Bài: GS.TS. TRỊNH SINH
Ảnh: PHẠM DŨNG, KIM DUNG, KHÁNH PHAN

Trong tâm thức người Việt, Tết là lễ hội lớn nhất trong năm. “Tết” – nguyên là biến âm của chữ Tiết, gần với nghĩa là tiết trời, sự chuyển mùa từ đông sang xuân, dịp để vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Chuẩn bị cành đào trưng Tết

Sách An Nam chí lược (năm 1335) còn ghi phong tục đón Tết ở Thăng Long của vua quan nhà Trần khá rõ: “Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Dân gian thì mở cửa đốt pháo tre, cỗ bàn trà rượu cúng tổ. Ngày Nguyên Đán, vào khoảng canh 5, vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, các quan cận thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường Xuân, vọng bái các lăng tổ. Buổi sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, con cháu nhà vua và bề tôi sắp hàng bái hạ, 3 lần rót rượu dâng lên. Ngày mùng 2 Tết, các quan đều làm lễ riêng ở nhà. Ngày mùng 3 Tết, vua ngồi trên gác Đại Hưng, xem các tôn tử và các quan nội cung đánh quả bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng. Quả bóng lấy gấm mà làm, bằng nắm tay đứa bé, có tua đeo lòng thòng đến 20 sợi. Mùng 5 Tết, lễ khai hạ, ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu và du ngoạn các vườn hoa”.

Gói bánh chưng ở vùng quê Bắc Bộ

Trong tác phẩm “3 năm ở An Nam”, bà Gabrielle M. Vassal đã viết về Tết Việt ở Nha Trang vào những năm đầu thế kỷ 20: “Tết là ngày lễ lớn nhất. Người An Nam, ai cũng vui Tết. Để chuẩn bị Tết, họ tiến hành những công việc theo truyền thống như tảo mộ, quét dọn trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị tiền bạc, mua sắm vật dụng. Những ngày Tết diễn ra nhiều trò chơi dân gian như đua ghe câu, thi thuyền thúng, thi bơi lội, đua ngựa, chạy việt dã, đua xe kéo, thi múa hát của phụ nữ, xiếc thú, múa rồng, bắn pháo hoa và hát bội”.

Ấm áp quanh nồi bánh chưng

Đối với người Việt, Tết là khoảng thời gian thiêng liêng. Vì thế mà trước Tết luôn có sự chuyển cư vĩ đại của hàng triệu người, từ bốn phương trời về quê hương tụ họp. Người Việt xưa đã định hình Tết là phải có “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Có lẽ bánh chưng là thứ bánh thuần Việt nhất với sự tích Lang Liêu làm bánh chưng dâng lên vua Hùng. Giàu nghèo gì thì người Việt cũng phải làm mâm cỗ cúng Giao thừa, trước nhất là mời tổ tiên về “thưởng thức” những món ăn truyền thống, sau đó là để con cháu hưởng lộc.

Quá trình chuẩn bị Tết, thường là sau ngày làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên “chầu trời” (23 tháng Chạp), nhà nhà tất tả mua sắm thực phẩm, làm bánh, giã giò, làm mứt… Các hoạt động trang hoàng nhà cửa cũng được chú tâm như dựng cây nêu trước cửa, mua tranh dân gian, câu đối dán ở ban thờ, mặt tiền hay trong nhà. Người Việt cũng có tục mua hoa đào, hoa mai, hoa thủy tiên, cây quất… để bày Tết vừa đẹp vừa tỏ lòng mong muốn năm mới sẽ gặp nhiều may mắn. Dịp trước Tết cũng là dịp đòi nợ, trả nợ vì quan niệm không nên để nợ nần sang năm mới sẽ xui xẻo. Mùng 1 còn có tục lệ là kiêng quét nhà vì sợ quét đi cái “lộc” đầu xuân.

Thư pháp ngày xuân

Một trong những phong tục mang dấu ấn tâm linh được các gia đình chú trọng là chọn người “hợp tuổi” với chủ nhà để “xông đất” ngày đầu năm. Người “xông đất” là người đầu tiên bước chân vào ngôi nhà của gia chủ sau thời khắc giao thừa và được kì vọng sẽ đem theo điều may mắn, bình an. Tết còn là dịp để “mừng tuổi”, thường là một vài đồng tiền mới cho vào phong bao lì xì gửi tới ông bà, cha mẹ và những cháu nhỏ… Với những người có học hành, thì việc chọn ngày để “khai bút” đầu xuân mang ý nghĩa quan trọng nên thường được thực hiện ngay sau giao thừa. Tết là dịp dành cho những mối quan hệ quan trọng nhất nên mới có câu: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thày”. Tết xưa còn kéo dài sau 3 ngày đầu năm bằng các cuộc du xuân lễ chùa, tục xin ông đồ các chữ như Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh…

Xã hội hiện đại khiến cho nhiều hoạt động truyền thống vào dịp đầu năm mới bị giản lược đi nhiều. Tuy nhiên “Tết” vẫn luôn luôn là hằng số tâm thức của người Việt xưa và nay.