Ngô Quang Minh

Mark Twain có lẽ đã không phóng đại khi ngợi ca “Ấn Độ là cái nôi của loài người”.  Hẳn ông đã bị cuốn hút bởi nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng, kiến trúc và trong đời sống luôn đầy ắp sắc màu của đất nước này. Bên cạnh những thành phố náo nhiệt, ồn ào và oi ả, lại có những vùng đất trầm lắng, thanh bình hơn. Một trong số đó là thành phố lãng mạn Udaipur, bang Rajasthan, được mệnh danh là “thành phố Hồ” (City of Lakes) hay “Venice của Ấn Độ”.

Quần thể Bảo tàng Cung điện thành phố soi bóng bên hồ Pichola

Udaipur nằm dưới chân núi Aravalli, được xây dựng từ cách đây gần 470 năm, cũng là thủ đô cuối cùng của triều đại Mewar, một trong những triều đại lâu đời bậc nhất ở Ấn Độ. Vương quốc Mewar thành lập năm 728, tồn tại như một nhà nước Hindu giáo độc lập cho đến giai đoạn 1949 trước khi sáp nhập vào liên minh Ấn Độ. Hoàng gia Mewar sau đó đã khéo léo biến kinh đô cũ của mình thành khu phức hợp Cung điện – Bảo tàng – Khách sạn thành phố Udaipur, vừa để gìn giữ thành quả hoàng tộc qua bao đời lại góp phần phát triển du lịch di sản toàn vùng. Chính cách thức độc đáo này đã biến Udaipur thành địa điểm dừng chân nức tiếng thu hút du khách bởi các khu nghỉ dưỡng nằm gọn trong khách sạn hoàng gia bên hồ lịch lãm, xa hoa.

Bảo tàng Cung điện thành phố

Trước tiên và ấn tượng nhất chính là Bảo tàng Cung điện Thành phố (City Palace) nằm phía đông hồ Pichola trong xanh, cũng là hồ nước lớn nhất trong 5 hồ của Udaipur. Quần thể đồ sộ này soi bóng bên gương hồ phẳng lặng càng nổi bật kiến trúc tổng hòa của phong cách Mughal đặc trưng (phong cách kiến trúc pha trộn phong cách Hồi giáo, Ba Tư và Ấn Độ) lai châu Âu thời trung cổ. Qua lớp mặt tiền cao lớn đồ sộ hơn 30m là không gian cung điện bên trong với 11 tòa nhà ngày nay đã được biến thành các khu trưng bày tham quan như: cung điện Hồng Ngọc (Manak Mahal), cung điện Ngọc Trai (Moti Mahal) hay cung điện Gương (Sheesh Mahal). Mỗi căn phòng trong các cung này được bài trí và tô màu họa tiết khác nhau khiến người ta như “lạc lối” giữa những bảo tàng sắc màu. Các cung điện của City Palace dịu dàng ôm lấy vườn treo Amar Vilas rộng lớn với điểm nhấn là không gian mở, thoáng đãng xanh mát cùng vòi phun nước lãng mạn và các hàng cột đá cẩm thạch rực hồng trong nắng. Bên cạnh việc trưng bày các vật phẩm hoàng gia, du khách còn được tận mắt ngắm nhìn nghệ thuật dân gian của vùng đất này thông qua các bức tranh khảm đầy sắc màu cỡ lớn trong City Palace. Udaipur còn nổi tiếng về nghệ thuật vẽ tranh tiểu họa với chi tiết tinh xảo trên giấy, ngà voi, xương lạc đà. Được biết để đạt được độ tỷ mỉ, nét bút thường được lấy từ lông đuôi sóc hoặc lông mi lạc đà. Còn màu sắc sử dụng thì lấy từ bột đá tự nhiên. Chủ đề tranh đa dạng, có thể về các trận chiến cổ xưa, các vị thần của đạo Hindu, hay phong cảnh biểu trưng của các thành phố thuộc bang Rajasthan.

Sân Công bên trong Bảo tàng Cung điện thành phố

Hoàng cung lung linh, vương giả là vậy, nhưng khi bước chân ra đường phố, du khách sẽ bắt gặp cuộc sống thường nhật không kém phần sinh động, tươi vui. Màu sắc chủ đạo của toàn Udaipur là màu trắng, khiến cho thành phố này còn có một danh xưng khác là “thành phố Trắng” (White City); cùng tề danh với các nơi sắc màu khác trên bản đồ du lịch Ấn Độ như: thành phố Hồng (Pink City) Jaipur, thành phố Lam (Blue City) Jodhpur, thành phố Cam (Orange City) Nagpur, thành phố Bạc (Silver City) Cuttack, thành phố Vàng (Golden City) Amritsar.

Lối ngõ của Udaipur sạch sẽ thanh lịch. Ngoài các cửa chính có tông màu nổi bật thì trên các bức tường trắng đều được trang trí bằng hình vẽ sinh động. Khuôn viên nhà riêng do chịu nhiều ảnh hưởng của lối thiết kế cung điện triều đại Mewar nên cũng có các khoảng sân lớn chính giữa, cầu thang dẫn lên nhiều phòng và sảnh khác nhau.

Vòm cổng tinh xảo của Sas Bahu

Udaipur không có quá nhiều các ngôi đền như những thành phố khác, nhưng nếu bạn là tín đồ của kiến trúc tâm linh thì nên ghé thăm ngôi đền Sas Bahu cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Đền được xây dựng từ thế kỷ 11, đại diện tiêu biểu của kiến trúc trung cổ mang tính hùng mạnh nhưng không kém phần tinh tế của Ấn Độ. Khác với nhiều công trình ở Bắc Ấn thường bị thời gian vùi lấp và chính con người xâm hại qua mỗi lần thay triều cải đạo, khu vực này qua nghìn mùa hè nắng cháy vẫn được bảo tồn tốt, thể hiện ở các gian điện được giữ nguyên vẹn từng đường nét của vòm cửa, mái đền, cột chống. Sas Bahu được xây để vinh danh thần Vishnu, khuôn viên đền có 2 gian điện lớn và các đền thờ nhỏ. Trong bóng chiều đang tắt, tinh ý có thể nhận các phù điêu tinh xảo nơi đây có nhiều nét tương đồng với văn hóa Cham Pa ở Angkor (Siem Reap, Campuchia) hay Tháp Chàm (Ninh Thuận, Việt Nam). Ta như thấy sức sống của mạch nguồn văn hóa qua nghìn năm vẫn đang trôi chảy và hơi thở tôn giáo giao thoa thật mạnh mẽ bất chấp cách biệt về địa lý.

vẫn nguyên vẹn theo thời gian Những họa tiết trang trí nổi bật trên nền tường trắng là đặc trưng của Udaipur

Nếu ai đã từng nghĩ đến Ấn Độ là những nơi ồn ào náo nhiệt như Delhi, hiện đại sôi động như Mumbai, cổ xưa cũ kỹ như Varanasi hay tê lạnh hùng vỹ như Ladakh thì thanh bình, tinh khiết lại nhiều di sản văn hóa nằm trọn vẹn giữa núi đồi và hồ nước ở “Thành phố Trắng” Udaipur. Điều ấy đã chấm thêm một điểm nhấn đáng nhớ giữa lòng quốc gia sở hữu nhiều giá trị “xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, và cũ hơn cả huyền thoại” (Mark Twain).