Bài: HẢI YẾN
Hình ảnh: UNSPLASH

Có một người từng nói với tôi rằng: “Nếu em thích điều gì nhưng không thể tìm thấy, hãy đến Singapore”. Khi nghe câu nói ấy, dường như Singapore trong mắt mọi người chính là vùng đất chứa đựng mọi thứ, nơi nghệ thuật và thời trang “ươm mầm”.

Quang cảnh sầm uất và hiện đại tại Singapore

THỜI TRANG TIÊN PHONG CÙNG CÔNG NGHỆ

Làm việc trong lĩnh vực thời trang và nghệ thuật, đa phần các sự kiện lớn mà tôi tham dự đều diễn ra ở Singapore. Ghé thăm nơi đây ít nhất 5 lần mỗi năm, có đợt cao điểm, tôi lưu trú đến 2 lần mỗi tháng. Đôi khi, tôi thấy tiếc cho một vài đồng nghiệp vì họ ít có dịp thăm thú những nước châu Á khác, cũng bởi đất nước này có tất cả mọi thứ. Singapore quy tụ cộng đồng đa dạng về văn hóa, nghệ thuật nhờ sự giao thoa của nhiều dân tộc và tôn giáo. Bên cạnh đó là những tòa nhà chọc trời chứa đựng công nghệ hiện đại, cùng các khu mua sắm sầm uất có thể phục vụ khách hàng từ trung đến cao cấp.

Khởi nguồn từ thị trấn nông thôn nhỏ với những người dân sống lấn biển, chưa đầy một thế kỷ, “đảo quốc sư tử” đã trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu châu Á. Theo Statista, thời trang là ngành kinh doanh lớn ở Singapore với giá trị thị trường lên tới 2.705 triệu USD vào năm 2020. Song, điều thú vị là có hơn 49% dân số tại đây khẳng định rằng, mỗi khi cần giải trí, họ sẽ tìm đến hoạt động mua sắm.

Công nghệ được ứng dụng trong một cửa hàng thời trang

Bằng việc tương tác trực tiếp với người dùng, các thương hiệu thời trang tại đây luôn sẵn sàng cộng tác với những bên liên quan, từ khách hàng đến thương hiệu, nhà cung cấp, thậm chí là các hiệp hội, để thời trang trở thành lực lượng quan trọng nhất.

Trong một lần đặt chân đến Singapore vào năm 1879, Isabella Bird, nhà văn nữ chuyên viết về du lịch, đã rất ngạc nhiên trước cách quốc gia này “nổi bật trong trang phục đa sắc màu” và cách người dân phục sức tạo nên “bản hòa tấu hấp dẫn khó cưỡng”. Còn với tôi, khi đi sâu vào thế giới thời trang nơi đây, từ sự kiện giới thiệu bộ sưu tập của các thương hiệu cho đến Tuần lễ thời trang, điều mà tôi ấn tượng hơn cả là ở cách họ tối giản trang phục và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Nhiều thương hiệu tại Singapore cho phép khách hàng đồng hành cùng nhà thiết kế trong việc lựa chọn phong cách ở những chi tiết mang nhiều dấu ấn cá nhân, như chất vải, họa tiết, tay áo trên các nền tảng công nghệ của hãng. Bên cạnh đó, không ít những thương hiệu danh tiếng tại đây sở hữu Makerlab (phòng thí nghiệm) ngay không gian trưng bày sản phẩm để khách hàng có thể chọn huy hiệu thêu, hay in 3D lên món đồ của mình tùy theo sáng tạo riêng. Có thể thấy, quốc gia này đang tiên phong trong việc cá nhân hóa sản phẩm thời trang, như xu hướng mà thế giới theo đuổi.

Một điểm khiến tôi chú ý trong thế giới thời trang của Singapore ngày hôm nay chính là sự tối giản. Ngay trong những sự kiện lớn, các nghệ sĩ bản địa cũng không ăn diện quá cầu kỳ. Dường như với đời sống nhanh và gấp gáp nơi đây, thời trang có xu hướng tập trung vào tính ứng dụng, nhằm mang lại những trang phục thoải mái mà kỹ lưỡng trong từng đường kim mũi chỉ. Tôi có cơ hội được trải nghiệm một chất vải chống thấm, có thể dễ dàng lau sạch chất lỏng, thậm chí là rượu trên bề mặt vải, nhưng vẫn hướng đến sự thân thiện với môi trường, đúng như cách mà Singapore nổi tiếng toàn cầu.

Không gian trưng bày của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp

TỔNG HÒA CỦA NGHỆ THUẬT

Trong lần đến Singapore hồi cuối năm ngoái, tôi có dịp lưu trú tại khu dân cư Tiểu Ấn trên đường Tyrwhitt Road. Đúng như tên gọi, nơi đây quy tụ gần hết người dân Ấn Độ sống tại đảo quốc này.

Tiểu Ấn mê hoặc du khách bằng vẻ quyến rũ của người phụ nữ trong bộ Sari in hoa độc đáo, những ngọn cờ rực rỡ trong ánh đèn sắc màu dọc các con hẻm nhỏ và nhà thờ Hindu giáo với nhiều mảng tường vẽ graffiti tuyệt đẹp.

Không gian trưng bày của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp

Bên cạnh thời trang, nghệ thuật cũng là điều không thể bỏ qua khi đến Singapore. Từ khi lãnh đạo Singapore có ý định biến đất nước trở thành trung tâm văn hóa, bằng việc thành lập Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia vào năm 1991, họ đã không ngừng thúc đẩy sự quan tâm đối với nghệ thuật thị giác của người dân. Bảo tàng Nghệ thuật Singapore và Phòng trưng bày Quốc gia cũng lần lượt ra mắt vào năm 1996 và 2015. Từ năm 2006, 7 triển lãm Singapore Biennale đã được tổ chức. Lorenzo Rudolf, một trong những doanh nhân sáng lập nhượng quyền thương mại Art Basel, cũng dành sự ưu ái đặc biệt cho đảo quốc khi tạo ra Hội chợ Nghệ thuật Đương đại châu Á Art Stage. Đặc biệt, các phòng trưng bày đặt ở tầng dưới Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Marina Bay Sands là điểm đến nghệ thuật quanh năm cho dân chuyên và nghiệp dư, tầng cao nhất là nơi diễn ra các dự án đặc biệt, một phòng trong đó còn được dùng để giới thiệu nghệ thuật kỹ thuật số và NFT.

Phòng trưng bày nghệ thuật đương đại ở Singapore

Singapore không phải là quốc gia được thiên nhiên ưu ái. Trên thực tế, mọi thứ ở đây đều do bàn tay của con người tạo ra – từ bãi biển, ốc đảo, thác nước, rừng nhiệt đới, thậm chí cả bầu không khí trong lành ẩm ướt, mà không có lấy bóng dáng của loài côn trùng nào. Vì vậy, Singapore không hẳn là nơi cần để khám phá, vì vốn dĩ mọi thứ nơi đây đều không quá mới lạ, nhưng nó xứng đáng được ghé thăm nhiều lần, nhất là khi những nhà lãnh đạo của “đảo quốc sư tử” khôn ngoan biến nó thành điểm đến phục vụ cho nhu cầu vừa căn bản, vừa xa xỉ của con người, như thời trang và nghệ thuật nói chung.

Bài viết liên quan: