Trúc Lâm

Một trong các hướng đi nhằm khôi phục ngành sơn mài truyền thống này là đưa yếu tố hiện đại vào quy trình chế tác, triệt để khai thác những ưu thế của khoa học công nghệ, không ngừng đổi mới mẫu mã, kiểu dáng

Sơn mài Việt Nam từ hàng trăm năm nay đã vang danh như một dòng sản phẩm truyền thống độc đáo, chứa đựng sắc màu tươi tắn, có độ bền không thua kém các chất liệu khác như gỗ sơn thếp, gỗ cẩn xà cừ… Tuy nhiên, sơn mài truyền thống đòi hỏi sự kỹ lưỡng trong quá trình gia công, đòi hỏi nguyên liệu khắt khe và hạn chế về hình thái sản phẩm. Người Việt từ xưa tới nay vẫn tự hào với dòng tranh truyền thống, song thế giới càng hội nhập, nền văn hóa toàn cầu càng mở rộng thì phương thức sản xuất thủ công truyền thống ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế. Đứng trước thực trạng suy giảm cả về doanh số, sức cạnh tranh với các quốc gia cùng làm sơn mài, không ít cá nhân, tổ chức tại Việt Nam đã và đang tìm con đường mới cho sản phẩm sơn mài Việt. Một trong các hướng đi nhằm khôi phục ngành hàng truyền thống này là đưa yếu tố hiện đại vào quy trình chế tác, triệt để khai thác những ưu thế của khoa học công nghệ, không ngừng đổi mới mẫu mã, kiểu dáng…, từ đó dần chinh phục khách hàng. Trong cuộc đua đầy thách thức và không kém phần thú vị này, câu chuyện đổi mới của làng nghề sơn mài Hạ Thái thuộc địa phận Thường Tín, Hà Nội đang đưa tới cho bức tranh chung một dấu son tươi sáng.

Là làng nghề duy nhất tại miền Bắc chuyên chế tác sơn mài, Hạ Thái là quê hương của những nghệ nhân cả đời gắn bó cùng sơn, vỏ trứng, vỏ trai… Trải qua nhiều thế kỷ trau dồi, những lớp người Hạ Thái đã tạo nên niềm tự hào chung cho đất nước với các dòng tranh sơn mài vẽ phong cảnh có sắc màu quyến rũ, càng có tuổi càng lên màu thời gian. Cùng với đó là các loại câu đối, hoành phi, đồ thờ tự, sản phẩm nào cũng chứa đựng tâm huyết, tài năng của các nghệ nhân. Tuy nhiên, sơn mài truyền thống đòi hỏi sự chuẩn xác tuyệt đối về nguyên liệu và quy trình. Sơn ta khai thác từ cây sơn Phú Thọ, mỗi sản phẩm cần đánh từ 10 tới 12 lớp, thời gian ủ, mài kéo dài từ 3 tuần tới 1 tháng, hơn nữa dù rất đẹp nhưng sơn mài truyền thống không phù hợp với khí hậu khô lạnh của châu Âu. Khắc phục những vấn đề đó bắt buộc phải sử dụng dòng sơn công nghiệp, quy trình sản xuất được rút ngắn và rất thích hợp cho việc trang trí ứng dụng tại gia đình, nhà hàng.

Có một sự kết hợp đầy thú vị giữa những doanh nghiệp trẻ, năng động với lớp nghệ nhân truyền thống trong việc thay đổi quy trình sản xuất và cải tiến mẫu mã sản phẩm sơn mài. Từ vài năm nay, những chuyên gia của công ty Viet Vision đã dành tâm huyết để cùng làng Hạ Thái sáng tạo nên các món đồ đầy tính hiện đại, tuy vẫn là sơn mài nhưng hoàn toàn khác biệt với sản phẩm truyền thống. Những chiếc khay chữ nhật, elip, tròn được chế từ cốt tre ép, các loại bình hoa có dáng hiện đại, phá cách mang họa tiết Nam Mỹ, những vật dụng của gia đình được chế tác theo phong cách ngẫu hứng đã ra đời, chinh phục thị trường bằng sắc màu tươi, đường nét hiện đại song vẫn mang hồn của sơn mài Việt. Độc đáo nhất trong khâu cải biến này có lẽ nằm ở chất liệu tạo cốt. Như xưa kia, bắt buộc phải dùng gỗ, song với kỹ thuật hiện đại, nghệ nhân có thể sử dụng cốt tre ép, giấy ép, nhựa, composite hoặc gốm sứ, qua đó mà thoải mái tạo dáng theo mẫu được thiết kế trên máy tính. Gần như không còn bất kỳ giới hạn nào về kích thước, kiểu dáng với dòng vật liệu nhẹ và dễ chế tác đó. Khách hàng thích thú với những chiếc bình có cổ xoáy tròn, những loại khay, hộp nhiều ngăn, vừa đẹp, vừa nhẹ được hình thành tại đây.

Nick Cation, chuyên gia tư vấn tới từ Vương quốc Anh

Càng tiếp thu nhiều hướng suy nghĩ mới, càng dễ chinh phục thị trường. Hiểu rõ điều đó nên các nghệ nhân Hạ Thái đã rất hào hứng chào đón các chuyên gia tư vấn quốc tế tới giúp phục hưng một làng nghề truyền thống. Có được điều đó cũng không thể bỏ qua công sức của Sở Công thương Hà Nội, đơn vị đã nhiệt tình mời các chuyên gia quốc tế về hỗ trợ, sau quá trình khảo sát, họ sẽ góp ý tận tình cho từng dòng sản phẩm, đặc biệt giúp về vấn đề cải thiện công năng, thiết kế, kiểu dáng… sao cho có thể dễ dàng chinh phục thị hiếu của khách hàng nước ngoài. Điển hình nhất là những ý kiến tư vấn của chuyên gia Nick Cation từ Vương quốc Anh tới, bằng tư duy về thị trường sắc bén, ông đã góp phần hình thành hai dòng sản phẩm mới, đó là khay đựng đồ trang sức chứa đựng đường nét cổ truyền Việt Nam và gạch men sơn mài. Thật thú vị với những mảng tường rực rỡ, hoặc vẽ phong cảnh, hoặc trang trí đồ họa mang tinh thần truyền thống Việt Nam tô điểm cho những không gian sang trọng, lịch lãm tại châu Âu. Cùng với các loại bình, lọ, cốc, chén, khay, đĩa…, dòng sơn mài mới này là niềm tự hào của nghệ nhân Việt Nam đang từng bước chinh phục những thị trường xa xôi, tuy rất hào phóng nhưng cũng đầy khắt khe về chất lượng sản phẩm.