Hữu Vy
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trong khoảng 10 thế kỉ đầu công nguyên ở đồng bằng Nam bộ, Việt Nam. Tên gọi nền văn hóa này do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đặt ra sau cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên năm 1944 tại khu di tích Óc Eo thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Trải qua 70 năm phát hiện và nghiên cứu, diện mạo của nền văn hóa đặc sắc, nổi tiếng này ngày càng trở nên rõ nét hơn. Là những chứng tích vật chất của quốc gia cổ Phù Nam
Những khám phá khảo cổ học sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Nam bộ (cách ngày nay khoảng 2.000–2.500 năm) đã chứng minh nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo. Các di tích này tuy phân bố ở những tiểu vùng sinh thái khác nhau nhưng đều hàm chứa những yếu tố sẽ phát triển thành đặc trưng của văn hóa Óc Eo. Ngoài ra, đóng góp không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của nền văn hóa này là những yếu tố ngoại sinh, thông qua tiếp xúc với văn hóa La Mã, Ba Tư, Trung Hoa và chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Ấn Độ.
Trong thời gian tồn tại của mình, cư dân văn hóa Óc Eo đã làm chủ khắp vùng châu thổ sông Mê Kông, phát triển kinh tế ở trình độ cao, đặc biệt là thủ công nghiệp và thương nghiệp, tạo dựng nên các trung tâm thành thị lớn. Hàng loạt các di chỉ xưởng thủ công làm gốm, chế tác đồ trang sức, luyện kim, nấu thủy tinh… đã được phát hiện, khai quật. Đồ gốm có mặt trong hầu hết các di tích và là loại hình hiện vật mang đậm dấu ấn bản địa nhất. Trong đó, bếp lò gốm (cà ràng) là vật dụng quen thuộc và rất cần thiết của cư dân sống ở vùng ven biển và sông rạch, trên nhà sàn hay trên ghe xuồng. Bếp lò gốm đã xuất hiện trong các di tích cư trú và cả trong mộ táng giai đoạn tiền Óc Eo và sau đó đã trở thành thành di vật đặc trưng của nền văn hóa này. Đồ trang sức Óc Eo phổ biến làm bằng vàng, hợp kim thiếc, đá ngọc, mã não, thạch anh, thuỷ tinh với nhiều màu sắc, kiểu dáng độc đáo. Nhiều di chỉ xưởng chế tác đồ trang sức lớn xuất lộ như Óc Eo, Đá Nổi (An Giang), Nền Chùa, Cạnh Đền (Kiên Giang), Vĩnh Hưng (Bạc Liêu), Lưu Cừ (Trà Vinh), Nhơn Thành (Cần Thơ), Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Thành (Tiền Giang) Gò Hàng, Gò Xoài, Gò Dung (Long An)… là bằng chứng của việc chế tác đồ trang sức tại chỗ. Các di chỉ này tích tụ mật độ cao phế thải trang sức như mạt vàng, bụi vàng, các mảnh nguyên liệu đá quý, tinh thể thạch anh cùng các loại khuôn đúc, nồi nấu kim loại và các loại dụng cụ chế tác đồ trang sức khác.
Do lợi thế của vị trí địa lý nằm sát con đường giao thương quốc tế trên biển, có hệ thống sông ngòi dày đặc cùng với việc kiến tạo hệ thống kênh rạch chằng chịt, cư dân Óc Eo đã đưa nền kinh tế thương mại, đặc biệt là ngoại thương phát triển cực thịnh. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho thấy khu di tích Óc Eo (An Giang) từng là một cảng thị quan trọng và nổi tiếng trên hải trình thương mại thời cổ đại. Minh chứng khẳng định là hàng loạt di vật hàm chứa những thành tố của các nền văn minh Ấn Độ, Ba Tư, La Mã, Trung Hoa đã được tìm thấy ở đây. Không kể đến những sản phẩm được chế tác tại chỗ theo kĩ thuật, loại hình, kiểu dáng, phong cách truyền thống văn hóa bên ngoài thì những phát hiện rõ ràng nhất đến nay là 2 huy chương bằng vàng có nguồn gốc La Mã đúc nổi hình và tên Hoàng đế Antoninus Pius (138 – 161 CN) và Marcus Aurelius (161 – 180 CN), một chiếc đèn đồng thau Ba Tư, gương đồng thời Đông Hán, tượng Phật bằng đồng thời Bắc Ngụy, những cổ vật bằng vàng thủy tinh, thạch anh, mã não có khắc hệ chữ Mã Lai, La tinh, Brahmi/Sanskrit hoặc hình các vị thần, các linh vật có nguồn gốc La Mã, Ấn Độ giáo… Người Óc Eo sử dụng nhiều loại tiền khác nhau để trao đổi, buôn bán. Xuất hiện nhiều nhất là loại tiền Mặt trời mọc – Đền Srivatsa, ở cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, chứng tỏ nó được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất trong các khu vực này. Loại tiền này, một mặt đúc nổi hình mặt trời mọc lên từ biển, mỗi một mệnh giá khác nhau có số lượng tia sáng khác nhau. Mặt còn lại, ở trung tâm đúc nổi hình ngôi đền Srivatsa, biểu tượng cho sự giàu có, thịnh vượng và may mắn. Rất nhiều đồng tiền Srivatsa được cắt tư hay cắt tám… chứng tỏ vị trí vai trò quan trọng của thương cảng Óc Eo xưa, bởi vì họ đã phải dùng đến những đơn vị tiền tệ rất nhỏ trong việc trao đổi buôn bán.
Người Óc Eo theo Phật giáo và Ấn Độ giáo. Cả hai tôn giáo này đều in đậm dấu vết trong nghệ thuật tạo hình. Tượng thờ Ấn Độ giáo và Phật giáo bằng đá và bằng gỗ, một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp Nam bộ. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo ở đây là từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 7. Sự đa dạng về loại hình và hình thức thể hiện đã phản ánh sự phức tạp và đan xen cuả các nguồn gốc ảnh hưởng trong đó chủ yếu là nghệ thuật Ấn Độ, đồng thời vẫn thể hiện rõ xu hướng hiện thực – bản địa hóa. Về loại hình, không phải chỉ có tượng và biểu tượng thần phật mà còn có nhiều hình tượng linh thú, thần thoại trong điện thờ Ấn Độ giáo và Phật giáo. Đặc biệt trong văn hóa Óc Eo có những pho tượng Phật bằng gỗ khá lớn và độc đáo như sưu tập tượng gỗ ở di tích Gò Tháp. Truyền thống nghệ thuật tượng cổ ở Nam bộ còn được duy trì và phát triển trong giai đoạn sau, từ thế kỷ 8 trở đi mà nhiều nhà nghiên cứu tạm gọi là giai đoạn “hậu Óc Eo”. Nghệ thuật Phật giáo và Ấn Độ giáo đến đồng bằng sông Cửu Long thông qua giao lưu trao đổi các vật phẩm chủ yếu bằng đường biển, chúng góp phần làm giàu thêm văn hóa bản địa và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành, phát triển các trung tâm tôn giáo – văn hóa – kinh tế – chính trị lớn ở vùng đất này trong những thế kỷ đầu Công nguyên.
Như vậy, trong thời gian tồn tại vào những thế kỷ đầu Công nguyên, cư dân văn hóa Óc Eo đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên mọi lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, tôn giáo, nghệ thuật… làm cơ sở vật chất hình thành nên nền văn minh của vương quốc Phù Nam, một trong những quốc gia cổ hình thành sớm nhất ở Đông Nam Á. Mặc dù có sự giao lưu, tiếp biến từ văn hóa La Mã, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa nhưng Óc Eo vẫn là nền văn hóa phát triển nội tại trên cơ tầng bản địa để tiến tới đỉnh cao của nó.