Bài: NGUYỄN PHƯỚC BẢO ĐÀN
Ảnh: PHẠM PHÙNG

Đến hẹn lại về, vào ngày 11 – 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, cư dân làng Thu Bồn Đông (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn.

Đoàn rước sắc trên đường làng

Dưới góc nhìn địa – văn hoá, vùng đất Quảng Nam thường được phân chia thành những tiểu vùng với các đặc trưng riêng có: núi – đồi (trung du) – châu thổ – ven biển – đảo và quần đảo. Rạch ròi là vậy, nhưng chính sự hiện diện của những dòng chảy sâu và rộng theo hướng tây – đông, đã khiến cho những lằn ranh trở nên mong manh và khó lòng phân định. Thu Bồn là một dòng chảy như thế, và hàng năm, rất nhiều lễ hội được tổ chức bởi những cộng đồng cư trú dọc dòng sông, suốt từ thượng nguồn cho đến hạ nguồn. Đến hẹn, vào ngày 11 – 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, cư dân làng Thu Bồn Đông (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn.

DÂNG LỄ BÀ THU BỒN

Có rất nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn, nhưng điều đáng quan tâm là mặc dù được sắc phong dưới triều vua Minh Mạng là thượng đẳng thần với mỹ tự là “Mỹ đức Thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần”, nhưng cư dân nơi đây vẫn gọi Bà với tên đơn giản – tên của dòng sông nổi tiếng ở xứ Quảng: Bà Thu Bồn. Theo truyền thuyết, vị nữ thần này có nguồn gốc Chăm, được Việt hóa cùng với quá trình mở đất lập làng của người Việt trên vùng đất Quảng Nam. Để rồi, vị nữ thần này được tôn vinh là thần bảo hộ cho cả cộng đồng cư dân nông nghiệp, lẫn cư dân sống bằng nghề sông nước. Cứ sau Tết Nguyên đán, cư dân làng Thu Bồn Đông lại tấp nập chuẩn bị cho lễ hội Bà Thu Bồn. Trong đó, việc bầu chánh tế là quan trọng nhất, bởi người được bầu phải đáp ứng những tiêu chí khá khắt khe như có kinh nghiệm, am hiểu phong tục, lễ nghi của làng, sản xuất giỏi, có uy tín, được dân làng kính nể, gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc… Chính vì thế, người được chọn làm chánh tế sẽ là vinh dự cho cả gia đình lẫn dòng tộc. Song song, ban lễ tự cũng được bầu ra cùng với phường bát âm và trai đinh lo việc khiêng kiệu phục vụ lễ hội.

Cử hành nghi lễ trước sân lăng Bà

Vào chiều ngày 11 tháng 2 âm lịch, lễ rước sắc được tổ chức. Đám rước bắt đầu từ nhà thủ sắc, đi qua đường làng chính với đầy đủ cờ mao, cờ ngũ sắc, trống lệnh, long đình… Khi đến sân lăng, thủ sắc khiêng hòm sắc vào đặt ở bàn thờ chính và phải túc trực giữ sắc cho đến khi hết lễ hội. Trước lễ chánh tế, lễ tiên thường được tiến hành với lễ vật là những món chay, sau đó, lễ tế chính diễn ra vào giữa đêm với lễ vật được dâng cúng bởi Họ Cả (những gia đình giàu có, có học thức trong làng), Họ Đông Canh (đông đảo cư dân trong làng), và Họ Tư (đại diện cá nhân ở các làng phụ cận). Trong những ngày lễ hội, đông đảo cư dân tập trung về lăng Bà để dâng cúng lễ vật. Họ có nghề nghiệp khác nhau như buôn bán, khai thác lâm thủy sản, canh tác nông nghiệp, ngư nghiệp… Đặc biệt, các chủ thuyền đánh cá trên dòng sông Thu Bồn thường dâng lên Bà những sản vật do chính mình đánh bắt.

Lễ cầu mưa thuận gió hòa

Phần lễ diễn ra đầy đủ với sự hiện diện của chủ tế, bồi tế, đông xướng, tây xướng (những người đứng phía đông, phía tây ban thờ) với các bước nghinh thần, hiến lễ…, và cuối cùng là lễ tạ. Kết thúc lễ tế, toàn bộ phẩm vật dâng cúng Bà Thu Bồn ngự hưởng được toàn thể dân làng và du khách hành hương cùng nhau chế biến, “hưởng lộc Bà” với bao khát vọng cầu may, cầu an, cầu tài lộc.

HỘI BÀ THU BỒN

Ngoài ý nghĩa tâm linh, niềm tin tín ngưỡng, lễ hội Bà Thu Bồn còn thu hút du khách thập phương bởi hội đua ghe trên khúc sông Thu Bồn chảy qua trước lăng Bà. Sau khi hội đua ghe kết thúc, màn đêm buông xuống, trò hát bội (tuồng) bắt đầu. Trò diễn này thường kéo dài 3 – 4 ngày sau đó. Từ khắp nơi, dân làng nô nức đến lăng để xem, tham gia thả hoa đăng và cùng háo hức dự đoán năm mới qua việc bói tuồng. Lễ hội Bà Thu Bồn hiện nay là một dạng sinh hoạt văn hóa cộng đồng còn duy trì mạnh mẽ ở Quảng Nam với sự kết hợp hài hòa giữa phần lễ và hội, phản ánh nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng của đại bộ phận cư dân cư trú trên lưu vực dòng sông. Từ những giá trị này, vào năm 2020, lễ hội Bà Thu Bồn được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Phi vật thể cấp Quốc gia.

Trên hành trình đi về phương Nam, người Việt đã tích hợp, chuyển hoá một cách tài tình nhiều giá trị văn hoá bản địa. Bà Thu Bồn là hình ảnh điển hình cho tục thờ nữ thần trên dải đất miền Trung, địa bàn vốn diễn ra quá trình giao thoa, biến dưỡng văn hoá rất mạnh mẽ.