Bài: Nhật Minh

Ảnh: Nguyễn Phú Đức

Văn Miếu, tên đầy đủ là Văn Thánh Miếu, là nơi thờ tự, tôn vinh Khổng Tử, người sáng lập ra Nho giáo, người được hậu thế tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” (người thầy mẫu mực của muôn đời). Ở khu vực Đông Á, nơi Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, hầu hết các quốc gia đều lập Văn Miếu. Chính vì vậy, không lạ gì khi đến tận ngày nay chúng ta vẫn nhìn thấy những tòa Văn Miếu với các quy mô khác nhau, phong cách kiến trúc cũng khác nhau ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan… và Việt Nam.

Văn Miếu Cao Lãnh - Đồng Tháp

Ở nước ta, ngay trong thời Lý, khi Phật giáo đang trong thời cực thịnh và giữ vị trí quốc giáo, vua Lý Thánh Tông đã cho lập Văn Miếu vào năm 1070 để thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối và Thất thập nhị hiền, đồng thời làm nơi học tập cho hoàng thái tử. Đến năm 1076, triều Lý cho dựng trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu để đào tạo con em trong hoàng tộc. Như vậy, ngay từ thuở ban đầu, Văn Miếu không chỉ là nơi thờ tự người sáng lập ra Nho giáo mà còn là nơi đào tạo nhân tài cho triều đại, cho đất nước.

Suốt từ đó trở về sau, cùng với sự phát triển của Nho giáo tại Việt Nam, Văn Miếu càng được xem trọng và mở rộng quy mô. Thời Trần đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện và đào tạo không chỉ con em trong hoàng tộc mà cả những học trò xuất sắc trong bách tính.

Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, Nho giáo ảnh hưởng bao trùm trong xã hội, Văn Miếu không chỉ có tại kinh đô mà còn được xây dựng tại nhiều tỉnh. Đặc biệt, trong thời Nguyễn (1802-1945), ngoài Văn Miếu tại kinh đô Huế, tất cả các tỉnh thành trong nước từ Bắc chí Nam, triều đình đều cho dựng Văn Miếu, không chỉ tỉnh lị mà còn có ở cấp phủ, huyện; thậm chí ở cấp xã cũng có Văn Chỉ. Đó là nơi thờ tự Khổng Tử, các đồ đệ thành danh của ngài, cũng là nơi tôn vinh Nho học, tri thức và đạo đức Nho giáo.

Nếu tính trên bình diện quốc gia thì nước ta có hai Văn Miếu lớn và tiêu biểu nhất: Văn Miếu Thăng Long- Hà Nội và Văn Miếu Huế.

Văn Miếu Thăng Long- Hà Nội có từ thời Lý, trải qua các triều Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, đến thời Nguyễn thì trở thành Văn Miếu của Trấn Bắc thành, rồi Văn Miếu của tỉnh thành Hà Nội. Có thể nói đây là cụm công trình Văn Miếu có quy mô bề thế và lớn nhất trong lịch sử, là kết tinh trí tuệ, công sức của nhiều thế hệ người Việt Nam qua các thời kỳ. Toàn bộ khu Văn Miếu- Quốc Tử Giám rộng gần 5,5 hecta, bố cục đăng đối theo trục bắc nam, cách bố trí mô phỏng phần nào Văn Miếu nguyên gốc thờ Khổng Tử tại Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc nhưng đơn giản hơn và thể hiện rõ phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam. Trước mặt Văn Miếu có hồ Văn Chương, chính giữa có gò Kim Châu, xưa trên gò có lầu ngắm cảnh. Phần kiến trúc chính có khuôn viên tường gạch bao bọc, bên trong chia thành 5 khu vực với các chức năng khác nhau, trong đó quan trọng nhất là khu vườn bia Tiến sĩ, nơi đặt 82 tấm bia ghi danh các vị tiến sĩ thời Lê Mạc (1442-1779) và khu tẩm điện, nơi thờ Khổng Tử cùng các vị đại đệ tử của ngài.

Văn Miếu Huế

Văn Miếu Huế vốn có nguồn gốc từ thời các chúa Nguyễn khi họ vào khai phá và hùng cứ đất Đàng Trong. Năm 1808, vua Gia Long chính thức cho xây dựng tòa Văn Thánh Miếu trên đất xã Hương Hồ ở bờ bắc sông Hương, cách kinh thành khoảng 4km. Văn Miếu có quy mô khoảng 3 hecta, khi nguyên vẹn có gần 20 công trình kiến trúc, từ ngoài vào trên trục chính là Linh Tinh Môn, Văn Miếu Môn, Đại Thành Môn, điện chính Văn Miếu… Hai bên dựng hai dãy bia tiến sĩ gồm 32 tấm, khắc tên 293 vị tiến sĩ đỗ đạt qua 39 kỳ thi từ thời Minh Mạng đến thời Khải Định (1822-1919).

Ngay bên cạnh Văn Miếu, phía tây có Quốc Tử Giám, dựng từ năm 1803 (tên cũ là Đốc Học Đường), đến năm 1908 vua Duy Tân mới cho dời về phía đông Hoàng thành. Quốc Tử Giám được xem là một trong 20 thắng cảnh của kinh đô Huế theo bình chọn của vua Thiệu Trị. Phía trên Quốc Tử Giám là Khải Thánh Từ (thờ cha mẹ Khổng Tử). Còn phía đông Văn Thánh lại có Võ Miếu (thờ tổ ngành võ và những bậc đại thần có võ công hiển hách, cũng có bia đá khắc tên các vị tiến sĩ võ).

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Dưới chế độ quân chủ phương Đông, Văn Miếu- Quốc Tử giám là biểu tượng của văn hóa, tinh thần và tri thức Nho giáo. Đó vừa là nơi tôn thờ vị thánh tổ của đạo Nho, vừa là nơi giáo dục, đào tạo nhân tài cho xã hội. Ngay trong lần đầu tiên vâng mệnh vua Lê Thánh Tông dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu Thăng Long năm 1484, đại thần Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Như vậy có thể nói, Nho giáo đã góp phần quan trọng trong việc rèn luyện, hun đúc nên tri thức, phẩm hạnh của phần lớn giới trí thức, kẻ sỹ Việt Nam trong suốt một nghìn năm qua, khiến cho đất nước ta “tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” (Bình Ngô đại cáo).

Ngày nay, Văn Miếu Huế đã trở thành một bộ phận của Di sản văn hóa thế giới (từ 1993), còn Văn Miếu Thăng Long- Hà Nội không chỉ là di tích cấp quốc gia đặc biệt mà 82 tấm bia tiến sĩ ở đây cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới (từ năm 2010). Đó là chưa kể nhiều di tích Văn Miếu các tỉnh khác như Văn Miếu Mao Điền- Hải Dương, Văn Miếu Xích Đằng-Hưng Yên, Văn Miếu- Bắc Ninh, Văn Miếu Trấn Biên- Đồng Nai… cũng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia và đang được tôn tạo giữ gìn như những di sản quý giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau.