Nguyễn Quốc Hữu
Phù Nam là vương quốc cổ đại hình thành sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á và phát triển thịnh vượng trong giai đoạn từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 10. Dấu ấn vật chất của quốc gia này còn lưu lại trong nhiều di tích khảo cổ học văn hóa Óc Eo ở đồng bằng Nam bộ Việt Nam.
Nằm ở ngã tư con đường tơ lụa trên biển kết nối phương Đông với phương Tây, tại đây đã hình thành các cảng thị quan trọng và nổi tiếng sầm uất trên hải trình thương mại thời cổ đại. Con đường huyền thoại này không đơn thuần chỉ là con đường thông thương buôn bán của các thương gia mà còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn. Theo các đoàn thuyền buôn, Phật giáo từ Ấn Độ đã du nhập vào đây từ rất sớm, nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp nhận và giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hóa Óc Eo – Phù Nam.
Giai đoạn hưng thịnh của Phật giáo Phù Nam là từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 7, mà dấu ấn của nó còn in đậm trong nghệ thuật điêu khắc. Tượng Phật Phù Nam được tìm thấy trong nhiều di tích trên khắp Nam bộ, phản ảnh rõ nét nguồn gốc ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ và xu hướng bản địa hóa.
Nét đặc sắc nổi bật của điêu khắc Phật giáo Phù Nam là các pho tượng Phật Thích Ca trong tư thế đứng trên bệ sen, được tạc nguyên khối từ gỗ sao hoặc gỗ mù u. Phần nhiều các tượng gỗ này mất hết tay, dấu vết còn lại cho thấy tay tượng chủ yếu bắt ấn Vô úy (Abhaya) và Thí nguyện (Varada). Thời kỳ sớm (thế kỷ 2 – 4), tượng Phật gỗ được thể hiện trong tư thế Tribhanga, hông lệch mạnh về bên phải, cơ thể thon mảnh uốn thành 3 khúc ngược chiều nhau tạo hình chữ S cong nhẹ rất duyên dáng và gợi cảm. Lối thể hiện này chịu ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật Amaravati Ấn Độ. Tuy nhiên, ta vẫn nhận ra những nét riêng qua một số đặc điểm tiểu tượng như Ushnisha (u tròn trên đỉnh đầu tượng Phật) chỉ nổi nhẹ hoặc hình búp nhọn, khuôn mặt thon, cổ cao, ngực lép. Tượng mang áo mỏng, bó sát thân, để lộ rõ đường nét cơ thể chứ không tạo thành nhiều nếp dày và nặng như phong cách Amaravati. Giai đoạn phát triển (thế kỷ 5 – đầu thế kỷ 6), các tượng Phật gỗ chuyển sang tư thế Abhanga, hông chỉ lệch nhẹ về bên phải, thân trên thẳng, cơ thể thiếu đi sự gợi cảm so với nhóm tượng Tribhanga. Khuôn mặt được thể hiện theo nhiều kiểu khác nhau như mặt trái xoan, mặt chữ điền. Những đặc điểm này bắt nguồn từ phong cách nghệ thuật Gupta Ấn Độ. Trong thế kỷ 6, tượng Phật gỗ lại thêm một lần chuyển đổi phong cách do bắt nguồn từ cảm hứng nghệ thuật Gupta muộn. Theo đó, tượng được tạc trong tư thế đứng thẳng, cơ thể khô cứng hơn cả, trang phục phủ kín một bên vai, tà áo buông dài tới ngang chân. Khuôn mặt không có sự khác biệt nhiều so với các nhóm tượng Phật gỗ giai đoạn trước. Dấu ấn bản địa hóa của nhóm tượng ảnh hưởng phong cách nghệ thuật Gupta thể hiện rõ nét trên áo choàng. Theo đó nó chỉ choàng lệch một bên vai chứ không phủ kín hai vai và không nhiều nếp gấp như tượng Gupta nguyên gốc Ấn Độ.
Khác với nhóm tượng gỗ, tượng Phật đá Phù Nam hầu hết được thể hiện trong tư thế tọa thiền bán già trên bệ sen, hai tay bắt ấn Thiền định (Dhyana), biểu thị cho sự Giác ngộ. Các chi tiết tiểu tượng với tỷ lệ hài hòa, được khắc rõ ràng, tinh tế và gợi cảm. Khuôn mặt đầy đặn, cung mày mảnh và dài, đôi mắt nhìn xuống là những đặc điểm biểu hiện của Từ bi. Áo choàng mỏng bó sát lộ rõ đường nét cơ thể. Nhóm tượng này lấy cảm hứng từ phong cách Gupta muộn, thế kỷ 6 – 8, nhưng giản lược nhiều chi tiết và các đường nét không sắc, gắt như nguồn gốc ảnh hưởng.
Đáng chú ý trong nhóm tượng Phật đá là tượng Vishnu hóa Di Lặc tìm thấy tại Trung Điền (Vĩnh Long). Nguyên gốc đây là tượng thần Vishnu của Ấn Độ giáo có từ thế kỷ 5 – 6 với 4 tay cầm 4 bảo vật đặc trưng là chùy, bánh xe, vỏ ốc và quả cầu. Pho tượng sau này đã được Phật giáo Đại thừa Phù Nam sửa lại thành tượng Di Lặc. Dấu vết sửa lại còn lưu rõ ở 3 bộ phận là mũ trụ đội đầu sửa thành các lớp tóc tết, quả cầu trong tay phải trước thành bông sen và vỏ ốc trong tay trái sau thành quyển sách. Dựa vào kiểu tóc có thể đoạn định tượng được sửa vào thế kỷ 7 – 8. Đây là một hiện tượng hiếm hoi, độc đáo và lý thú không chỉ trong nghệ thuật điêu khắc mà cả trong đời sống tôn giáo của cư dân Óc Eo – Phù Nam.
Nghệ thuật Phật giáo đến với văn hóa Óc Eo – Phù Nam ở đồng bằng sông Cửu Long thông qua hành trình truyền giáo và giao thương đường biển. Nó góp phần làm giàu thêm văn hóa bản địa và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành, phát triển các trung tâm tôn giáo- văn hóa- kinh tế- chính trị lớn ở vùng đất này trong những thế kỷ đầu Công nguyên.