Travel Blogger Vinh Gấu

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác buồn chán khi các nước dần dần “đóng cửa” (lockdown) vì dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm đó, tôi đang ở những ngày cuối của hành trình khám phá nước Mỹ và chỉ kịp trở về vài ngày trước khi Việt Nam chính thức “cài then” để kiểm soát dịch. Và, thật là lâu, phải mất hơn hai năm sau, chiếc passport của tôi mới lại được đóng dấu xuất nhập cảnh.

Thác nước Jewel - điểm tham quan thú vị ở sân bay Changi

Điểm đến quốc tế đầu tiên tôi chọn là Singapore. Thật tình cờ, 12 năm trước tôi cũng chọn chính đất nước này là điểm xuất ngoại đầu tiên trong đời. Tôi tự cười chính mình vì đã thật lơ ngơ khi đặt chân đến sân bay Changi. Tôi đã mất nhiều thời gian hơn để tìm đến khu Nhập cảnh – điều mà trước đây tôi “nhắm mắt cũng đến” vì đã quá quen thuộc với đất nước này. Sân bay Changi vẫn mát lạnh, thơm phức và bóng loáng, nhân viên vẫn rất thân thiện, chỉ có lượng khách di chuyển trong sân bay là vắng hơn. Không cần xếp hàng lâu, thoáng một cái, thủ tục nhập cảnh Singapore của tôi đã xong.

Tòa nhà lịch sử Old Street Hill Police Station

Kéo valy rời sân bay, bước nhanh đến trạm tàu điện MRT để di chuyển vào trung tâm Singapore, đã lâu rồi tôi không có cảm giác chờ đợi hay tìm tuyến tàu. Tự nhiên một chút hoang mang sợ nhầm khiến tôi phải xem đi xem lại bảng chỉ dẫn. Tàu đến, tôi bước chậm lại để có thể nhìn dòng người đang hối hả bước vào tàu vì sợ trễ chuyến và tìm chỗ ngồi. Tiếng bíp bíp bíp báo hiệu cửa đang đóng lại, tàu tăng tốc và tiến về trung tâm. Trên tàu, hành khách đa phần cúi mặt vào xem điện thoại để chat, xem film, nghe nhạc… Tôi thì chọn cách ngắm nhìn họ, nhìn người bước ra và người mới bước vào khi tàu dừng ở các bến. Tôi lại tự cười mình một lần nữa, và nghĩ “Đúng là Singapore thật rồi. Thật thoả nỗi nhớ của hai năm qua!”

Du khách đa phần chăm chú xem điện thoại khi ngồi trên tàu

Chinatown chào đón tôi bằng một cơn mưa nhẹ. Nhưng điều đó chỉ làm cho khu Trung Hoa này trở nên đẹp hơn, lãng mạn hơn với những dãy nhà cũ cùng các bức bích hoạ về truyền thống văn hoá của người Singapore gốc Hoa xưa. Chinatown đã bớt hối hả và ồn ào so với trước đây. Khu ẩm thực đường phố trên con đường Smith bây giờ được quây kín, có lẽ do đang được cải tạo lại. Khu chợ đêm không còn nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm. Quang cảnh đìu hiu đến chạnh lòng. Tuy nhiên, những quán ăn lâu đời và đặc trưng như quán cơm gà Hải Nam Tiong Bahru, tiệm chè Mei Heong Yuen, quán Ya Kun Kaya với phần ăn sáng phong cách Singapore đặc trưng vẫn khá đông khách xếp hàng chờ đến lượt.

Tác giả Vinh Gấu háo hức chụp hình với biểu tượng của Singapore như lần đầu đến với quốc đảo này

Trái ngược với Chinatown, đường Orchard vẫn rất nhộn nhịp. Các trung tâm thương mại dọc con đường này vẫn luôn sáng đèn để chào đón những tín đồ mua sắm. Tôi không nghiền mua sắm lắm nên chọn cách đi dạo dọc con đường này để cảm nhận sự hồi sinh của du lịch.

Tác giả Vinh Gấu thích thú với món đặc sản cơm gà Hải Nam

Ngắm nhìn dưới đất chưa đủ, tôi mua vé lên trên tầng hai của chiếc xe buýt Hop-on Hop-off dạo quanh trung tâm quốc đảo. Chuyến xe đưa tôi đi qua khu CBD (Centre Business District) để ngắm nhìn những toà nhà cao tầng, ngắm vẻ đẹp độc đáo của khu phức hợp Marina Bay Sand… Singapore vẫn hào nhoáng và hiện đại. Như một sự đối lập, chiếc xe chạy ngang qua khu Tiểu Ấn nơi có các dãy nhà nhỏ với nhiều gam màu sặc sỡ từ màu sơn của các cửa hàng và từ những vòng hoa mà người Ấn thường hay đeo ở cổ. Không gian trở nên sống động khi hai bên đường rộn ràng những bản nhạc Ấn Độ nổi tiếng xen lẫn những tiếng đọc kinh cầu nguyện, và đôi khi có khi còn có cả tiếng rao mời mua hàng. Singapore vẫn vậy, độc đáo và đa màu sắc, một sự pha trộn hài hoà giữa nhiều nền văn hóa khác nhau.

Ẩm thực Singapore đa dạng và hấp dẫn

Có lẽ vì một phần đã “trưởng thành” hơn và thấy được giá trị của sự tự do khi có cơ hội lang thang ở nước ngoài, nên lần trở lại này, tôi dành nhiều thời gian để tận hưởng Singapore theo cách chậm hơn một chút, để có thể cảm nhận một Singapore sôi động mà vẫn ẩn chứa sự hấp dẫn từ những nét văn hóa đa sắc màu.