Hữu Vy
Sư tử là loài thú khôn ngoan, mạnh mẽ và có uy lực thống trị thế giới động vật. Tiếng gầm của nó khiến muôn loài kinh hồn bạt vía. Từ lâu đời, trong tâm thức và văn hóa ở hầu khắp thế giới, sư tử đã được tôn xưng là Chúa sơn lâm, biểu trưng cho quyền lực và sức mạnh, kể cả ở những nơi không có sự hiện diện của chúng. Sư tử cũng là biểu tượng văn hóa quan trọng của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới.
Theo Phật thoại, sức mạnh của sư tử biểu trưng cho sức mạnh của Đức Phật. Lời thuyết pháp của Đức Phật được ví như tiếng gầm của sư tử, gọi là “Sư tử hống”. Chỗ ngồi của Đức Phật gọi là “Sư tử tọa”. Việt Nam vốn không phải là địa bàn sinh sống của sư tử. Bởi vậy hình tượng sư tử xuất hiện trong nghệ thuật Việt Nam cùng những niềm tin tâm linh về nó là do được truyền vào theo sự du nhập của Phật giáo, nhưng được tiếp biến phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Cũng như các nền văn hóa Á Đông khác, ở Việt Nam, sư tử còn có tên gọi khác là nghê (toan nghê). Nói cách khác, nghê là biệt danh của sư tử. Cả từ điển Trung Quốc và Việt Nam đều giải thích “Nghê tức là sư tử”. Tuy nhiên, trong văn hóa Trung Hoa, được gọi là sư tử khi là linh vật trấn giữ, canh gác; gọi là nghê khi là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát, đội lư hương hoặc ngồi trên nắp đỉnh trầm, dù đều trong hình tướng sư tử. Ở Việt Nam thì diễn biến phức tạp hơn nhiều. Sự phức tạp này cũng đã được linh mục L. Cardier khẳng định khi nghiên cứu về nghệ thuật Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Ông nói: “Ở Việt Nam, sư tử có hai hình tướng và được gọi bằng hai tên là sư tử và nghê”. Thực tế cho thấy, hình tượng sư tử/nghê trong nghệ thuật Việt Nam không hoàn toàn tả thực mà thể hiện tính ước lệ, cách điệu cao. Biểu cảm của chúng cũng vô cùng đa dạng và gần gũi: khi thì mạnh mẽ, phóng khoáng, lúc đường bệ, uy nghi, có lúc ngộ nghĩnh, vui tươi, tinh nghịch… Về hình tướng cơ bản có hai loại: hình sư tử (các chi tiết hình thể của sư tử) và sư tử chó (kết hợp đặc điểm đầu sư tử, thân chó). Trong đó, hình sư tử có ở mọi thời đại kể từ khi du nhập, trên nhiều loại hình nghệ thuật, di vật khác nhau. Hình sư tử chó xuất hiện muộn hơn, từ khoảng thời Lê sơ (thế kỷ 15), chủ yếu trên đồ thờ cúng, trong chạm khắc gỗ đình làng hoặc với tư cách là linh vật canh gác… Về tên gọi, thông thường, những linh vật tạo hình sư tử gọi là sư tử, những linh vật tạo hình sư tử chó thì gọi là nghê. Tuy nhiên, đối với hình sư tử chó, dân gian thường gọi là nghê, nhưng một số trường hợp, văn khắc cổ ghi chép về việc tạo tác này lại định danh là sư tử… Nhiều khi, những hình sư tử nhỏ trong trang trí kiến trúc, đồ thờ cúng, đồ dùng sinh hoạt… cũng gọi là nghê hoặc lân…
Hình tượng sư tử ở Việt Nam bắt đầu phổ biến từ thời Lý – Trần (thế kỷ 11 – 14), chủ yếu trong nghệ thuật Phật giáo. Từ cuối thời Trần, khi Nho giáo phát triển, sư tử được các triều đình phong kiến chọn làm biểu trưng cho sức mạnh vương quyền thì hình tượng sư tử/nghê xuất hiện dày đặc trên nhiều loại hình, chất liệu, vô cùng đa dạng về đặc điểm hình dáng và được gửi gắm nhiều ý nghĩa biểu tượng tốt đẹp khác nhau.
Trong nghệ thuật Phật giáo, hình tượng sư tử cũng thể hiện sự thống nhất chủ đề với các nền nghệ thuật Phật giáo khác trong khu vực. Theo đó, sư tử thường được tạc trong tư thế đội tòa sen bệ tượng Phật, là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát hoặc trấn giữ trước cửa chùa với ý nghĩa nhắc nhở chúng sinh giữ gìn sự trang nghiêm, tĩnh lặng nơi cửa Phật. Đối với Nho giáo, sư tử có tên trong danh sách những con vật biểu trưng cho các phẩm hàm quan lại cao cấp khác nhau. Quan phục và ấn tín của các chức quan này đều trang trí hình sư tử. Đặc biệt, dưới thời Lê sơ, sư tử xuất hiện dày đặc trong các đồ án trang trí gốm, thể hiện sự đặc sắc, tinh tế, đa dạng với nhiều mô típ biểu hiện cho cảnh đất nước thái bình thịnh trị như ngũ sư, tam sư, sư tử hí tiền, sư tử hí cầu…
Trong nghệ thuật kiến trúc, sư tử/nghê thường được tạc thành cặp đặt trên đầu hai trụ biểu, trước cổng, cửa cung điện, phủ đệ, đền miếu, lăng mộ… mang tính chất là linh vật trấn giữ, canh gác, bảo vệ. Thời Lý – Trần – Lê sơ chủ yếu được tạo theo hình sư tử. Từ thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 – 18) về sau, hình nghê xuất hiện phổ biến hơn. Giai đoạn này, nghệ thuật dân gian phát triển mạnh, sư tử/nghê được chạm dày đặc trong điêu khắc gỗ đình làng với hình thái vui tươi, ngộ nghĩnh. Từ một hình tượng biểu trưng cho thần quyền và vương quyền, nó dần trở nên gần gũi trong dân gian. Cũng từ giai đoạn này, nhiều trường hợp sư tử/nghê được gán cho những yếu tố thiêng của Kỳ Lân như đầu mọc sừng, lưng có kỳ, thân phủ vảy cá…
Theo điển tích xưa, nghê là con vật thích mùi hương, tính ưa ngồi một chỗ nên nó thường được đắp trang trí ở chân lư hương, nắp đỉnh trầm. Sớm nhất hiện biết là hình mặt sư tử đắp trên chân các lư hương gốm thời Mạc (thế kỷ 16). Thời Lê Trung hưng phổ biến là các đỉnh trầm có nắp hình nghê. Hình sư tử gắn trên nắp đỉnh trầm cũng xuất hiện nhưng khá hiếm. Tới thời Nguyễn (thế kỷ 19 – 20), lại phổ biến là hình sư tử. Với loại hình tượng thờ là các cặp nghê chầu hoặc sư tử chầu đặt hai bên hương án, ta cũng gặp diễn biến phức tạp không kém. Nghê chầu xuất hiện ít nhất từ thế kỷ 15, phát triển mạnh trong thế kỷ 17 – 18. Tới thời Nguyễn, lại phổ biến trong hình sư tử chầu.
Có thể thấy, hình tượng sư tử/ nghê có diễn biến phát triển đan xen phức tạp nhất trong các linh vật Việt Nam khiến cho nhận thức về chúng của người dân hiện nay gặp nhiều khó khăn. Hy vọng rằng, những nghiên cứu về đề tài này sẽ giúp cộng đồng hiểu biết sâu sắc hơn về linh vật sư tử/ nghê trong văn hóa Việt Nam, từ đó khơi gợi ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa hiện nay.