Bài: Nguyễn Phước Bảo Đàn
Ảnh: Lê Việt Khánh

Cứ mỗi độ Xuân về, khắp các nẻo đường xứ Huế trở nên nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu với nhiều cây chông hoa giấy được mang đi bán khắp nơi.

Nét xuân trên cầu ngói Thanh Toàn

SẮC HOA NGÀY TẾT

“Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng

Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa”.

Vào khoảng tháng Chạp hàng năm, tạm gác qua việc đồng áng, cư dân làng Thanh Tiên lại tấp nập làm hoa giấy phục vụ đời sống tín ngưỡng lẫn trang trí của cư dân xứ Huế và khu vực. Làng Thanh Tiên hiện có khoảng trên dưới 10 hộ gia đình làm hoa, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu cây hoa giấy ngũ sắc các loại. Trong quá khứ, ngôi làng này còn có bí quyết làm bông Lùng – loại hoa làm từ ruột cây Lùng, một dạng cây thân thảo có ruột xốp và trắng. Khi làm hoa, người thợ sử dụng phần ruột cây, cuộn tròn lại theo hình xoắn ốc thành những vòng tròn đồng tâm tạo thành đoá hoa có màu trắng ngà, lá màu xanh từ giấy màu, dùng để cúng Trang Sư (Thổ Công). Ngoài hoa giấy, người dân làng Thanh Tiên còn làm bông Đũa, hay còn gọi là bông Rối – loại hoa chuốt từ que tre nhỏ nhắn, dài chừng 15cm – 20cm, một đầu vót nhọn để làm chỗ cắm, một đầu được chuốt tỉ mỉ sao cho xơ tre không tách ra khỏi thân tạo thành một đoá hoa hình cầu với vô số cánh xoắn xít trên cành hoa hình chiếc đũa. Sau khi chuốt xong, hoa được mang phơi nắng thật khô rồi nhuộm ngũ sắc.

Truyền nghề cho thế hệ sau

Ngược dòng sử liệu, làng Thanh Tiên xưa còn có tên gọi là Tân Lãn hay Tân Lạng, một địa danh vốn được đề cập trong Ô Châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc tập thành (tuyển chọn và biên tập) vào giữa thế kỷ 16, thuộc tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngôi làng toạ lạc ở hữu ngạn hạ lưu sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế chừng 6km về hướng đông bắc

Cùng với những làng xã lân cận như Hoài Tài, Mậu Tài, Tiên Nộn, Lại Ân (làng Sình)…, Thanh Tiên là hương danh góp mặt vào bức tranh làng nghề thủ công Huế từ rất sớm. Nhiều giai thoại kể rằng, dưới thời vua Gia Long, nhà vua ban chỉ cho mỗi trấn, mỗi địa phương phải mang về kinh đô một loài hoa quý, lúc này trong triều có một vị quan người Thanh Tiên đã dâng lên một cành hoa ngũ sắc của quê hương mình với đầy đủ ý nghĩa Tam cương – Ngũ thường. Trong một cành hoa giấy Thanh Tiên, 3 bông hoa lớn nhất ở chính giữa tượng trưng cho Quân – Sư – Phụ, được làm từ giấy nhuộm vàng tượng trưng cho Thiên tử, 5 bông hoa nhỏ tượng trưng cho Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Chính vì ý nghĩa của cành hoa gắn chặt với nền tảng tư tưởng Nho giáo dưới thời quân chủ, nên nhà vua đã khuyến khích người làng Thanh Tiên phổ biến nghề và làm thật nhiều sản phẩm để người Huế được sử dụng.

Du khách mua hoa giấy Thanh Tiên trưng Tết

Hoa giấy Thanh Tiên được làm từ tre và giấy ngũ sắc. Trải qua nhiều công đoạn từ việc chọn tre già, chẻ tre, vót tre thành cuống hoa, nhuộm giấy, tạo hình cánh hoa, làm táng chần (nhuỵ hoa) từ kính hay giấy thiết bạc… Cây hoa giấy dần hình thành dưới đôi tay tài hoa của người thợ làng Thanh Tiên, với nhiều loại như hoa tường vi, hoa lan,

Sau khi làm đủ số lượng hoa cần thiết, người Thanh Tiên thường bó rơm vào cây tre để tạo thành cây Chông, dùng để cắm các cành hoa. Những cây Chông này thường được chuyên chở bằng thuyền, hoặc xe đạp, hoặc xe máy, hoặc đơn giản hơn là vác trên vai của người bán, đi khắp phố phường ngõ xóm trong thời gian sắp Tết. Người xứ Huế và khu vực thường mua một vài cặp hoa giấy dùng để cúng trên trang thờ Bổn mạng, am Cảnh, cúng Ông Táo, Thổ Công. Những cây hoa này được dùng trong suốt một năm, đến Tết năm sau, họ lại mang xuống đốt đi và thay thế bằng những cành hoa mới.

Hoa giấy Thanh Tiên được bày bán ở các khu chợ Tết xứ Huế

LÀNG HOA GIẤY THANH TIÊN HÔM NAY

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, làng Thanh Tiên ngày nay nhập cùng ngôi làng Thế Vinh lân cận để hình thành nên thôn Thanh Vinh là một đơn vị hành chính, thế nhưng, nghề làm hoa giấy vẫn như là một nét riêng rất dễ nhận diện ở mảnh đất này. Từng trăn trở qua nhiều thời đoạn khó khăn trong cuộc sống, nghệ nhân Thân Văn Huy, Nguyễn Hoá, Nguyễn Chí Khoan, hay Nguyễn Thị Thanh… là một trong số ít những gia đình ở làng Thanh Tiên còn bám trụ với nghiệp làm hoa. Không những thế, bằng tình yêu và trí tuệ, họ đã phục hồi được kỹ thuật làm hoa sen giấy, loại hoa được cho là từng sử dụng trong đời sống lễ nghi cung đình Nguyễn. Hiện nay, hoa sen giấy trở thành mặt hàng lưu niệm phổ biến dùng trong trang trí. Những gia đình này cũng thường là nơi giới trẻ Huế cũng như du khách tìm về để trải nghiệm nghề, quan sát hay tự tay làm ra những cành hoa giấy như món quà lưu niệm.

Truyền nghề cho thế hệ sau

Trong những lần trò chuyện, ngoài những kiến thức trong việc nhuộm màu hoa bằng các loại lá, vỏ, rễ cây… khai thác từ tự nhiên, nghệ nhân Nguyễn Hoá nói rằng: “Nghề làm hoa giấy đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, bởi mỗi một cành hoa đều gắn kết với đời sống tâm linh, vậy nên tuy hoa giấy không toả hương nhưng vẫn mang cái thần của nó. Hoa giấy không những mang ý nghĩa sâu xa trong đời sống tín ngưỡng của người Huế mà còn là tín hiệu báo Tết đang về thật gần”.

Vào dịp giáp Tết, màu sắc rực rỡ của những cây hoa giấy phần nào xua đi cái ảm đạm, rét mướt những ngày cuối đông. Cũng chính trong thời gian này, dòng Hương xứ Huế (sông Hương) lại như được tô vẽ thêm những sắc màu sinh động, khi từng con đò chở hoa toả đi khắp nơi từ ngôi làng toạ lạc phía hạ lưu.