Bài & Ảnh: Nick M

Đối với người Việt, Tết âm lịch vẫn là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đó là thời điểm đánh dấu cho những cột mốc mới của thời gian để sau đó nhìn lại, mọi sự bắt đầu trong một năm đều sẽ tính từ Tết Nguyên đán. Tết đến, xuân về cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi về văn hóa, thói quen theo từng năm.

Phương tiện di chuyển
Trong thời bao cấp và thời kỳ bước sang đổi mới, xe đạp và xích lô vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Việt trong những ngày Tết. Tết Hà Nội, trong không khí lạnh thấu xương, người người, nhà nhà diện những bộ quần áo mới dày cộp để chống lại cái rét và ngồi trên xích lô, hay đi xe đạp qua thăm nhà nhau. Trước năm 1990, trên đường phố Hà Nội còn có tiếng leng keng của những chiếc tàu điện. Tết đến, xuân về, leo lên tàu điện đi ra Hồ Gươm chụp ảnh, du xuân là cảm giác háo hức mà ai nấy đều mong chờ.

Những ngày giáp Tết, các bến tàu hỏa Nam – Bắc đông đúc người qua kẻ lại, mỗi người cầm trên tay một cành đào hay cành mai để đi chuyến tàu kéo dài thậm chí từ 2 đến 3 ngày để về kịp đón Tết bên gia đình.

Ngày nay, Tết không còn lạnh như xưa mà thường là không khí nắng ấm ở mọi miền đất nước. Các đô thị lớn đã trở nên sầm uất hơn và đôi khi vào dịp Tết, trên đường phố sẽ là những hàng xe nối đuôi nhau, tạo nên không khí náo nhiệt trong ngày xuân trẩy hội. Sát Tết, các chuyến bay được tăng cường liên tục trong ngày để đưa những người con xa quê trở về nhà sum họp nhanh nhất.

Pháo
Với mỗi đứa trẻ từng sống qua thời kỳ thập niên 80s và 90s ở Việt Nam, tiếng pháo vẫn là một ký ức khó có thể phai nhòa. Pháo ngày xưa là pháo dây với tiếng nổ giòn giã rất vui tai. Trẻ con thời đó chỉ đến đêm 30 mới được thức khuya qua 12 giờ để đón giao thừa, để nghe tiếng pháo tưng bừng khắp nơi báo hiệu xuân về và hít hà mùi pháo. Sáng mùng Một, đứa trẻ nào cũng thích thú diện quần áo mới, bước đi bên hiên nhà ngập tràn xác pháo hồng hồng, tím tím để chờ được bố mẹ đưa đi chúc Tết.

Ngày nay, tiếng pháo quen thuộc năm xưa được thay thế bằng những màn pháo hoa đẹp mắt trong khoảnh khắc giao thừa chuyển giao sang năm mới. Đường phố đêm 30 sẽ tràn ngập người đi du xuân, đi ngắm pháo hoa và lễ chùa. Không khí ấm áp lan tỏa khắp nơi và chỉ cần nghe thấy tiếng pháo hoa trên bầu trời, người ta sẽ biết được năm mới đã sang.

Món ăn
Về cơ bản, mâm cơm ngày Tết xưa và nay không khác nhau, bao gồm bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, nem rán, thịt gà, canh măng, giò lụa, xôi gấc. Đây là những món ăn truyền thống nhất định phải có của người Việt, tạo nên mâm cỗ thịnh soạn nhiều màu sắc và ấm no cho năm mới. Truyền thống của cả gia đình là sẽ cùng nhau ngồi gói bánh chưng và thức đêm để luộc bánh. Đến nay, phong tục này vẫn được lưu giữ trong nhiều gia đình Việt Nam ở cả ba miền.

Làm việc vất vả cả năm, ăn uống dè xẻn để dành cho đến Tết được một bữa cơm thịnh soạn, đó là cảm giác của rất nhiều người Việt từng đi qua thời bao cấp thiếu thốn. Ngày nay, khi cuộc sống phát triển và đầy đủ hơn, các món ăn truyền thống vẫn là một phần không thể thiếu của mâm cơm giao thừa hay mùng Một. Tuy nhiên, khi ăn hai đến ba bữa cơm truyền thống với các món nhiều dầu mỡ, nhiều người bắt đầu tìm đến những món thanh mát hơn như bún ốc, bún riêu hay phở để đỡ bị ngấy.

Âm nhạc & chương trình truyền hình
Cách đây hơn 20 năm, chiếc đài cassette cũ kỹ trong nhiều ngôi nhà sẽ luôn phát ra giai điệu bản nhạc “Happy New Year” của nhóm nhạc huyền thoại người Thụy Điển – ABBA. Nhạc phẩm này dù ý nghĩa thực sự là mang không khí ảm đạm, buồn bã của ngày đầu năm mới nhưng với người dân Việt Nam, nó vẫn ăn sâu vào tiềm thức là giai điệu quen thuộc ngày Tết.

Tới thập niên 2000, chương trình “Táo quân – Gặp nhau cuối năm” phát sóng vào tám giờ tối 30 Tết là một nét văn hóa của Tết hiện đại khi kể những câu chuyện trào phúng về các sự kiện xã hội, đời sống trong nước một năm qua.

Ngày nay, những chiếc đài cassette đã được thay thế bằng loa Bluetooth hiện đại điều khiển bằng điện thoại Smartphone. “Happy New Year” của ABBA cũng không còn được nghe nhiều như trước nữa mà được thay bằng các ca khúc sôi động, trẻ trung hơn về ngày Tết hoặc những bản nhạc xuân xưa cũ được phối khí lại mang không khí rộn ràng. Chương trình Táo quân cũng đã kết thúc sau 16 năm và được thay thế bằng một “Gặp nhau cuối năm” phiên bản mới bắt đầu từ năm 2020.

Thói quen
Chỉ trong 20 năm, sự phát triển của công nghệ đã đưa con người bước vào Thời đại 4.0. Nếu như ngày trước, sau Giao Thừa và xuyên suốt cả kỳ nghỉ Tết, chiếc điện thoại bàn của mỗi ngôi nhà sẽ rung chuông liên tục với những cuộc gọi chúc Tết, từ họ hàng, bạn bè hay thậm chí là từ nước ngoài gọi về.

 Ngày nay, ai nấy đều sử dụng mạng xã hội và sẽ chúc Tết nhau thông qua Facebook, Instagram… cập nhật những hình ảnh đón không khí Tết thông qua trang cá nhân và chia sẻ cảm xúc trực tiếp bằng những bình luận hay tương tác. Những người ở cách xa nửa vòng Trái Đất vẫn có thể gọi Facetime để nhìn thấy mặt nhau chúc Tết.

Trong một thời gian dài, nhiều quan niệm cho rằng cả kỳ nghỉ Tết vẫn chỉ nên ở nhà và đi thăm họ hàng, người thân. Nhưng thời nay, với tư duy cởi mở hơn, Tết Nguyên đán được coi là kỳ nghỉ dài nhất trong năm để tái tạo năng lượng. Nhiều gia đình đã có thói quen du xuân ở một nơi thật xa nhà, khi sau giao thừa hoặc mùng Một Tết, các thành viên lại cùng nhau lên đường ra sân bay đi du lịch, tận dụng từng khoảng thời gian của kỳ nghỉ để tìm cho mình nguồn cảm hứng mới cho một năm bận rộn phía trước. Đó có thể là cảm giác vui sướng khi ngồi trên máy bay nhìn qua ô cửa sổ ngắm mùa xuân đang về trên mọi nẻo đường và thấy tim mình rộn ràng vì sắp được đặt chân lên một vùng đất mới.

Sự thay đổi giữa Tết ngày xưa và Tết ngày nay là điều tất yếu của cuộc sống. Nhưng có một thứ của những ngày Tết sẽ mãi không thay đổi, đó là sự gắn kết của gia đình. Dù là ngày trước hay bây giờ, con người vẫn luôn cần một kỳ nghỉ để thoát ra khỏi guồng quay bận rộn của cuộc sống thường nhật, trở về nhà trong niềm hân hoan đón nhận những cái ôm, những nụ cười hạnh phúc và cùng nhau cung chúc Tân Xuân.