nội thất theo kiểu thức châu Âu, nhưng cách bài trí vẫn mang đậm dấu ấn phương Đông, với các hoành phi, đối liễn viết chữ Hán, các đồ án trang trí dựa theo điển tích, văn hóa và nghệ thuật Việt Nam và Trung Hoa.
Những ngôi nhà cổ này, tuy được xây dựng trong bối cảnh văn hóa phương Tây đã xâm nhập vào Nam Bộ, nên đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của kiến trúc và mỹ thuật phương Tây. Tuy nhiên, chúng vẫn bảo lưu những tinh túy của văn hóa phương Đông trong không gian thờ phụng hay việc lựa chọn chủ đề và cách thức thể hiện các hoa văn, họa tiết trang trí nội và ngoại thất. Đó chính là những giá trị đích thực mà các văn vật ở Tây Đô này vẫn đang lưu giữ.
Và ngôi nhà thờ họ Dương ở quận Bình Thủy, mà thầy trò chúng tôi đã dành trọn một buổi sáng để tham quan và trò chuyện với vị nữ chủ nhân, đã ngoài 70 tuổi, nhưng rất minh mẫn và vô cùng lịch lãm, mà tôi gọi là “người giữ bóng thời gian” cho văn vật tuyệt tác này.