Bài: Xuân Lộc
Ảnh: Xuân Lộc, Shutterstock
Doanh nghiệp dệt may Việt đối diện nguy cơ mất khách hàng do những đòi hỏi về thời trang xanh và sản xuất bền vững của các “đại gia” thời trang thế giới.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc với kim ngạch năm 2021 đạt 40 tỉ đô la Mỹ. Với hơn 6.000 nhà máy, ngành dệt may đang tạo ra khoảng gần 3 triệu việc làm, đóng góp quan trọng không chỉ về kinh tế mà cả về mặt xã hội. Nhưng những đóng góp ấy đang gặp thách thức khi Uniqlo, Zara, H&M, Puma, Nike… và hàng trăm nhãn hàng thời trang quốc tế cam kết sản xuất bền vững và có trách nhiệm xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng xanh đang ngày một tăng trên thế giới.
Thực tế, dù có kim ngạch xuất khẩu cao, các doanh nghiệp Việt chủ yếu làm gia công hay sản xuất theo đơn đặt hàng của các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Chính vì vậy, cam kết của hàng trăm hãng thời trang cũng đồng nghĩa là các doanh nghiệp thời trang Việt sẽ phải thay đổi phương thức sản xuất để phù hợp với các cam kết của họ, nếu muốn giữ đơn hàng.
Cam kết Xanh
Trong Tuần lễ Cảm ơn của Uniqlo ở Việt Nam từ ngày 10 đến 16 tháng 6 năm nay, thương hiệu Nhật Bản tặng người tham dự một túi vải đặc biệt với hình ảnh Doraemon xanh lá – đại sứ toàn cầu về phát triển bền vững của họ. Chiếc túi được sản xuất từ 100% polyester tái chế, tương đương với khoảng 2,5 chai nhựa đã qua sử dụng, qua đó giúp cắt giảm lượng khí thải CO2 chỉ còn khoảng 1/3 lượng khí thải được tạo ra từ túi nhựa thông thường.
Hành động này khẳng định cam kết lâu dài của Uniqlo là mang đến những đóng góp tích cực cho xã hội Việt Nam, song hành cùng định hướng thúc đẩy phát triển bền vững của công ty mẹ – tập đoàn Fast Retailing. Fast Retailing cho biết, họ sẽ chú trọng hơn đến môi trường trong toàn bộ quy trình từ sản xuất đến vận chuyển, phân phối hàng bán; cắt giảm tối đa phát thải gây hiệu ứng nhà kính, qua đó hướng đến việc thiết lập một quy trình sản xuất ít tác động hơn đến môi trường. Với định hướng này, tập đoàn sẽ công khai danh sách tất cả các đối tác nhà máy của họ trên toàn thế giới phải tuân thủ yêu cầu này. Hiện Việt Nam là cơ sở sản xuất lớn thứ 2 trên thế giới của Fast Retailing và có 45 nhà máy may mặc là đối tác cung ứng của Uniqlo cho thị trường trong nước và quốc tế.
Cũng theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, H&M (Thụy Điển) cân nhắc thận trọng từ nguyên liệu đến thiết kế và sản xuất để mỗi sản phẩm đảm bảo được tần suất tái sử dụng tối đa và có thể chế tạo lại. H&M làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất cấp một để giúp họ xây dựng chương trình sử dụng nguyên liệu và tài nguyên một cách hiệu quả nhất có thể. Hãng hỗ trợ các nhà máy hoạch định, xây dựng và phát triển các chương trình như: sử dụng và tiết kiệm nước, năng lượng hiệu quả; tăng cường chuyển đổi sử dụng năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch hoặc tái tạo; quản lý hóa chất, nước thải… Trong năm 2021, H&M có khoảng 20% nhà máy sản xuất lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Mục tiêu của hãng là đạt được mức trung hòa carbon (zero carbon) vào năm 2040 và giảm lượng khí thải tuyệt đối xuống 56% vào năm 2030.
Theo James Phillips, Tổng giám đốc Công ty may mặc TAL Việt Nam, hiện đã có hơn 250 nhãn hàng may mặc trên thế giới đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm môi trường với các nhà cung cấp. Theo đó, nhà máy của doanh nghiệp sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường; doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Nỗi lo doanh nghiệp Việt
Trước mục tiêu “xanh hóa” trong sản xuất và bảo vệ môi trường của các nhãn hàng thời trang thế giới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã liên tục tổ chức các cuộc hội thảo về sản xuất bền vững, nhằm truyền tải thông điệp tới các doanh nghiệp hội viên và tìm ra các giải pháp phát triển bền vững hơn.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hầu hết các nhãn hàng thời trang của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu … hay thậm chí là Trung Quốc hiện đều đòi hỏi khắt khe hơn về sản phẩm may mặc. Họ yêu cầu đơn vị sản xuất phải tiết kiệm nguồn nước, không chấp nhận việc sử dụng than làm khí đốt vì ảnh hưởng môi trường.
Các đối tác cũng yêu cầu người bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp sản xuất muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải tự đổi mới mình, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các yếu tố phát triển xanh.
“Xanh hóa” ngành dệt may không phải vấn đề mới được nhắc đến. Yêu cầu về “sản xuất xanh” đã được đề cập và thực hiện từ lâu nhưng càng trở nên cấp bách hơn từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt mới đây, Chính phủ cam kết sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP26; điều này càng thúc đẩy ngành dệt may phải đẩy nhanh quá trình xanh hóa.
Để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư chuyển đổi hệ thống máy móc, dây chuyền hoạt động nhằm tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng mặt trời… Về nguyên liệu, họ tìm đến những đơn vị cung ứng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 28 (Agtex 28), cho biết từ năm 2021, Agtex 28 tập trung ngân sách rất lớn cho đầu tư các thiết bị thay thế cho nhân công, thiết bị tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn nguồn nước. Còn Dệt may Thành Công (TCM), cho biết công ty tuân thủ các quy định về môi trường, xả thải, vấn đề xã hội, con người… Gần đây, công ty còn triển khai lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời để tiết kiệm năng lượng.
“Xanh hóa là xu hướng bắt buộc các nhà sản xuất tại Việt Nam phải thực hiện nếu muốn phát triển bền vững. Gần đây, rất nhiều khách hàng yêu cầu vấn đề này, đặc biệt là khách Mỹ, châu Âu; doanh nghiệp nào không đáp ứng thì họ không đặt hàng”, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Công ty Dệt may Thành Công cho biết.
Thực tế, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” sản xuất. Đây là những tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc doanh nghiệp phải cải tiến và tuân thủ.
Bà Tiên Lê, quản lý cấp cao hoạt động phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của VF, doanh nghiệp sở hữu nhiều nhãn hàng thời trang trên thế giới, cho biết: “Những nhà máy dệt may sản xuất xanh hoặc ngày càng cải thiện sản xuất bền vững hơn sẽ được VF ưu tiên ký những đơn hàng lớn, lâu dài”.
Chuyển sang sản xuất xanh là một bài toán nan giải, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đòi hỏi phải có nguồn tài chính dồi dào cho đầu tư mới vào thiết bị, cơ sở hạ tầng, nguồn năng lượng tái tạo và nhân sự triển khai. Những điều này sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên không nhỏ và vì thế lại làm giảm tính cạnh của sản xuất dệt may ở Việt Nam.