Nguyễn Trương Quý
Kiến trúc truyền thống Việt Nam liên quan đến nếp sống nương vào tự nhiên với hoạt động nông nghiệp trồng lúa nước làm chủ đạo.
Người Việt không có những công trình kiến trúc truyền thống kỳ vĩ, nhưng để lại một kiểu không gian sống có tính thích nghi cao độ với những điều kiện tự nhiên và tập quán sinh hoạt. Dù có sự pha trộn qua nhiều thời kỳ nhưng vẫn có thể gọi ra một kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Thuộc về cấu trúc của các nền văn minh, không gian sống là cái vỏ cho những sinh hoạt thường nhật và cao hơn thế là những hành vi văn hóa của cộng đồng, tạo ra bản sắc cho mỗi vùng đất. Vì vậy khi nhìn vào kiến trúc, người ta có thể thấy được lịch sử của cả một cộng đồng hay đất nước. Ở Việt Nam, kiến trúc truyền thống vốn đa dạng khi có nhiều dân tộc chung sống, song nhìn chung đều liên quan đến nếp sống nương vào tự nhiên với hoạt động nông nghiệp trồng lúa nước làm chủ đạo.
Một thế nhà tựa vào trời đất
Trước tiên, các công trình của người Việt nhất thiết nương theo địa hình, ở gò đồi hay cạnh sông suối, đều chọn vị trí phù hợp với hoạt động sống của gia đình hay cộng đồng. Khúc quanh của một con sông được ví như bụng một con rồng thiêng, một ngọn núi như một bình phong vững chắc, hay một mặt hồ tựa như con mắt thần của thượng đế, mỗi địa thế gắn với một khả năng nhìn ra sự thích ứng hài hòa của con người.
Mặc dù có sự phân chia công năng nhất định giữa các loại công trình như nhà ở kiểu ba gian hai chái hay ngôi nhà công cộng như đình làng kiểu tòa đại bái năm gian, bảy gian, thậm chí chín gian, hoặc những đền đài lăng tẩm cung đình, cơ bản lối kết cấu khung nhà của người Việt là hệ cột – xà – kẻ chịu lực bằng gỗ, có tường gạch làm chức năng bao che và đa phần chỉ có một tầng với bộ mái rất lớn. Hệ cột chịu lực thường có hàng cột cái, cột quân và có khi có thêm cột hiên, tất cả đều theo cặp số chẵn. Bố cục mặt bằng cũng tuân theo hình thức chạy ngang và các thành phần đối xứng qua một trục ở gian giữa. Sự khác biệt thường nằm ở quy mô mặt bằng phát triển thêm nhiều lớp nhà, từ chữ nhất sinh ra dạng chữ tam (三), chữ công (工) hay có thêm “tòa ngang dãy dọc” để thành nội công ngoại quốc (国). Sau đó là sự khác biệt về chiều cao của hàng cột, cũng như khoảng không gian đệm giữa tòa nhà chính và phụ, giữa không gian mở cho các sinh hoạt chung và không gian kín cho thờ tự, buồng ngủ, giữa trong nhà và ngoài sân.
Những khoảng không gian chuyển tiếp hàm chứa một quan niệm về riêng – chung, đóng – mở, hợp với vũ trụ quan của người Việt khi không gian sống thích ứng với các điều kiện tự nhiên. Điểm nổi bật của những không gian chuyển tiếp là giúp cho cân bằng vi khí hậu trong và ngoài nhà.
Ở những vùng khí hậu phức tạp như nhiệt đới nóng ẩm gió mùa, vừa có mùa hè nóng vừa có mùa đông giá rét, thì các không gian như hàng hiên có các tấm giại hay liếp che, bên dưới một bộ mái đồ sộ sà xuống thấp sẽ giúp người trong nhà có một khoảng chuyển tiếp khi di chuyển ra sân trong điều kiện thời tiết không thuận. Hàng hiên và chái nhà vừa chắn mưa gió hay giúp tránh sốc nhiệt, vừa là nơi người nông dân đi làm đồng tạm nghỉ trước khi lên nhà chính, cũng là nơi có thể biến thành mâm cơm hay chỗ ngồi uống nước hóng mát chiều hè. Những ngôi đình hay đền chùa cũng tuân thủ nguyên tắc của những không gian đệm, hơn nữa, hàng hiên hay bậc thềm chuyển tiếp giúp tăng thêm sự bề thề và tôn kính dành cho công trình cộng đồng có chức năng tín ngưỡng. Những mặt ao hay hồ bán nguyệt trước các khu nhà đi cùng những cây cổ thụ như đa, đề, muỗm hay gạo hoàn chỉnh nên hệ thống không gian chuyển tiếp này, tạo ra những cặp hình ảnh đầy tính biểu tượng như “mái đình – cây đa” hay “cửa đình hồ bán nguyệt”, gói ghém cả hồn vía phong tục trong mình.
Những không gian đệm ý nhị
Những không gian chuyển tiếp như hàng hiên, cửa vào, bậc thềm… chính là nơi phô diễn những tài năng chạm khắc trên gỗ hay đá của người nghệ nhân xưa. Các bức chạm khắc ở cốn, kẻ chuyền, bảy hiên (những thành phần kiến trúc phô bày dưới mái), những linh vật ở lối vào, kết hợp hiệu ứng ánh sáng gián tiếp toát lên vẻ đẹp mộc mạc, huyền ảo.
Hồn nâu thô mộc
Ấn tượng dễ nhận ra nhất về kiến trúc truyền thống Việt khi đặt cạnh các nền kiến trúc láng giềng chính là màu sắc. Trong khi các vùng kiến trúc xung quanh lựa chọn phong phú bảng màu để tạo nên nhận diện đặc trưng như “chùa Vàng” ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, các ngôi đền khảm các vật liệu lấp lánh hay các màu rực rỡ được sơn phủ cầu kỳ của các quốc gia phương Bắc, thì các công trình tín ngưỡng truyền thống và cả nhà dân Việt Nam dành phần rực rỡ cho riêng nội thất khu vực thờ cúng với cặp màu vàng – son chủ đạo. Trừ những cung điện ở Đại Nội (Huế) còn cho thấy màu sắc của mái ngói và nghệ thuật pháp lam (tranh khảm sứ trên tường) hay một số công trình kiến trúc ảnh hưởng ngoại lai, trên toàn thể không gian truyền thống, sắc nâu chủ đạo của màu ngói và hệ khung gỗ để mộc đã trở thành một phần của khung cảnh đi vào ký ức người Việt.
Sắc nâu của những ngôi nhà truyền thống khi nằm trong tổng thể những màu xanh của cây cối, ruộng vườn, tạo ra một hòa sắc mang triết lý cộng sinh với tự nhiên. Kiến trúc lúc này không trấn áp hay chế ngự thiên nhiên mà trở thành một phần của thiên nhiên, tạo ra một cái vỏ hữu cơ giúp cho đời sống người Việt ổn định suốt cả nghìn năm.
Trên bình diện cân bằng ấy, những đường nét của mái đao cong vút hay trụ biểu nghi môn hoặc lầu tháp tạo ra những điểm nhấn duyên dáng. Một ngọn tháp trên ngọn núi đá vôi soi bóng xuống dòng sông được ví như chiếc trâm ngọc cài vào mái tóc tiên nữ, một mái đình hùng vĩ cố kết cảm thức cộng đồng làng xã. Người xa xứ khi trở về nhìn thấy bóng nâu sừng sừng của mái đình như con thuyền trên mặt ruộng xanh biếc hay con sông đục phù sa, họ ghi nhận một biểu tượng quê hương xứ sở. Ngày nay những biểu tượng ấy đứng trước sự phôi phai, nhưng trong tâm trí người Việt chúng vẫn còn truyền lại.