Thái A
Tuy không chính thức được tôn lên thành “hương đạo” như bên Nhật Bản nhưng từ xưa, nghi thức xông trầm đã tồn tại trong các tầng lớp quý tộc, quan lại của Việt Nam khi thực hiện các nghi thức mang tính tôn nghiêm. Trầm là vật phẩm có giá trị rất cao trong đời sống và khói trầm lan tỏa mang lại cảm giác thanh tịnh, quý phái mà không có bất kỳ vật liệu nào so sánh được. Trong dân gian từ nghìn xưa từng tồn tại những truyền thuyết về trầm, trong đó chuyện Ngậm ngải tìm trầm là một trong những câu chuyện mang tính huyền bí và kỳ thú nhất. Các sách cổ của Việt Nam và Trung Hoa xưa luôn dành cho trầm những đánh giá rất cao, điển hình là các tác phẩm Việt điện U linh; Thanh hội điển; Đồ Kinh hay An nam chí lược. Trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn đã miêu tả rất kỹ về trầm với công dụng chữa các chứng bệnh trúng phong, cấm khẩu, đau bụng tức thì… Còn trong cuốn sách nổi tiếng Rừng người Thượng của tác giả Henri Maitre, trầm được miêu tả như sau: “Các tác giả xưa, các sử gia và các nhà văn Ả-rập, các nhà du hành Hindu, Ba Tư, châu Âu đều nhất trí ca ngợi sự quý hiếm và giá trị của loại gỗ quý nhất trong tất cả các loài cây này”. Xưa kia, trầm được coi là quý ngang với sừng tê, đồi mồi, ngà voi, các sản vật trân quý của đất nước. Chính vì sự quý giá đó mà hình của cây Dó bầu đã được triều Nguyễn cho thể hiện cùng với hình của các vật báu khác trên Cửu đỉnh, 9 chiếc đỉnh thể hiện cho quyền lực của triều đình, cũng là vật thiêng của quốc gia khi đó.
Trầm được hình thành từ những vết thương trên thân cây Dó bầu, như dông bão hoặc sâu kiến đục thân, khi đó cây sẽ tự tiết ra chất nhựa để bao bọc và chữa lành thân cây. Chất nhựa đó tỏa ra mùi thơm đặc biệt, và cũng chỉ những cây Dó bầu sinh trưởng trên vùng núi các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quy Nhơn mới có chất lượng trầm hương hoàn hảo. So sánh với các quốc gia xung quanh, trầm Việt Nam được đánh giá cao nhất, hơn hẳn sản phẩm khai thác từ Indonesia hay Phillipines. Xưa kia, để tìm trầm, thợ sơn tràng phải kết thành đoàn, mang vật dụng, gạo mắm đi những chuyến xuyên rừng vượt núi đôi khi tới vài tháng mới về. Giao tính mạng cho sự phù hộ của thần rừng, phải đối mặt với mọi hiểm nguy, tìm trầm là một trong những nghề gian khó nhất. Ngày nay, nhờ sự phát triển của kỹ thuật mà cây Dó bầu đã được trồng theo quy mô lớn, trầm khai thác dễ dàng hơn và dần quen thuộc hơn với con người, tất nhiên, chất lượng vẫn không thể sánh với trầm hình thành tự nhiên.
Từ đó mà đang dần hình thành một thú chơi tao nhã trong cộng đồng, đó chính là chơi trầm. Những chuỗi hạt gỗ trầm đeo tay, tượng Phật… rất được những người yêu văn hóa cổ hâm mộ bởi tính độc đáo và mùi hương dịu nhẹ của chúng. Song đẳng cấp và cầu kỳ hơn phải nói tới thú xông trầm trong những cuộc thưởng trà, bình văn, viết thư pháp hoặc nghe nhạc giữa những người có cùng sở thích. Có nhiều cách để xông trầm, đơn giản nhất là đốt những miếng trầm nhỏ trong lư, đỉnh đồng, cầu kỳ hơn là đốt bột trầm đã xay nhuyễn. Với bộ dụng cụ chuyên biệt, bột trầm sẽ được tạo hình bằng cách nén trên khuôn có hoa văn, thường là hoa văn chữ Thọ hoặc hình hoa sen với nền là bột sa khoáng trắng. Khi nhấc khuôn ra, chữ Thọ, hình hoa sẽ nổi bật trên nền trắng tạo ấn tượng về một nghi thức đầy trang trọng.