Bài: Tô Việt

Trong lịch sử, rượu Champagne (vang nổ) và Sparkling wine (vang sủi bọt) luôn gắn liền với sự xa xỉ trong cung đình và tầng lớp quý tộc châu Âu. Ngày nay, nó trở thành biểu tượng của tình yêu và lễ hội.

Hoàng đế Pháp Napoléon từng nói “Tôi không thể sống thiếu rượu Champagne. Rượu này đáng uống khi thắng trận và cũng không thể thiếu khi thua (để giải sầu)”. Cũng có người nói rằng, việc chinh phục được một người phụ nữ đẹp đã khó, nhưng thuyết phục được người phụ nữ ấy tổ chức đám cưới thì càng khó khăn, như việc chinh phục đỉnh Everest vậy, và việc đó đáng để mở một chai Champagne. Quả thế, năm 1978, khi vận động viên leo núi người Pháp Mazeaud chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, việc đầu tiên khi ông quay trở lại nơi cắm trại là mở Champagne ra uống cùng đoàn thám hiểm. Lời đầu tiên Mazeaud nói hẳn sẽ là “Anh yêu em, Everest bé bỏng của anh. Nào các bạn, ta hãy cùng nâng ly Champagne này và uống vì thiên nhiên hùng vĩ”. Đầu thế kỷ 20, trong một số trung đoàn kỵ binh tinh nhuệ của Pháp và Anh, sau khi vượt qua quãng đường 30km với những con ngựa bất kham, chàng kỵ sĩ tân binh hân hoan mở Champagne mời bạn bè và hô to “Nào, chúng ta hãy uống Champagne vì phụ nữ và vì ngựa, những người bạn đồng hành không thể thiếu của kỵ binh”.

Vậy, tại sao rượu Champagne được dùng để nâng ly trong những dịp đặc biệt như đám cưới, chiêu đãi, đón giao thừa… Đây quả đúng là loại đồ uống “vô tửu bất thành lễ”, không những chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á, và khắp nơi trên thế giới? Trong thế giới rượu mênh mông thì rượu Champagne và Sparkling wine vẫn được nhiều gia đình lựa chọn để tiếp khách, hoặc dùng trong các bữa tiệc cưới, bởi nồng độ cồn trong rượu chỉ dao động từ 11-13%, nên kể cả phái đẹp cũng rất ưa chuộng.

Trong lịch sử, thứ rượu vang sủi bọt này gắn liền với sự xa xỉ trong cung đình và tầng lớp quý tộc châu Âu. Còn trong những thế kỷ gần đây, nó trở thành một phần của các nghi lễ hiện đại. Nâng ly với rượu Champagne trong đám cưới, lễ rửa tội và các sự kiện tôn giáo khác đã trở thành một phong tục thường xuyên, khi chúng ta muốn làm nổi bật cả niềm vui và sự thiêng liêng của khoảnh khắc. Quả thế, ở bất cứ đám cưới nào, sự có mặt của một chai Champagne trên bàn tiệc bao giờ cũng là một sự kiện đáng ghi nhớ. Nút chai bật nổ như tiếng cười trong trẻo của một cô gái đồng trinh. Khi vị giác và khứu giác chỉ vừa cảm nhận mùi vị tuyệt vời, quyến rũ của hương, thì thị giác đã no nê với sắc vàng óng ả của chất lỏng trong chai, với dòng bọt sủi lăn tăn như chuỗi ngọc trai uốn lượn quanh cổ người phụ nữ sắc nước hương trời, để rồi sau đó nổ tung như một chùm pháo hoa trong đêm hội. Rượu Champagne sở hữu một lợi thế căn bản so với các đối thủ như rượu vang sủi bọt của Tây Ban Nha (Cava) hay của Ý (Prosecco, Franciacorta, Moscato d’Asti Spumante) ở sự tinh tế và số lượng bọt sủi nhiều vô kể (khoảng 1,4 tỷ bọt sủi trong một chai Champagne, so với chỉ từ vài trăm triệu tới nhiều nhất là 750 triệu bọt sủi trong một chai Sparkling).

Gợi ý những chai rượu Champagne và Sparkling wine cho tiệc cưới và lễ hội

1. Champagne Canard-Duchêne Cuvée Léonie Brut:

Kể từ khi chàng trai làm thùng nuôi rượu vang bằng gỗ sồi Victor Canard se duyên với nàng Léonie Duchêne, con gái của một chủ trang trại trồng nho thuộc tiểu vùng Montagne de Reims, vào năm 1868, các loại Champagne Canard-Duchêne đã và đang trở thành một phần không thể thiếu tại những buổi tiệc thanh nhã của thế kỷ 19, làm nổi bật chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XX và khích lệ khả năng sáng tạo của thời kỳ đầu thế kỷ XXI tại Pháp và toàn thế giới. Rượu có màu vàng rơm nhạt và nồng nàn hương táo vàng, đào vàng, mơ vàng, thoảng mùi dứa chín, bơ và bánh mì cháy tinh tế. Bọt rượu nhiều, mịn, cấu trúc chặt chẽ, hậu vị dài và lan tỏa.

2. Rượu Champagne Comte De Mazeray vảy vàng 24K Brut:

Rượu có sự phối trộn giữa nho Pinot Noir (90%), nho Chardonnay (7%) và nho Pinot Meunier (3%). Màu vàng rơm bắt mắt với những mảnh vàng lá nhảy múa trong ly pha lê, cùng bọt rượu mịn và hương thơm sang trọng, tươi mát  của đào, lê, táo. Cấu trúc rượu mạnh mẽ, mùi vị đặc trưng của trái cây đỏ như dâu tây và anh đào chua, hậu vị bền bỉ, với một chút vị chát kim loại của vẩy vàng, khiến cho việc thưởng thức chai Champagne này trở thành một khoảnh khắc của lễ hội và sự kỳ diệu.

3. Rượu Crémant d’Alsace Arthur Metz Perle d’Alsace:

Rượu có màu vàng chanh bắt mắt, hương táo xanh, đào, lê, thoảng mùi quả nhiệt đới và mùi hoa đào gai, bọt rượu mịn màng, cấu trúc chặt chẽ và sống động. Hậu vị lan tỏa, hài hòa và tươi mát.

4. Rượu Montelvini Prosecco Rosé DOC,

Có tỷ lệ 85% nho Glera, 15% nho Pinot Nero, chai vang sủi bọt hồng nhẹ nhàng của vùng Veneto (Italy), với nồng độ a-xít chua thanh dịu, có thể dùng khai vị hoặc dùng với các món pizza, mỳ Ý sốt cà chua bò băm, tôm, cá nướng. Tất cả các chai Crémant d’Alsace, Prosecco và Champagne nên được phục vụ ở mức nhiệt từ 6-8 độ C.