Bài: Trân Huyền
Ảnh: Hoàng Hải, Diệp Bảo Tân
Bài chòi là trò chơi phổ biến ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, thường diễn ra trong dịp đầu năm. Mỗi nơi có một lối chơi bài chòi riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa từng vùng. Người ta chơi bài chòi không phải vì say mê thú đỏ đen, mà để thử vận hên xui trong năm mới, để được đắm mình trong không khí rộn ràng từ những câu hò dí dỏm, những tiếng cười sảng khoái, cùng niềm hy vọng thắng cuộc mà trò vui này mang lại.
Trò chơi bài chòi sử dụng 28 trong 30 cặp bài của bộ bài tới. Bộ bài tới gồm 3 pho: văn, vạn, sách và 3 cặp bài yêu. Pho văn có các con bài: gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn có các con bài: học trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy. Pho sách có các con bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Các cặp bài yêu gồm: ông ầm, thái tử, bạch tuyết. Khi chơi bài chòi, 2 cặp bài nọc đượng và bạch tuyết không được sử dụng.
Các con bài được in theo kiểu tranh mộc bản trên những mảnh giấy dài 12 cm, rộng 3 cm, rồi dán lên mảnh bìa cứng màu đỏ hoặc màu xanh cùng kích thước. Tên gọi và hình vẽ trên các con bài rất kỳ bí, lạ lùng; vừa mang dấu ấn của bùa chú, vừa ảnh hưởng bởi văn hóa Champa, vừa pha trộn những kiểu thức trang trí của các sắc tộc thiểu số trên dải Trường Sơn.
Xuân về, trên sân đình hay ở nơi họp chợ của làng quê, người ta dựng 11 cái chòi bằng tranh tre. Ở giữa là chòi trung ương dành cho ban tổ chức cuộc chơi. Hai bên dựng 10 cái chòi nhỏ, là nơi người chơi ngồi dự cuộc bài chòi.
Anh hiệu buông dùi trống, đem 10 lá cờ ngân, mỗi lá tượng trưng cho giá trị của một lần tiền đặt cược trong cuộc bài chòi, đi bán cho người chơi. Tiếp đến, hai người trong ban tổ chức mang một ống tre đựng các con bài đến từng chòi, mời người chơi chọn 5 con bài bất kỳ. Các con bài tới bằng giấy nay được dán vào những chiếc thẻ bằng tre có phần trên to và dẹp, phần dưới nhỏ và tròn. Mỗi chòi, kể cả chòi trung ương, đều được nhận 5 con bài. Con bài thứ 56 được anh hiệu dùng để đi chợ, tức là con bài được xướng lên để mở đầu cuộc chơi.
Phát bài xong, anh hiệu mở lời rao: “Hai bên lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ, là con…”. Anh ta xướng tên con bài đi chợ bằng tiếng hò ngân dài, xen lẫn trong tiếng trống, tiếng đàn rộn rã. Người chơi nào trên tay mình có con bài giống với con bài anh hiệu vừa rao, thì hô to tên nó lên, rồi rút kèm với một con bài khác, đưa cho anh hiệu. Anh hiệu tiếp nhận 2 con bài, bỏ con bài đi chợ vào cái ống tre treo trước chòi trung ương, rồi xướng tên con bài mới bằng một câu hò khác.
Trò chơi cứ thế tiếp diễn. Những câu hò ứng với tên của từng con bài lần lượt vang lên. Cho đến khi có người chơi gõ lên cái mõ tre treo cạnh chòi của mình và hô lớn: “Tới rồi! Tới rồi!”, thông báo con bài anh hiệu vừa hò trùng với con bài cuối cùng có trên tay mình, thì đó là người thắng cuộc, ván bài kết thúc.
Anh hiệu vội vã mang đến cho người thắng cuộc một lá cờ ngân, giắt lên mái chòi, để cho nó bay phần phật trong làn gió xuân ấm áp, rồi bắt đầu ván khác.
Có 11 lá cờ ngân được bán ra trong một cuộc chơi bài chòi, nhưng người ta chỉ chơi 10 ván bài thì dừng. Lá cờ ngân thứ 11 là phần lãi của ban tổ chức. Kết thúc cuộc chơi, các tay chơi mang những lá cờ ngân đoạt được đến chòi trung ương để đổi thành tiền. Một cuộc bài chòi thắng được một lá cờ ngân là hòa vốn; được hai, ba cờ trở lên coi như vận đỏ đầu năm đã gõ cửa.
Vì thế, nên mỗi khi mở hội bài chòi, tiếng cười, tiếng nhạc, tiếng trống… vọng đến tận thôn cùng ngõ hẻm, đủ sức hấp dẫn nam phụ lão ấu tìm đến vui chơi.