Hương Eva Do

Đi thăm chợ phiên ở các nơi là cái thú khám phá những nét văn hóa, dân sinh cộng đồng bản địa đặc trưng của vùng miền đó của các du khách.

Một góc chợ Rose Street, Melbourne

Không tính những khu chợ thông thường mở hàng ngày, trên toàn nước Úc có tầm hơn 300 chợ phiên được đăng ký mỗi năm và riêng bang Vicroria đã có ít nhất hơn 100. Mặc dù địa điểm cố định, song hầu hết những buổi họp chợ thường chỉ diễn ra trong một số ngày cố định trong tuần, nhiều nhất là dịp cuối tuần, hay thậm chí chỉ 1 hay 2 lần mỗi tháng, tạm gọi chung là chợ phiên cuối tuần. 

Đến với chợ phiên cuối tuần, người ta luôn có được sự mới mẻ, tò mò, thú vị bởi sự phong phú của hàng hóa và bất ngờ hiếm khi trùng lặp của từng địa phương. Nếu là chợ nông sản, đó sẽ là các mặt hàng tươi, lạ, mùa nào thức nấy do nông dân mang tới. Nếu là chợ nghệ thuật, sẽ là các sản phẩm sáng tạo độc đáo của nhiều nghệ sĩ địa phương. Chợ đồ cũ sẽ có những món đồ xinh xắn, nhiều đồ cổ hiếm gặp mà người mua thường săn để sưu tầm. Ngoài ra, trong chợ phiên thường có những quầy đồ ăn nóng sốt, bánh mì, bánh ngọt mới ra lò, thậm chí có nơi còn có cả nhạc sống. Bao trùm không khí ấy là sự chào hỏi thân mật, cởi mở của kẻ bán, người mua, và rất nhiều khách đi chợ. Người ta đi chợ cuối tuần để tìm chọn những món hàng độc lạ, lại có nhiều người tới chợ với tâm thái “ủng hộ” nông dân và người bán địa phương, để chung tay tạo đất sống giúp sản phẩm thủ công và doanh nghiệp nhỏ lẻ không bị những chuỗi cửa hàng thương hiệu lớn bóp chẹt. 

Nghệ nhân chế tác đồ

Mô hình tổ chức của những chợ phiên rất phong phú: có những chợ dựng khu quầy cố định nằm trong nhà kho lớn che chắn khỏi mưa nắng; có chợ hoàn toàn dựng bằng lều trên bãi cỏ, bãi đậu xe lớn, bên lề đường (và tùy mưa nắng mà có thể hủy phút chót); có chợ lại chỉ là drive-in, tức là các xe bán hàng chạy thẳng tới một bãi trống lớn và người bán sẽ bày đồ ra tại chỗ, thậm chí dựng lều bán luôn ở đuôi xe. Dù hình thức nào đi nữa, các chợ đây được coi như một “sự kiện cộng đồng” và là một hoạt động giúp gắn kết, phát triển các cộng đồng địa phương nhỏ. 

Để tham gia bán hàng ở chợ phiên, các chủ shop phải đăng ký với ban quản lý và đóng phí tham gia. Mỗi chợ có nguyên tắc riêng. Ví dụ chợ của giới nghệ sĩ thì các sản phẩm bán ra phải do nghệ sĩ trực tiếp làm, không chấp nhận việc mua đi bán lại đồ của người khác. Ban quản lý chợ cũng cố gắng tạo ra sự đa dạng, nên sẽ khuyến khích những mặt hàng độc đáo, và hạn chế những mặt hàng đã quá phổ biến. Chủ sạp chợ phiên không phải ai cũng bán thường xuyên, và không phải ai cũng chỉ chuyên một việc bán. Khá nhiều người trong số họ đến với cái duyên này một cách tình cờ, và rồi tiếp tục ở lại vì nhiều nguyên nhân.

Quầy khăn nghệ thuật Hanoi Original của chị Eva Thiên Hương (chợ Rose Street, Melbourne)

Ở chợ Rose Street Artist Market (Melbourne), Judy có nghề mua bán ngoại tệ đã 30 năm nay. Bà chọn may đồ và móc len như một thú vui cân bằng cuộc sống, và bán ở chợ mỗi cuối tuần. Cũng ở chợ đó, cặp chị em gái ở quầy bán nến thơm tâm sự rằng họ từng quản lý một nhãn hàng tinh dầu cả chục năm rồi nghỉ, tuy nhiên họ nhớ khách hàng và thích trò chuyện với mọi người nên tiếp tục đi chợ một tuần một lần. Kikuchi – một cô gái gốc Nhật sinh ra và lớn lên tại Úc, đặc biệt tâm huyết với dòng thủ công từ giấy Nhật (washi) và dùng nguyên liệu này để làm túi và hoa tai. Sản phẩm của cô là những chiếc túi giấy bồi Ikkanbari dùng nghệ thuật bồi giấy cổ xưa của Nhật. Trung bình Kikuchi mất một  tuần để làm một chiếc túi. Một người Úc gốc Việt khác, chị Eva Thiên Hương, với gốc hội họa và thiết kế UX, lại là chủ nhân của những chiếc khăn lụa in hai mặt và viền cuộn tay thủ công, mang theo những câu chuyện riêng của văn hóa Úc đan xen văn hóa Việt. Anh Michael Hutchins (chợ Eumundi, Queensland) mang tới chợ những chiếc đàn guitar điện làm từ hộp gỗ đựng xì gà do anh tự chế. Anh kể mình đã làm đàn guitar từ hộp gỗ đựng cigar hơn 15 năm nay, lấy cảm hứng chính là từ huyền thoại Jimmy Hendrix. Ông là một trong những tên tuổi lớn đã bắt đầu sự nghiệp bằng những chiếc đàn tự chế hết sức đơn giản, chỉ có vài dây, làm từ hộp cigar, người đã khiến cả thế giới biết tới “chiếc đàn ghi ta hộp cigar sau này.